Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp tại các chung cư giữa chủ đầu tư (CĐT) với cư dân thường là do xung đột lợi ích giữa các bên liên quan tại chung cư. Nhiều cư dân khi chuyển đến sống ở chung cư đã “vỡ mộng” khi gặp phải những điều không mong đợi. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có không ít cư dân tại một số chung cư có dấu hiệu “làm quá”, chưa tìm hiểu sự việc đã vội lên tiếng phản ứng…
Hình minh họa
1001 kiểu… tranh chấp
Điển hình như câu chuyện tại chung cư Lê Thành (quận Bình Tân, TP.HCM) do Công ty Lê Thành làm chủ đầu tư. Theo đơn khiếu nại của các cư dân ở chung cư này, Công ty Lê Thành đã trì hoãn không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu, không công khai việc thu chi phí quản lý chung cư, bịt lối đi thoát hiểm, thu tiền vé hồ bơi quá cao (30.000 đồng/vé)…
Hay như tại chung cư Giai Việt (đường Tạ Quang Bửu, phường 5, quận 8, TP.HCM) do Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai làm CĐT. Theo đánh giá của giới đầu tư, đây là một trong những chung cư cao cấp có giá khá rẻ tại khu vực quận 8 và trên thực tế, đến nay hơn 200 căn hộ ở đây đã được bán gần hết. Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai cũng đã giao nhà cho khách hàng và đang trong quá trình hoàn thiện một số hạng mục còn sót lại.
Tuy nhiên, mặc dù mới chuyển đến chưa lâu nhưng nhiều cư dân ở đây đã bức xúc về một số vấn đề liên quan đến chất lượng xây dựng, công tác phòng cháy chữa cháy, chất lượng căn hộ, kính cường lực, ống nước… không đúng như trong hợp đồng. Một số hộ dân thắc mắc về mức phí bảo trì chung cư 2% mà cư dân phải đóng... và hàng loạt những câu hỏi chưa có lời đáp khác.
Tại nhiều chung cư khác ở TP.HCM, tình trạng tranh chấp còn xảy ra phổ biến hơn. Có những trường hợp CĐT chây ỳ và sai phạm như tại chung cư 584 Phú Thọ Hòa. Nhưng cũng có không ít trường hợp, chính một số khách hàng lại đặt CĐT vào thế khó. Thậm chí, bằng nhiều cách khách nhau như đưa những thông tin không tốt lên các phương tiện truyền thông để “hạ bệ” uy tín chủ đầu tư, buộc CĐT phải làm theo những đòi hỏi của mình…
Làm tốt hơn cũng khổ
Để làm rõ những thắc mắc của khách hàng, người viết đã tiếp xúc với lãnh đạo Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT Công ty này giải thích, về phần thang máy, CĐT đã lắp đặt đúng theo cam kết như trong hợp đồng. CĐT đã lắp đặt 4 thang máy của hãng Schindlier và đã có kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn từ ngày 28/4/2014 (có kèm theo 4 bản kiểm định cho 4 thang máy). Về chất liệu cửa kính trên cửa sổ, CĐT đã chọn kính 3 ly + 3 ly phim trong thay vì kính cường lực 5 ly để hoàn thiện hạng mục này. Việc thay đổi vật liệu kính trên thực tế có khác so với hợp đồng bởi vì CĐT đã chọn phương án và chất lượng tốt nhất.
“Đối với kính cường lực 5ly khi có động lực tác động mạnh, tốc độ gió trên cao tác động vào, nếu có vỡ ra thì tấm kính sẽ vỡ vụn. Nhưng đối với kính 3 ly + 3 ly phim trong thì sẽ không bị vỡ vụn mà chỉ để lại những vết nứt. Giá cho mặt hàng kính cường lực 5 ly chỉ có 180.000đ/m2 trong khi đó giá của kính 3 ly + 3 ly phim trong lên đến 280.000đ/m2. Như vậy, việc thay đổi chất liệu cửa kính trên mà CĐT đã lựa chọn là một phương án an toàn nhất” - bà Loan nói.
Đối với các hạng mục khác như ống nước, cửa… tại chung cư Giai Việt, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai cũng dùng những vật liệu tốt hơn so với vật liệu cam kết ban đầu trong hợp đồng để thay thế, nhưng vẫn không làm hài lòng một số khách hàng. Về phí bảo trì chung cư 2%, bà Loan khẳng định sau khi chung cư Giai Việt có một ban quản trị hợp pháp, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai sẽ bàn giao lại số tiền trên cho ban quản trị quản lý. Và mặc dù chung cư này chưa có một ban quản trị hợp pháp nhưng Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai vẫn lắng nghe và chia sẻ với cư dân.
“Đây là một trong những dự án mà Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đầu tư nhiều nhất và đặt nhiều kỳ vọng nhất, nhưng vẫn không làm hài lòng tất cả chủ sở hữu căn hộ, chúng tôi rất buồn về điều này. Tuy vậy, chúng tôi vẫn sẽ cố hết sức biến Giai Việt thành một trong những dự án tốt nhất của khu vực” - bà Loan tâm sự.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cũng khá bức xúc trước hành vi gây hấn của một số hộ dân tại chung cư Lê Thành: “Về việc tăng phí trông giữ xe máy, Công ty thông báo tăng giá giữ xe lên 90.000 đồng/chiếc/tháng theo quy định tăng giá của UBND TP.HCM, nhưng không ai đóng và đến nay vẫn chỉ thu 60.000 đồng/xe/tháng, thấp hơn quy định của thành phố rất nhiều. Riêng về phí bảo trì chung cư 2%, sau khi có ban quản trị chung cư hợp pháp, chúng tôi sẽ bàn giao lại cho họ”.
Các CĐT đều phải “làm dâu trăm họ” trong việc giải bài toán đáp ứng những yêu cầu về chất lượng công trình, hài hòa về giá cả lại phải được lòng cư dân đã mua nhà tại dự án của họ để sinh sống. “Mỗi CĐT luôn muốn đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng, giúp khách hàng, vì vậy các CĐT rất đau đầu mỗi khi có chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt” với khách hàng. Mong các cư dân thông cảm và chia sẻ với CĐT trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi mỗi khi xảy ra bất cứ khúc mắc gì. Hai bên cần lắng nghe và ngồi lại tìm cách giải quyết hợp tình, hợp lý thay vì xung đột triền miên” - bà Loan bộc bạch.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA): “Cần có một quy chế quản lý chung cư rõ ràng và bầu ra một ban quản trị chung cư hoạt động hiệu quả, vì tập thể chứ không hoạt động vì những mục đích cá nhân. Luật Nhà ở cũng nên quy định rạch ròi phần sở hữu riêng, chung. Chính quyền sở tại cũng nên bám sát tình hình, và trên tất cả, cần có sự hợp tác vì lợi ích chung”. Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch HoREA: “Không có CĐT nào có thể làm hài lòng hết tất cả các cư dân. Ở các chung cư do công ty tôi làm CĐT thỉnh thoảng cũng có những ý kiến ra vào, tỏ vẻ không hài lòng. Thậm chí, cư dân chung cư Thái An gần cầu vượt Quang Trung thời gian qua cũng không thèm mời CĐT đến họp. Mình muốn mang dịch vụ tốt nhất đến cho cư dân nhưng không phải ai cũng hiểu”. |