23/09/2022 11:19 AM
Ngành thiết kế, xây dựng đã quá quen thuộc về việc dùng thước Lỗ Ban để đo đạc kích thước cửa, đồ dùng nội thất. Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều bất cập khi sử dụng loại thước này. Hãy cùng phân tích những điều còn vướng mắc về thước Lỗ Ban qua bài viết sau.

Các loại thước Lỗ Ban

Hiện có rất nhiều loại thước Lỗ Ban, nhưng thông dụng nhất vẫn là 3 loại:

- Thước Lỗ Ban thông thủy 52.2cm: thước dùng để để đo chiều cao tầng, các cửa chính ra vào, cửa sổ.

- Thước Lỗ Ban dương trạch 42.9cm: được sử dụng trong các khu vực bếp, kệ tủ, bậc thang,…Một số nơi vẫn dùng thước này để đo kích thước thông thủy.

- Thước Lỗ Ban âm phần 38.8cm: được sử dụng đối với đồ dùng nội thất liên quan đến âm trạch như: bàn thờ, tủ thờ, mộ phần,…

- Loại thước cuộn bán trên thị trường đa phần có 2 hàng. Hàng trên là thước 42.9cm, hàng dưới là thước 38.8 cm.Trước kia, khi internet chưa phát triển, hầu như người thợ hoặc người thiết kế, thường sử dụng loại thước này.

Thực trạng cách dùng thước Lỗ Ban

Các loại thước đều có những khoảng tốt (màu đỏ), xấu (màu đen) xen kẽ. Thông thường, các kích thước cần đo thường đều vào ô đỏ, tức vào cung tốt của từng loại thước tương ứng. Tuy cách dùng 3 loại thước đã ghi rõ, nhưng khi sử dụng, gia chủ luôn yêu cầu kích thước được chọn phải vào cả 3 ô đỏ. Điều này đã ăn sâu vào tâm lí của người xây nhà, vì họ muốn mọi thứ được tốt nhất có thể.

Ngoài ra, còn có cách xem kĩ hơn, là lấy số đo của từng người, phương hướng ngôi nhà, thời gian xây dựng,... rồi tính toán theo đơn vị “Thốn”. Nếu số đo trên nằm trong các chữ Tài, Nghĩa, Quan, Bản là cát; nếu gặp Bệnh, Ly, Kiếp, Hại là hung.

Đối với cách làm này, việc tìm được kích thước đẹp là vô cùng khó. Đây là cách mà một số thầy phong thủy vẫn đang dùng. Tuy nhiên, cách này không thể giải thích được, đối với trường hợp xem Lỗ Ban cửa, trong một không gian có nhiều người, vai trò của mọi người đều như nhau, thì xem kích thước của ai. Vì cách này không có mẫu số chung nào cho số đông.

Những câu chuyện dở khóc dở cười, vì dùng thước Lỗ Ban quá cứng nhắc

Có trường hợp sử dụng kích thước lỗ ban cho cửa nhà vệ sinh. Vì muốn cửa phòng vệ sinh rơi vào 3 ô đỏ, nên làm cửa lọt lòng 0.81, kích thước cửa đã gồm khung bao là 0.91. Nhưng phòng vệ sinh bề ngang chỉ 1.2m, lavabo đặt sát cửa, khi cửa mở vào bị cấn lavabo, nên mỗi lần vào phòng vệ sinh phải cố gắng nép người vào mới vô đuợc.

Lại một câu chuyện khác, khi xem kích thước Lỗ Ban cho cửa cổng. Vì muốn lấy số đo vào cung ưng ý, nên gia chủ làm cổng lọt lòng chỉ 1.55m. Khi lái xe ô tô vào sân thì không được, đành phải gửi xe ở bãi ô tô cách nhà đến 500m. Bất tiện là vậy, nhưng gia chủ nhất quyết không sửa lại cổng để an tâm, vì cứ nghĩ chỉ có kích thước cửa cổng như vậy, là tốt nhất về phong thủy.

Hay việc áp dụng Lỗ Ban để xem chiều cao tầng nhà. Chiều cao các lầu trên theo bản vẽ xin phép xây dựng là 3.4m. Vì muốn vào số đẹp, mà chủ nhà đề nghị xây lên 3.6m. Dù cho đơn vị thiết kế thi công hết sức can ngăn, nhưng cuối cùng vẫn phải làm theo ý chủ nhà. Khi thanh tra xây dựng đến kiểm tra, phát hiện thi công sai phép, yêu cầu tháo dỡ toàn bộ hạng mục làm sai và xử phạt nặng. Lúc đó chủ nhà mới biết lỗi nhưng đã quá muộn.

Thước Lỗ Ban liệu có tính ứng nghiệm thật sự?

Điều này chưa có nghiên cứu nào chứng minh cụ thể. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy nhưng ít khi ta để ý, đó là cách sinh hoạt của ta, đang chưa thống nhất với kích thước Lỗ Ban.

Khi xem Lỗ Ban cho cửa đi, tức là đang xem kích thước lọt khí, lọt gió của cửa. Nhưng khi mở cửa, dù cửa có mấy cánh, ta cũng luôn có thói quen chỉ mở 1 cánh, mở vừa đủ vào rồi đóng cửa lại. Nhà ở hiện đại cần sự riêng tư và an ninh, nên thường không mở toang cửa đi thường xuyên, như nhà ở ngày xưa, mà chỉ mở khi cần thiết.

Vậy dòng khí vào cửa khó có thể được trọn vẹn như kích thước ta chọn, mà thường vào ít hơn. Do đó, cho dù kích thước Lỗ Ban tốt đến đâu, cũng không thể phát huy được hết tác dụng của nó.

Nên áp dụng thước Lỗ Ban như thế nào?

Thước Lỗ Ban dù thực tế sử dụng không hoàn toàn đúng với lí thuyết. Nhưng theo tôi, vẫn phải áp dụng để gia chủ an tâm. Tuy nhiên, chỉ áp dụng thước để đo lọt lòng cửa đi, đồng thời chỉ sử dụng thước 52.2 hoặc 42.9, không cần thiết phải dùng cả 3 loại thước kết hợp. Kích thước cửa quan trọng nhất phải phù hợp về công năng và cân đối về thẩm mỹ, đó mới chính là kích thước đẹp nhất!

Kiến Trúc Sư - Phong Thủy Sư: Nguyễn Đức Hiếu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Phong thủy cổng và cửa nên mở ra hay mở vào?

    Phong thủy cổng và cửa nên mở ra hay mở vào?

    Phong thủy cổng và cửa có nhiều yếu tố cần quan tâm: vị trí, hướng, kích thước, chất liệu, kiểu dáng, màu sắc. Ngoài ra, còn cần phải chú ý đến việc mở vào trong hay mở ra bên ngoài vì điều này liên quan đến công năng sử dụng lẫn việc thu nạp khí vào...

  • Cách sử dụng hồ lô phong thủy hút tài lộc

    Cách sử dụng hồ lô phong thủy hút tài lộc

    Hồ lô là hình ảnh quen thuộc của người dân Việt Nam và cả nhiều nước trên thế giới. Từ xưa cho đến ngày nay, hồ lô luôn là vật phẩm được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực phong thủy.

  • Cải tạo nhà có gây ảnh hưởng về phong thủy không?

    Cải tạo nhà có gây ảnh hưởng về phong thủy không?

    Cải tạo nhà là biện pháp tân trang lại căn nhà, nhưng không tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí như xây mới.  Đa số chúng ta thường nghĩ việc cải tạo nhà tưởng chừng như không gây xáo trộn về phong thủy như xây mới, nhưng điều này không hoàn toàn ...

Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.