05/10/2020 1:10 PM
CafeLand - Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của thiết kế nội thất là hệ thống chiếu sáng, yếu tố có thể hình thành hoặc phá vỡ một không gian nội thất với bất kỳ kích thước hoặc vật liệu nào.

Hệ thống chiếu sáng tốt đặc biệt quan trọng với các không gian nhỏ hoặc có mật độ dày đặc, làm chúng trông rộng hơn và thoáng hơn ngay cả khi kích thước không thay đổi. Ngược lại, những không gian lớn mà sử dụng hệ thống chiếu sáng tồi có thể nhìn nhỏ hơn và thiếu phóng khoáng so với thực tế. Một số phương pháp thiết kế hệ thống chiếu sáng sau sẽ giúp bạn không chỉ tối đa không gian sống mà còn tăng tính thẩm mỹ cho phong cách nội thất của toàn bộ căn nhà.

Sử dụng nhiều nguồn sáng

Nhiều căn nhà rơi vào bẫy chiếu sáng khi chỉ dùng một chiếc đèn trần duy nhất ở giữa phòng. Loại ánh sáng này tạo ra bóng ở góc và chiếu sáng không đồng đều, khiến căn phòng có cảm giác nhỏ hơn và thậm chí có thể gây nhức mỏi mắt. Do đó, thay vì sử dụng chỉ một chiếc đèn trần, các nhà thiết kế nên sử dụng nhiều nguồn sáng phân bổ khắp phòng. Tùy thuộc vào chức năng, kích thước và thiết kế của căn phòng, các nhà thiết kế sẽ sắp đặt các vị trí và cường độ chiếu sáng thích hợp.

Đặt đèn vào các góc

Nói chung, bóng tối làm cho không gian trông có vẻ nhỏ hơn, trong khi ánh sáng làm cho không gian có cảm giác rộng hơn. Khi các góc bị che khuất trong bóng tối, căn phòng dường như bị thu hẹp lại. Đèn chiếu sáng ở các góc, dù là đèn trần hay đèn đặt ở vị trí hợp lý, sẽ đảm bảo toàn bộ diện tích sàn của căn phòng được chiếu sáng, khiến nó trông lớn hơn hoặc ít nhất là bằng với diện tích thực tế.

Sắp đặt hệ thống chiếu sáng nhiều lớp

Có ba loại chiếu sáng khác nhau là chiếu sáng chung, chiếu sáng cụ thể, và chiếu sáng xung quanh. Chiếu sáng chung giúp căn phòng luôn sáng sủa, trong khi chiếu sáng cụ thể giúp chúng ta nhìn rõ hơn những nơi cụ thể như bàn làm việc hoặc mặt bàn. Cuối cùng, chiếu sáng xung quanh đảm nhận chức năng trang trí nhiều hơn. Các kiến trúc sư nên sử dụng hệ thống chiếu sáng nhiều lớp để đảm bảo đáp ứng cả ba nhu cầu này. Ví dụ, đèn đặt ở các góc và đèn trần sẽ thuộc loại chiếu sáng chung. Chiếu sáng cụ thể bao gồm đèn bên dưới tủ trong nhà bếp hoặc đèn trang điểm trong phòng tắm. Chiếu sáng xung quanh có thể là nến, đèn âm tường, đèn trang trí, hoặc đèn chùm.

Bổ sung đèn âm trần

Đèn âm trần có ý nghĩa đặc biệt vì chúng thực sự làm cho không gian rộng hơn. Được lắp đặt trực tiếp bên trong trần, tường hoặc các bề mặt khác, chúng bổ sung thêm ánh sáng mà không chiếm thêm không gian. Những loại đèn này đặc biệt hữu ích cho những căn phòng có trần nhà thấp, vì đèn treo hoặc đèn thả có thể làm cho không gian dày đặc hơn theo chiều dọc và mang lại cảm giác phòng nhỏ hơn. Bằng cách lắp đèn âm tường, các nhà thiết kế sẽ tăng thêm diện tích không gian mở, từ đó tạo ra sự khác biệt lớn cho một căn phòng nhỏ.

Tập trung ánh sáng vào các bức tường

Phương pháp này giúp mở rộng không gian bằng cách làm sáng các vùng ranh giới. Nó cũng có thể được sử dụng để hướng ánh sáng về các khía cạnh thiết kế tích cực nhất định, chẳng hạn như tác phẩm nghệ thuật hoặc các đặc điểm kiến ​​trúc khác. Chiếu sáng âm trần cũng là một cách để làm sáng các bức tường, do đó kết hợp hai phương pháp sẽ mang lại hiệu quả gấp đôi. Một cách khác là lắp đặt hệ thống chiếu sáng đường ray, có thể chiếu theo cách thủ công về phía các bức tường.

Sử dụng đèn thả với trần nhà cao

Phương pháp tập trung ánh sáng vào các bức tường còn có thể được sử dụng để làm nổi bật trần nhà cao. Đèn thả thu hút ánh nhìn lên phía trên, khiến người dùng chú ý đến trần nhà cao và do đó tạo cảm giác không gian cao hơn. Đồ nội thất cao, kệ cao và đèn tường thẳng đứng cũng có thể dùng để nhấn mạnh đặc điểm này của căn phòng.

Thiết kế với đèn hắt và đèn nền

Đèn hắt sáng có thể được sử dụng để nhấn mạnh độ cao của trần nhà hoặc làm trần nhà thấp trông cao hơn. Phương pháp này được áp dụng đơn giản bằng cách hướng ánh sáng lên trên - giống như việc đèn tường hướng ánh sáng theo chiều ngang - và có thể được thực hiện thông qua chụp đèn hướng lên trên hoặc một số loại bóng đèn chuyên dụng. Trong khi đó, đèn nền bao gồm việc thêm đèn phía sau một số đồ nội thất nhất định, chẳng hạn như tủ, hốc tường, đồ trung bày, ti vi, và các đồ trang trí khác. Điều này tạo ra ảo giác về chiều sâu và có thể khiến không gian không chỉ rộng hơn mà còn tinh tế hơn.

Lắp đặt đèn rọi

Đèn rọi là một phương pháp cụ thể khác yêu cầu xem xét kỹ hơn. Chúng kết hợp nhiều phương pháp được liệt kê ở trên: chúng nhỏ, khiến chúng tiết kiệm không gian; linh hoạt, nghĩa là chúng có thể đáp ứng nhu cầu chiếu sáng cụ thể hoặc chung chung; có thể di chuyển, cho phép chúng làm nổi bật các đặc điểm nhất định; và nhiều, mang ánh sáng tràn ngập toàn bộ căn phòng nếu được bố trí đúng cách.

Thêm gương hoặc các bề mặt có tính phản chiếu khác

Gương là một cách phổ biến giúp căn phòng có cảm giác rộng hơn, vì chúng tăng gấp đôi diện tích không gian nhìn thấy. Chúng phản xạ ánh sáng cũng như mở rộng không gian hơn nữa, tăng cường độ sáng một cách tự nhiên và do đó giảm bóng tối. Gương càng lớn thì hiệu ứng càng lớn. Tuy nhiên, việc sử dụng vật liệu có tính phản chiếu tương đối - chứ không chỉ là gương - cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho căn phòng. Ví dụ, các bề mặt bóng như sàn được đánh bóng hoặc thậm chí các vật dụng bằng thủy tinh có thể giúp phản chiếu ánh sáng, tăng cường ánh sáng và chuyển hướng ánh sáng khắp phòng.

Sử dụng đồ nội thất và các bức tường sáng màu

Cuối cùng, đồ nội thất và tường sáng màu là yếu tố cần thiết để duy trì độ sáng và độ phản xạ được tạo ra bởi tất cả các phương pháp thiết kế kể trên. Hai yếu tố này giúp ích rất nhiều trong việc tăng cường hiệu ứng chiếu sáng, ngược lại những bức tường và đồ nội thất tối màu sẽ hấp thụ tất cả độ sáng tăng thêm được tạo ra bởi các vật liệu phản chiếu và phân bổ ánh sáng khác.

Lam Vy (Archdaily)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.