Núi Bà Đen
Vài nét về Núi Bà Đen
Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất miền Đông Nam Bộ với 986m và là biểu tượng cho mảnh đất và con người Tây Ninh. Quần thể di tích Núi Bà trải rộng 24 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: Núi Heo - Núi Phụng và Núi Bà Đen. Hệ thống chùa Điện Bà ở núi có chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà... Ngọn núi này thu hút khách thập phương vì cảnh núi non hùng vĩ, nhiều hang động, nhiều ngôi chùa nguy nga tráng lệ. Trước đây vốn là nơi ẩn cư của nhiều sư sãi. Đặc biệt, nơi đây còn gắn liền với truyền thuyết nàng Lý Thị Thiên Hương (Bà Đen).
Truyền Thuyết “Bà Đen”
Tương truyền rằng vào khoảng nửa cuối thế kỉ 18, những cuộc xâu xé nhau giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn đã đẩy nhân dân lâm vào cảnh khốn khổ lầm than. Nguyễn Huệ dấy lên cao trào Tây Sơn dẹp thù trong giặc ngoài. Bấy giờ có người thanh niên tên Lê Sỹ Triệt, quê ở Quang Hóa (tức huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh ngày nay) tài cao, chí lớn, vì nước nhà nên chia tay người yêu là Lý Thị Thiên Hương lên đường phò Nguyễn Huệ giữ nước. Lý Thị Thiên Hương là cô gái xinh đẹp với làn da bánh mật (bà đen) và có đức hạnh. Người yêu lên đường vì nghĩa lớn, cô ở nhà sống trong vòng vây của cường hào ác bá nhưng vẫn một lòng chung thủy với người yêu. Một hôm, cô bị cưỡng bức, vì giữ tiết hạnh nên cô gieo mình xuống núi quyên sinh. Sau đó ít lâu, Thiên Hương về báo mộng cho sư trụ trì chùa núi biết nơi thân thể cô đang bị gió sương bào mòn. Thi thể cô được đem về mai táng, phụng thờ. Tin này lan rộng ra, và từng đoàn người về tụ họp trên núi để chiêm bái và cầu nguyện vì sự linh thiêng của người con gái tiết hạnh, xin cô phù hộ độ trì. Nhà chùa đã cho lập đền thờ riêng để người ta cúng bái. Việc hành hương về chùa vào mùa xuân đã trở thành tập tục quen thuộc từ đây.
Chinh Phục !
Khi
đến tham quan di tích Núi Bà, từ chân núi, để lên đến Điện Bà, bạn có thể đi
bằng ba cách:
Chinh phục núi bằng đường bộ với hơn một giờ đồng hồ đi trên hàng ngàn bậc tam cấp được làm Đá xanh trên núi, đi kiểu này rất vui nhưng cực mệt. Kiểu đi này phù hợp với giới trẻ - những người thích chinh phục. Bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi dưới những tán lá sum suê hai bên đường.
Đi cáp treo với chiều dài 1.200m, và khoảng 20 phút “lơ lững trên không” thỏa thích ngắm nhìn phong cảnh xung quanh.
Và
cuối cùng hệ thống máng trượt chạy với tốc độ…xe đạp nhưng khi ngồi lên và trải
nghiệm chắc chắn bạn sẽ có cảm giác như đang ngồi trên…xe đua thể thức I. N hiều chặng quanh co, khúc khuỷu. Có đoạn xe đang chạy thẳng tắp, bỗng
đến một đoạn cua xe nghiêng nghiêng chừng 40 độ cho bạn cảm giác...
Đường lên đỉnh
Nếu bạn muốn chinh phục đỉnh núi cao nhất miền Đông Nam Bộ này thì có hai lựa chọn cho bạn: Một đường mòn nằm sau lưng chùa Bà, đường này xấu, rất khó đi, phải nói chính xác là leo núi mới đúng. Nếu chọn đi đường này các bạn sẽ gặp: Động Thanh Long, Ông Hổ, Hang Gió, Rừng Trúc…và mất khoảng 3h để từ Điện Bà lên tới đỉnh núi.
Một đường mòn khác bắt đầu từ Đài Liệt sĩ đi men theo các trụ điện lên thẳng đỉnh núi, đường này không có nhiều cảnh quan, chỉ trơ trọi đá với đá, không có một bóng cây nên không khí rất hanh khô. Ưu điểm của đường này là thời gian tới đỉnh rất nhanh, chỉ tầm 3h leo núi.
Trên đỉnh núi khí hậu mát mẻ, ban đêm rất lạnh, không có dịch vụ chỉ có bán hai thứ là nước khoáng và mì tôm. Đứng trên đỉnh núi bạn có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn của miền Đông Nam Bộ.
Mách nhỏ:
Giá vé vào cổng 10.000đ; Cáp treo: 60.000đ/lượt; Máng trượt : 60.000đ/lượt; Phòng ngủ qua đêm: 80.000đ-100.000đ; Nếu bạn có ý định leo núi thì khi đi nên mặc đồ sao cho thoải mái, quần jean áo thun chẳng hạn, tránh mang giày cao gót. Nên mang theo một ít nước và chút thức ăn dự phòng.