Hồ An Hải – núi Thánh Giá
|
Hồ An Hải, nuồn cung cấp nước ngọt quanh năm cho toàn đảo Côn Sơn. Ảnh: Lê Bá Lư |
Từ trung tâm Vườn quốc gia Côn Đảo, du khách có thể đi bằng ôtô hoặc xe máy, xe đạp đến với điểm du lịch thích hợp cho người thích khám phá thiên nhiên, leo núi, ngắm cảnh thư giãn… Trên đường đi, các bạn sẽ đi qua khu vực hồ An Hải - một trong hai hồ nước ngọt lớn nhất cung cấp nước sinh hoạt cho dân đảo.
Mất khoảng hơn một giờ đồng hồ, các bạn sẽ chinh phục ngọn núi Thánh Giá cao 577 mét - cao nhất trong số các ngọn núi thuộc quần đảo lớn này. Trên đường xuyên rừng lên đỉnh núi này, các bạn sẽ thấy nhiều loài động, thực vật rừng quý hiếm và đặc hữu ở Côn Đảo.
Lên tới đỉnh núi, không khí mát mẻ, mây mù bao phủ xung quanh. Từ trên đỉnh núi, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh quần đảo Côn Sơn, với thảm thực vật rừng nhiệt đới, một vùng biển xanh bao la, những hòn đảo lớn nhỏ vây quanh đảo lớn, nhìn thấy thị trấn Côn Đảo và hoạt động của tàu thuyền trong vịnh Côn Sơn…
Trên đường trở về thị trấn, du khách sẽ men theo đường ven núi vòng quanh khu dân cư của đảo chính để quan sát cuộc sống của người dân trên đảo.
Mũi Cá Mập – cảng Bến Đầm – hòn Trọc
Đi theo tuyến này, nên dùng ô tô từ thị trấn theo con đường nhựa chạy dọc theo bờ biển phía nam và tây nam của đảo Côn Sơn. Các bạn có thể nhìn thấy những hòn đảo ngoài khơi xa; ghé thăm khu dịch vụ hậu cần nghề cá và cảng Bến Đầm. Các bạn cũng có thể dừng chân ngắm cảnh và tắm biển ở bãi Nhát, một bãi biển đẹp và hoang sơ nằm cạnh đỉnh núi Tình Yêu – nơi hai ngọn núi như hình dáng của đôi trai gái đang tự tình… một khung cảnh yên bình và lãng mạn.
|
Mũi Cá Mập. Xa xa là hòn Tài Lớn và hòn Tài Nhỏ. Ảnh: Lê Bá Lư |
Sở Rẫy – bãi Ông Đụng
Mất khoảng 45 phút leo lên dốc núi, các bạn sẽ đến được vườn sinh thái Sở Rẫy. Đây là vườn cây trái được trồng vào đầu thế kỷ 20, hiện nay đang được cải tạo để cung cấp thức ăn cho động vật hoang dã và nơi đây có trồng xen kẽ những cây gỗ quý. Từ chòi quan sát trên đỉnh dốc, các bạn sẽ ngắm nhìn bao quát thị trấn Côn Đảo từ trên cao và một số loài động vật rừng đang tìm kiếm thức ăn.
Từ Vườn quốc gia Côn Đảo đến Sở Rẫy, các bạn cũng có thể đi theo đường mòn trong rừng để đến bãi biển Ông Đụng. Đây là một con đường khác để đến với bãi biển này. Mất khoảng một giờ đồng hồ, trên suốt dọc đường đi từ Sở Rẫy qua bãi Ông Đụng, du khách sẽ gặp những cây cổ thụ đã hơn trăm năm tuổi, những dây leo to bằng cánh tay người uốn quanh trông rất lạ mắt.
Sau khi nghỉ ngơi và thư giãn tại bãi Ông Đụng, bạn chỉ mất khoảng 25 phút xuyên qua cánh rừng nhiệt đi qua di tích lịch sử cầu Ma Thiên Lãnh để trở về lại Thị trấn. Nếu dừng chân để đọc những bảng diễn giải môi trường trên tuyến đường này, du khách sẽ có cơ hội khám phá thêm những điều thú vị.
Cầu Ma Thiên lãnh – hang Đức Mẹ – Ông Đụng
|
Di tích cầu đá Ma Thiên Lãnh - cây cầu do
người Pháp xây dựng nối liền hai mỏm núi. Khởi công từ năm 1930 bằng lao
công khổ sai, đến tháng 8 năm 1945 thì bỏ dở; chưa làm xong nhưng đã có
tới 356 tù nhân bỏ mạng vì đói rét và tai nạn. |
Ông Đụng là một vịnh nhỏ ăn sâu vào đảo lớn Côn Sơn, cách trung tâm thị trấn khoảng 3 km về phía tây. Trên đường đi, du khách sẽ dừng chân tham quan di tích lịch sử cầu Ma Thiên Lãnh. Sau đó chỉ cần khoảng 15 phút leo qua một dốc đá là đến hang Đức Mẹ, một hang đá nhỏ do người Pháp phát hiện rồi chọn nơi này làm nơi đặt tượng thờ Đức Mẹ Maria và đến cầu nguyện trong những năm chiếm đóng ở đây.
Tiếp tục xuyên qua rừng mưa nhiệt đới Ông Đụng, sau khoảng 20 phút sẽ đến bãi biển, du khách có thể dừng chân nghỉ tại trạm Kiểm lâm Ông Đụng, tham quan quang cảnh xung quanh, hoặc bơi với ống thở xem san hô, xem ốc tai tượng...
Khi chọn tuyến tham quan này, các bạn nên xuất phát trước lúc bình minh lên để có thể thưởng thức tiếng hót của nhiều loài chim rừng. Trên đường xuyên qua rừng mưa nhiệt đới, du khách nên đọc các bảng diễn giải môi trường đặt dọc đường đi để hiểu biết thêm về khu rừng nhiệt đới giữa biển này. Nếu có điều kiện ngắm hoàng hôn xuống ở bãi biển Ông Đụng thì các bạn có thể thỏa mãn với mong muốn khám phá và tận hưởng cảnh trí thiên nhiên biển đảo tuyệt vời.
Bãi Đầm Trầu
Đây là một bãi biển hoang sơ nằm về phía tây bắc của đảo Côn Sơn, gần khu vực Cỏ Ống; được nhiều du khách cho là bãi biển đẹp nhất ở Côn Đảo. Các bạn nên dành hẳn một ngày đến đây tắm biển, vui chơi dã ngoại, mắc võng trong rừng phi lao nằm nghe tiếng gió biển vi vu và ngắm nhìn những chú sóc thoăn thoắt chạy nhảy trên cành cây cao. Cũng nên biết rằng Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi duy nhất ở Việt Nam có loài sóc Mun, sóc Đen vô cùng quý hiếm.
Vịnh Đầm Tre
Các bạn có thể chọn một trong hai cách: đi bộ xuyên rừng hoặc đi bằng tàu du lịch.
Từ trung tâm Vườn Quốc gia Côn Đảo hoặc từ thị trấn huyện, du khách xuất phát bằng ô tô hoặc xe máy về hướng sân bay Cỏ Ống, sau đó đi bộ xuyên qua khu rừng mưa nhiệt đới trong khoảng gần 2 giờ đồng hồ. Theo lộ trình này, các bạn sẽ leo qua núi Yên Ngựa, dọc đường sẽ gặp nhiều loài động vật hoang dã như sóc, khỉ, kỳ đà, cua núi… và những loại cây quý hiếm như lát hoa, găng néo… nhất là sẽ được thấy rất nhiều cây cổ thụ lâu năm và nhiều loài dây leo tại tuyến rừng này.
Nếu đi bằng tàu du lịch, sẽ đi về phía đông bắc của đảo Côn Sơn. Trên đường đi, du khách sẽ được ngắm cảnh đẹp của vịnh Côn Sơn, mũi Lò Vôi, bãi biển Đất Dốc, mũi Chim Chim, vịnh Đông Bắc…
Đến vịnh Đầm Tre, các bạn có thể tham quan rừng ngập mặn, bơi với ống thở để ngắm san hô, xem chim yến làm tổ trong mùa sinh sản và nhiều loài sinh vật biển khác.
Côn Sơn – hòn Tài – hòn Bảy Cạnh – hòn Cau
|
Hòn Bảy Cạnh. Ảnh: Lê Bá Lư |
Đi tàu khoảng 25 phút về phía đông nam của đảo Côn Sơn sẽ đến hòn Tài. Tại đây, các bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh vịnh Côn Sơn từ xa và các đảo nhỏ xung quanh, neo đậu tàu để câu cá giải trí, bơi lội với ống thở để xem một trong những điểm có rạn san hô đẹp nhất vùng biển Côn Đảo, tham quan trạm bảo tồn rùa biển, khu nuôi thực nghiệm khỉ Mặt Đỏ, một loài khỉ quý hiếm, tham quan khu rừng nguyên sinh để có thể thấy nhiều loài chim rừng quý hiếm.
Tiếp tục theo lộ trình này, sau 25 phút, tàu sẽ cập vào hòn Bảy Cạnh. Tại đây, các bạn có thể tham quan, tìm hiểu việc bảo tồn rùa biển; leo lên núi (cao 325 mét) để viếng thăm ngọn hải đăng được xây dựng từ năm 1884, đến nay vẫn được duy trì hoạt động với tầm xa 72km, soi đường cho tàu bè khắp nơi qua lại; tham quan khu rừng ngập mặn đẹp nhất trong số những rừng ngập mặn ở Côn Đảo; bơi lội xem san hô, thư giãn trên bãi biển dài với bờ cát trắng mịn, hoang sơ, yên tĩnh.
Bãi cát Lớn tại đây chính là bãi đẻ lớn nhất của rùa biển Côn Đảo. Vào mùa rùa biển lên bãi làm tổ, từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm, du khách có thể nghỉ qua đêm tại đây để chờ xem rùa biển làm tổ và đẻ trứng.
Các bạn cũng có thể đi thẳng từ Côn Sơn đến hòn Bảy Cạnh bằng tàu, mất khoảng 45 phút. Sau đó đi tiếp sang hòn Cau. Nằm về phía đông của đảo Côn Sơn, cách hòn Bảy Cạnh khoảng 30 phút đi tàu, các bạn sẽ đến đảo hòn Cau. Trong 30 phút di chuyển trên biển, các bạn sẽ được ngắm nhìn cảnh đẹp của vịnh Côn Sơn từ xa.
Hòn Cau là nơi duy nhất trong số các đảo ngoài khơi trong quần đảo Côn Sơn có nguồn nước ngọt quanh năm, có nhiều loài cây ăn quả và là một trong những điểm quan trọng cho công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã, quý hiếm. Đến hòn Cau, du khách có thể tìm hiểu nhiều hệ sinh thái kỳ thú và tận hưởng phong cảnh đẹp hoang sơ và một môi trường trong lành. Bơi lội với ống thở để ngắm nhìn các rạn san hô; tham quan rừng cây ăn quả và rừng mưa nhiệt đới để được thấy nhiều loài động vật hoang dã như kỳ đà, tắc kè, dơi quạ và một số loài chim quý hiếm. Tại đây, du khách cũng có thể nghỉ qua đêm để xem rùa biển lên bãi đẻ trứng hoặc nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng…
Vòng quanh đảo Côn Sơn, ghé tham quan hòn Tre Lớn
Xuất phát từ cầu tàu du lịch hướng về phía đông bắc của đảo Côn Sơn, vòng qua phía bên kia của đảo, ghé tham quan hòn Tre Lớn, sau đó, tiếp tục lộ trình về phía đông nam. Trên suốt chuyến đi, du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh đẹp của vịnh Côn Sơn, mũi Lò Vôi, bãi biển Đất Dốc, mũi Chim Chim, vịnh Đông Bắc, vịnh Đầm Tre, ngang qua bãi Ông Đụng, hòn Tre Nhỏ…
Sau hơn một giờ đồng hồ, du khách sẽ tạm dừng chân tại hòn Tre Lớn. Bãi cát trắng phau trước trạm Kiểm lâm hòn Tre Lớn cũng là một trong những bãi đẻ lớn của rùa biển. Tại đây, du khách sẽ được giới thiệu về công tác bảo tồn và những điều thú vị về loài sinh vật biển hiền lành và quý hiếm này. Rạn san hô ở đây cũng là một trong những rạn san hô đẹp nhất trong vùng biển Côn Đảo. Ngoài ra, du khách còn có thể nhìn thấy nhiều loài sinh vật biển khác như ốc Đá, trai Tai Tượng với rất nhiều màu sắc lấp lánh dưới làn nước trong xanh…
Tiếp tục với lộ trình vòng quanh đảo chính, du khách sẽ được tham quan cảnh đẹp của vịnh Bến Đầm, hòn Trọc, cảng biển Bến Đầm, khu công nghiệp Bến Đầm, hòn Bà, hòn Vung và mũi Cá Mập…
Côn Đảo gồm 16 hòn đảo; hòn lớn nhất tập trung hầu hết dân cư (khoảng 5.500 người) của quần đảo với 3 khu vực chính: Cỏ Ống ở phía Bắc, thị trấn Côn Sơn ở trung tâm và Bến Đầm ở phía Nam. Côn Đảo cách cửa sông Hậu 83 km, cách Vũng Tàu 185 km, cách TPHCM 230 km; nằm trong vùng biển nước sâu, trên trục đường hàng hải quốc tế, giữa ngư trường chính của cả nước.
Côn Đảo rộng 76,78 km2, chủ yếu là đồi núi (6.238 héc ta đồi núi, chiếm 88,4% diện tích tự nhiên); núi Thánh Giá cao nhất, 577 mét. Mỗi năm Côn Đảo đón hai mùa gió: gió mùa Đông Bắc (cuối tháng 10 đến tháng 4 năm sau) và gió mùa Tây Nam (từ đầu tháng 5 đến tháng 10). Côn Đảo có nhiệt độ ôn hòa nhất trong vùng biển ven bờ nước ta; nhiệt độ trung bình là 27,8 độ C.
Vườn quốc gia Côn Đảo được thành lập từ ngày 31-3-1993 trên cơ sở chuyển hạng Khu Rừng cấm Côn Đảo, có tổng diện tích 19.992 héc ta. Trong đó diện tích rừng và đất có rừng 5.991 héc ta, diện tích vùng bảo vệ đa dạng sinh học biển 14.000 héc ta; ngoài ra còn có vùng đệm biển 20.500 héc ta. |