Khi chảy tới ngoại ô thành phố Lạc Dương (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), dòng sông Y lọt vào hai vách đá dựng đứng của đôi bờ đông-tây. Địa hình nơi đây như chiếc cổng thiên nhiên mở ra cho dòng sông chảy qua và người dân thời Đường đã gọi tên là Long Môn.

Nằm đối xứng ở hai bên bờ sông, kéo dài 1km là hệ thống hang động chi chít, phủ đầy những tác phẩm điêu khắc Phật giáo - có cái đã hơn 1.500 năm tuổi, được gọi chung là hang đá Long Môn.


Cổng vào khu du lịch Long M

Hang đá Long Môn, cùng với hang Mạc Cao (Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc) và hang Vân Cương (Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây), được xem là ba địa điểm điêu khắc cổ đại nổi tiếng và đặc sắc nhất Trung Hoa. Bắt đầu từ năm 493, hệ thống hang đá Long Môn được kỳ công đục đẽo liên tiếp trong suốt hơn 400 năm, qua nhiều triều đại, kéo dài từ thời Bắc Ngụy đến thời Bắc Tống. Tính cả ở hai bên bờ tây và bờ đông, Long Môn có tất cả 2.345 hang và hốc đá, 2.800 câu chữ khắc trên đá, 43 chùa và hơn 100.000 tượng Phật (cái lớn nhất cao gần 20m, cái nhỏ nhất chỉ vài centimet). Với giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, hang đá Long Môn đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào ngày 30/11/2000.


Chúng tôi thả bộ dọc theo bờ tây của sông Y trên một con đường lát đá, bên trái là hàng liễu xanh um, dòng sông trôi lãng đãng, bên phải là những hang động, những pho tượng chen nhau trên vách đá. Nếu đứng từ xa nhìn vào, vách đá nơi đây như một tổ ong khổng lồ, chi chít những hang hốc. Đến gần, du khách lại càng thêm kinh ngạc trước hằng hà sa số những pho tượng Phật được chạm khắc trong những hang hốc này, đủ mọi kiểu dáng, mọi kích cỡ.

Hang đá Long Môn được chia thành nhiều cụm hang nhỏ theo từng thời điểm tạc khắc khác nhau, thời Bắc Ngụy có động Cổ Dương, động Liên Hoa…; thời Đường có chùa Phụng Tiên, động Vạn Phật… Mỗi thời kỳ lại có một phong cách điêu khắc khác nhau, thể hiện quan niệm khác nhau về thẩm mỹ. Tượng thời Bắc Ngụy thì gầy gò, khắc khổ; tượng thời Đường thì mập mạp hơn, cổ cao ba ngấn. Từ động này sang hang khác, du khách cứ liên tục trầm trồ trước kỳ công của người xưa. Đơn cử, chỉ để hoàn thành riêng một động mang tên Tân Dương, triều Bắc Ngụy đã huy động tổng cộng 80.000 nhân công lao động trong 24 năm.


Những vách đá tổ ong độc đáo

Long Môn có điểm lạ so với những hang động điêu khắc khác ở Trung Quốc. Từ thời Bắc Tống đến nay, các triều đại sau không hề tạc thêm tượng, đào thêm động tại đây mà chỉ gia cố các công trình cũ. Chính vì lẽ đó nên ngày nay Long Môn còn rất ít pho tượng nguyên vẹn. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự tàn nhẫn của thời gian và bàn tay con người đã tàn phá các pho tượng nơi đây. Lũ lụt của dòng sông Y, mưa gió, sạt lở… làm nhiều pho tượng cụt đầu, mất tay. Tuy nhiên, xét về mức độ phá hoại thì thiên nhiên còn thua xa con người. Thời điểm hang đá Long Môn bị hư hại nhiều nhất là vào thập niên 20, 30 của thế kỷ trước. Lúc ấy, tình hình chính trị Trung Hoa bất ổn, người nước ngoài đến đây, bỏ tiền thuê dân địa phương đào những pho tượng đẹp rồi đem về nước. Nhiều hang đá Long Môn hiện không còn tượng bên trong. Ngày nay, tượng Phật có nguồn gốc Long Môn đang nằm rải rác tại rất nhiều bảo tàng lớn khắp thế giới.

Điểm có tầm nhìn, có khung cảnh, có phong thủy đẹp nhất Long Môn và luôn tấp nập du khách chính là Phụng Tiên tự. Đây là một ngôi chùa lộ thiên, được người xưa khoét vách núi mà tạc thành, dùng làm nơi tế tổ dưới thời Võ Tắc Thiên. Phụng Tiên tự được hoàn thành vào năm 675, sau 25 năm thi công, là nơi có những pho tượng hoành tráng nhất. Để có tiền xây chùa, Võ Tắc Thiên đã tiết kiệm “tiền son phấn” của mình trong 25 năm. Nổi bật nhất Phụng Tiên tự là pho tượng Phật lớn nằm chính giữa chùa, cao 17,14m. Người đời sau cho rằng Võ Tắc Thiên đã đưa hình ảnh của bản thân vào pho tượng này. Pho tượng mang nét nữ tính, nằm ngay vị trí trung tâm như một nữ hoàng; các pho tượng La Hán còn lại vây quanh, như các quan văn võ đang chầu bái. Nhiều người Trung Quốc tự hào rằng bức tượng này như một “bản Monalisa của ngành điêu khắc”, bởi dù đứng ở bất cứ vị trí nào trong khoảng sân rộng mênh mông của Phụng Tiên tự, du khách cũng thấy pho tượng như đang nhìn thẳng vào mình, miệng điểm nhẹ một nụ cười bí ẩn.

Du khách thành kính lễ bái trước Phụng Thiên tự

Người yêu thơ Đường nếu đến với Long Môn, xin đừng quên dạo bước sang bờ đông sông Y, nơi nhà thơ Bạch Cư Dị đang yên nghỉ trên đỉnh một đồi thông. Riêng về phần mình, vì thời gian có hạn nên tôi chẳng kịp viếng mộ nhà thơ, đành rời Long Môn với niềm tiếc nuối.

Cafeland.vn - Theo Nguyên Hà ( Phụ Nữ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.