20/01/2014 4:20 PM
CafeLand - Năm mới sắp đến, bạn cần dọn dẹp lại nhà cửa với hi vọng làm mới không gian sống, mang những điều may mắn vào nhà. Những mẹo nhỏ sau đây sẽ giúp bạn không phải tiêu tốn quá nhiều thời gian mà lại hiệu quả không ngờ.

Vạch kế hoạch rõ ràng

Hãy bắt đầu dọn dẹp nhà cửa đón năm mới với tâm trạng vui vẻ, hào hứng, như vậy công việc làm mới căn nhà của bạn sẽ trở nên đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều. Bạn cũng nên bắt tay vào công việc khi đã vạch ra một kế hoạch hoàn hảo.

Hãy bắt đầu với bản kế hoạch bao gồm phòng khách cần phải được dọn sạch đầu tiên, sau đó sẽ đến phòng bếp, cuối cùng là nơi thờ tự… Ngoài ra, bạn cũng nên đặt ra mức thời gian khi dọn dẹp, như dự định phòng khách sẽ được làm mới trong 2 giờ, bếp sẽ là 3 giờ…Cách này sẽ có tác dụng giúp kế hoạch của bạn không bị đổ bể, tránh tình trạng sử dụng quá ít thời gian cho phòng này nhưng lại tiêu xài quá nhiều thời gian cho phòng khác.

Phòng khách

Ngày Tết, phòng khách là nơi nhộn nhịp nhất. Bạn bè và người thân đều tập trung tại đây nên cần được bài trí đẹp mắt và gọn gàng, đó cũng là cách gia chủ chào đón một năm mới nhiều tài lộc và may mắn.

Trước khi lên ý tưởng bài trí, công việc cần làm chính là dọn dẹp phòng khách cho sạch sẽ.

Thông thường nếu có ý tưởng làm mới toàn bộ không gian các gia chủ phải chuẩn bị trước hàng tháng, bằng cách thay đổi màu sắc hay thậm chí cả vật liệu sử dụng của căn phòng. Phương pháp chủ yếu là tạo sự tương phản màu hoặc phối nhiều màu sắc cho từng mảng tường riêng của căn phòng nhằm tạo những điểm nhấn ngầm định các chức năng sử dụng.

Nếu chỉ thay đổi những chi tiết nhỏ thì thường là sắm vỏ gối tựa màu sắc bắt mắt cho ghế sofa, thay thảm trải sàn (nếu có) và bố trí thêm một vài lọ hoa, vật dụng trang trí mới cho ngày tết. Tại những phòng lớn, nên bố trí thêm bộ bàn 6 ghế để làm nơi tiếp khách thêm khi có nhiều nhóm khách đến cùng một lúc.

Năm mới, phòng khách không thể thiếu cây mai, đào, quất... Cho nên, vị trí hợp lý nhất để đặt chúng là ngay trước bộ bàn ghế, nếu nhà rộng thì ngay góc giữa bộ salon là đẹp nhất.

Phòng bếp

Ngày tết không thể bỏ qua bếp ăn vì đây là không gian quây quần tụ tập của đại gia đình, là nơi “cụng ly” hào hứng nhất để chúc nhau năm mới “của ăn của để”. Hiện nay đa số nhà ở đều thiết kế phòng ăn và nhà bếp chung một không gian, hay chí ít cũng là liền kề nhau tạo nên sự thuận tiện nhất định.

Về cách thức, trang trí phòng ăn cũng tương tự như phòng khách, gọn gàng, ấm cúng và tăng tối đa diện tích và chỗ ngồi. Cũng cần phải chú ý đồ dùng nhà bếp cho ngày Tết vì chúng không chỉ giúp bạn chuẩn bị bữa ăn chu đáo và đầy đủ mà còn tăng thêm phần hấp dẫn, ấn tượng cho bữa tiệc ngày Tết của gia đình.

Ví dụ, chén, đĩa có rất nhiều chất liệu từ gốm, sứ, thủy tinh nhưng để bàn ăn thêm bắt mắt bạn có thể chọn những bộ chén có hoa văn tinh tế, nhã nhặn. Những bộ ly uống rượu nên được lựa chọn và phân loại cẩn thận như ly uống rượu, uống bia, uống trà để phù hợp với từng hoàn cảnh, từng đối tượng.

Khăn trải bàn và bình hoa là thành phần không thể thiếu trong phòng bếp ngày tết để tạo bầu không khí tươi vui, sôi động và ấm áp.

Điều quan trọng nhất của nhà bếp là vấn đề vệ sinh. Hãy tổng vệ sinh và sắp xếp các tủ bếp, kệ bếp, tủ lạnh thật ngăn nắp, sạch sẽ để gây ấn tượng với khách. Thay thế một vài món đồ đã cũ như khăn trải bàn, hộp đựng gia vị, bộ ly uống rượu…. Nếu bếp kết hợp luôn với phòng ăn mà có diện tích hẹp thì có thể mở rộng ra không gian phòng khách.

Không gian thờ tự

Không phải cứ vào dịp năm hết tết đến các gia điình mới dọn dẹp và chăm chút ban thờ, nhưng phải vào những ngày này mới thấy được không khí tất bật của việc dọn dẹp và chuẩn bị sắm sửa đồ thờ. Bàn thờ là nơi ngự vị của các bậc tiền nhân trong gia đình vì thế nó thường được đặt ở vị trí trung tâm và cao nhất trong nhà. Điều này không chỉ để tránh sự va chạm mà còn tránh gió, bụi bặm và côn trùng. Việc lau dọn sạch sẽ bàn thờ là công việc trước tiên và được thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ.

Lễ vật cho ban thờ ngày tết thường bao gồm vài bộ quần áo, giấy tiền vàng mã, một vài cái ly nhỏ và một bình trà; đĩa hoa quả lớn đặt ở trung tâm bàn thờ, một bình hoa lớn và một bình rượu ngon. Xung quanh, ta có bày thêm bánh mứt cho cân đối và đẹp mắt.

Hoa để thờ có thể là hoa tươi hay hoa làm bằng giấy bạc (một bạc, một vàng biểu tượng cho một âm một dương, âm dương giao hòa) để có thể dùng được lâu. Đối với hoa tươi người Việt Nam thường sử dụng hoa cúc, hoa huệ, hoa lay-ơn, hoa mai, hoa đào trong cúng gia tiên ngày Tết...

Bàn thờ tết không chỉ là nơi mà mọi người bày tỏ tình cảm gia đình, huyết thống mà đó còn là nơi chúng ta gửi gắm những lời chúc may mắn và một năm mới an khang, thịnh vượng hơn.

Lê Na (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.