Dân tộc Động là một trong 56 dân tộc thiểu số của Trung Quốc. Người Động sống rải rác trong các ngôi làng ở tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Quảng Châu và Quảng Tây. Họ nổi tiếng với nghề làm bánh gạo truyền thống và kỹ nghệ xây dựng cầu gỗ độc đáo.
Những cây cầu bắc qua khu vực sông, hồ nơi người Động sinh sống được gọi là cầu Phong Vũ bởi thiết kế của cầu có phần mái để chắn gió, chắn mưa cho người dân nơi đây. Loại cầu này còn có tên gọi khác là cầu hoa bởi kiến trúc tổng thể của cây cầu hệt như những bông hoa đang nở, vô cùng đẹp mắt. Vào những ngày trời mưa, đây là địa điểm gặp gỡ thường xuyên của những người dân địa phương, họ vừa trò chuyện vừa thư giãn sau những giờ lao động.
Kiến trúc cầu Phong Vũ là sự kết nối hoàn mỹ giữa thân cầu, các tòa tháp và mái che, tất cả đều được làm bằng gỗ. Hai bên cầu đều có những hàng ghế phục vụ người dân và du khách nghỉ ngơi, được đặt ngay bên dưới mái che. Nét độc đáo của những cây cầu kiểu này chính là ở các chi tiết chạm trổ tinh tế với họa tiết rồng, phượng ở cả thành cầu, các tòa tháp và mái che.
Đặc biệt hơn, khối kiến trúc khổng lồ này không hề sử dụng bất cứ một chiếc đinh nào nhưng vẫn có thể đứng vững hàng trăm năm nay. Những người thợ mộc của dân tộc Động đã tạo ra các khe, rãnh nhỏ trong từng thanh gỗ để có thể gắn kết chúng bền chặt với nhau.
Chiếc cầu nổi tiếng nhất cho loại kiến trúc này là cây cầu nằm ở tỉnh Quảng Tây, được xây dựng từ năm 1916. Đây cũng là cây cầu Phong Vũ vững chãi và lớn nhất ở Trung Quốc với 5 mái vòm lớn và chiều dài lên đến 64,4m, rộng 3,4m và cao 10,6m.
Phần trụ cầu là bộ phận duy nhất được xây bằng đá, phần thân được kết nối hoàn toàn bằng gỗ và trên mái được lợp gạch. Những hàng ghế cũng được bố trí hợp lý 2 bên thân cầu, thuận tiện cho du khách nghỉ ngơi.
Đứng từ cây cầu này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng dòng sông Linxi uốn lượn bên dưới với 2 bên sông là những cánh đồng chè xanh mát. Kiến trúc độc đáo của cây cầu này đã thu hút hàng nghìn du khách ti tham quan mỗi ngày.
Một số hình ảnh của cây cầu Phong Vũ: