Phòng khách lầu một cũng là nơi khoe bộ sưu tập tranh và đồ cổ quý giá của chủ nhân. Ở đây có mặt đầy đủ những khuôn mặt sáng giá của hội hoạ Việt Nam như: Nguyễn Gia Trí, Lưu Công Nhân, Nguyễn Sáng, Trần Đông Lương, Bùi Xuân Phái, Lê Thiết Cương, Hoàng Hồng Cẩm, Quách Đông Phương…
Có thể thấy ở đây một sự thoải mái từ mục đích, ý tưởng thiết kế đến vật liệu hoàn thiện. Ngôi nhà đầy tính ngẫu hứng với hồ nước lớn và lối đi nhỏ quanh co, những lối rẽ hiện ra bất ngờ, những cầu thang nhỏ hút lên những căn phòng hẹp với ô cửa sổ xinh xắn,…
Không còn cảm giác sống trong trung tâm thành phố bởi sự yên tĩnh gần như tuyệt đối. Chủ động về ánh sáng có lẽ là thói quen nghề nghiệp của chủ nhà, một nhiếp ảnh gia, nên những khuôn hình xấu xí của mái tôn hàng xóm, của ánh nắng đô thị chói gắt đã được anh cố ý che chắn bằng những tán cây, khiến nơi đây mang dáng vẻ nhà quê với một góc mái rạ cũ kỹ và hồ nước đã rêu xanh.
Nổi tiếng với những loạt ảnh đẹp trau chuốt, mơ màng về phụ nữ, anh lại không thích sự quá nuột nà và vuông thành sắc cạnh của đồ đạc trong nhà. Sự tuỳ tiện một cách có chủ ý ở những mảng trần còn nguyên màu bêtông, những bức tường không cần bằng phẳng, những viên gạch không cần thẳng hàng,... Đây là ngôn ngữ của không gian công cộng, nơi mà ai cũng phải chấp nhận bừa bãi một tí, xê dịch một tí và dù thế nào, chủ nhà cũng không thấy đó là phiền hà và đó cũng là mục đích của anh khi cất ngôi nhà này: “Bạn bè ở xa vào chơi có chỗ mà ngủ, mỗi thằng một phòng, đi sớm về khuya không ai phải chào ai”. Vì thế trên một khoảnh đất 150m2, chủ nhà đã thiết kế tới sáu phòng ngủ. Đã riêng thì rất riêng, khi thích gặp gỡ thì ra hàng hiên bên hồ nước thả mình nghe chút nhạc từ chiếc cassette cũ hay tụ tập ở sân thượng nướng barbecue rồi kết thúc một ngày bằng cách cùng xem chung một bộ phim trong phòng chiếu liền đó.
Không gì sướng bằng tự xây nhà cho mình, sống trong ngôi nhà của mình và hiểu mình muốn gì. Phải sống và phải xây không biết bao nhiêu ngôi nhà, Trần Huy Hoan mới thoát ra khỏi việc đặt tên cho mỗi căn phòng. Một không gian sống thực sự với anh phải là sự thuận tiện tối đa. Thích tra cứu thì tủ sách cách ba bước chân, lên đúng ba bậc thang là có thể thả mình vào bồn tắm, tán gẫu với mấy tay bạn cũng ngay đấy, mệt thì nhoài ra ngủ… Tất cả gói gọn chỉ đầy một căn phòng và tất cả đều trong tầm tay…
bộ sưu tập tranh và đồ cổ quý giá của chủ nhân. Ở đây có mặt đầy đủ những khuôn mặt sáng giá của hội hoạ Việt Nam như: Nguyễn Gia Trí, Lưu Công Nhân, Nguyễn Sáng, Trần Đông Lương, Bùi Xuân Phái, Lê Thiết Cương, Hoàng Hồng Cẩm, Quách Đông Phương…
Phòng khách lầu một
Không gian riêng tư chiếm trọn lầu hai với cùng lúc rất nhiều chức năng. Mở cửa bước vào là góc làm việc, tủ sách lớn chính là vách ngăn “mềm” tạo thành một lối đi nhỏ và khuất bước lên phòng tắm.
Đây có lẽ là góc yêu thích nhất của chủ nhân khi bức sơn dầu cũ kỹ vẽ nhà thơ Hoàng Cầm năm 1956 của Lưu Văn Sìn được hiện diện kín đáo cùng những bộ sách ảnh quý giá và dàn máy chụp phim lớn – niềm tự hào một thời của những tay máy chuyên nghiệp.
Chỉ cách bàn làm việc chừng 3m là chỗ có thể ngả lưng xem một cuốn phim, thưởng thức một điệu nhạc hay kỳ thú hơn nữa, có thể ngắm nhìn người phụ nữ mình yêu đang thả mình trong bồn tắm. Một không gian loanh quanh với rất nhiều những góc rẽ bất ngờ và thú vị.
Phòng tắm trên cao, tiện nghi nhưng giản dị.
Lối vào nhà và hồ nước nhìn từ cửa sổ bàn làm việc.
Hàng hiên đón khách giản dị và ấm áp sát mép nước. Hồ nước này vừa làm mát nhà vừa mang đến cảm giác thư thái và an bình.
Chỉ cần mở cánh cửa gỗ kia là trở lại ngay không khí ồn ào và náo nhiệt của khu phố sầm uất nhất quận 3.
Mở cánh cửa nhỏ bên hàng hiên là một trong sáu căn phòng dành cho bạn bè, tất cả đều được thu xếp chu đáo và rất tiện nghi, khác với cái tên “Nhà quê” mà chủ nhân tự đặt cho nơi chốn yên ả này.