Nằm biệt lập trên hòn đảo của riêng mình, Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo tại Doha ôm ấp tham vọng biến Qatar trở thành điểm đến của nghệ thuật toàn thế giới.
Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo ở Qatar - Ảnh: Thụy Miên
Có rất nhiều điểm tương phản ở Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo tại Doha, Qatar. Nhìn từ trên xuống, viện bảo tàng có bề ngoài giống như một phụ nữ che mạng, nằm phủ phục một cách e ấp và khiêm tốn trong trang phục chuẩn của đạo Hồi nhưng trắng toát (màu đặc trưng của áo phủ dành cho nam giới ở xứ Ả Rập). Cấu trúc bên ngoài của viện bảo tàng có vẻ như đơn giản so với tiêu chuẩn đầy xa hoa của những tòa nhà được thiết kế bắt mắt tại các thành phố trên vịnh Ba Tư như Dubai và Abu Dhabi thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Là công trình kiến trúc quan trọng nhất vào cuối đời của kiến trúc sư lão thành người Mỹ I.M.Pei, 97 tuổi, Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo Qatar là hồi ức của giai đoạn thiết kế kiến trúc còn mang nét chỉn chu và lạc quan, khi mà khoảng cách giữa kiến trúc hiện đại và truyền thống vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm. Kiến trúc sư Pei muốn tạo ra một cấu trúc có thể làm nổi bật nét tinh túy của kiến trúc Hồi giáo, và ông dành nhiều tháng liền đi khắp Trung Đông tìm nguồn cảm hứng. Lo ngại rằng công trình của mình có một ngày sẽ bị che khuất bởi các cấu trúc tương lai của Doha, kiến trúc sư Pei đã yêu cầu tiểu vương Hamad bin Khalifa al-Thani xây một hòn đảo riêng bên cạnh con đường dọc bờ biển, tạo thành một ốc đảo biệt lập với phần còn lại của thành phố.

Các phòng trưng bày của bảo tàng có tổng diện tích gần 4.000 m2. Nơi đây các bản viết tay cổ, mẫu vải quý hiếm, những đồ sứ xa xưa và các tác phẩm thu thập được trong vòng 2 thập niên qua, giúp nó trở thành một trong những bộ sưu tập thuộc dạng bách khoa toàn thư của nghệ thuật Hồi giáo. Có những cổ vật từ thế kỷ thứ 8, thứ 9 như trang giấy kinh Koran, đoản đao nạm ngọc quý từ thế kỷ 12, bình đồng cổ cuối thế kỷ 13, đĩa đồng khắc hoa văn dùng để đo vị trí các vì tinh tú vào thế kỷ 10... Tất cả những vật phẩm trên đang được lưu giữ một cách trân trọng nhờ vào vị trí đặc biệt của chúng trong dòng thời gian của văn hóa đạo Hồi.

Qatar có diện tích nhỏ bé với dân số khoảng 2 triệu người, là nước giàu nhất thế giới tính theo thu nhập đầu người (gần 97.000 USD/người/năm) và trữ lượng dầu mỏ thoải mái khai thác trong vòng 300 năm nữa. Nhờ vào tiềm lực kinh tế, trong một phiên đấu giá mới đây, bảo tàng Qatar đã mua được bức tranh Nafea Faa Ipoipo? của danh họa Paul Gauguin với giá 300 triệu USD. Tính đến nay, bảo tàng này đã chi hơn 1 tỉ USD để mang về cho Qatar những tuyệt tác hội họa của thế giới.
Thụy Miên (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.