Theo nghiên cứu mới nhất về rủi ro gây nên tham nhũng trong đất đai ở năm tỉnh, do các đối tác phát triển của Việt Nam thực hiện, tình trạng tham nhũng trong sử dụng và quản lý đất đai ở Việt Nam ngày càng tăng và lan rộng.
Theo SGTT ghi nhận thông tin xung quanh buổi họp báo do Đại sứ quán Thuỵ Điển tổ chức sáng 24.11 tại Hà Nội, trước cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ tám mang chủ đề “Tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai ở Việt Nam” vào sáng mai 25.11

Đền bù thấp: chỉ lợi cho nhà đầu tư

Theo nghiên cứu (được thực hiện ở năm tỉnh Bắc Ninh, Tiền Giang, TP.HCM, Bình Định và Lạng Sơn), có rủi ro cao ở các khâu khác nhau trong quá trình và thủ tục liên quan tới tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai (gọi tắt là tham nhũng trong đất đai), bà Lis Rasmussen Rosenholm, phó đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết.

Bà Lis nhấn mạnh: "Tham nhũng trong đất đai ngày càng tăng lên, làm cho người nghèo càng nghèo, người giàu càng giàu hơn. Việc chuyển hình thức sử dụng đất với giá đền bù thấp so với giá thị trường khiến những người nông dân càng nghèo, trong khi các nhà đầu tư được lợi. Rõ ràng việc này tạo khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo".

"Bên cạnh đó, tham nhũng trong đất đai ngày càng lan rộng, đó thực sự là vấn đề", bà Lis nói. Phó đại sứ Đan Mạch nêu một vài ví dụ, có đến 85% hộ gia đình ở năm tỉnh nhận thấy có tham nhũng, 43% doanh nghiệp khẳng định cần có quà và chi phí không chính thức để nhận được chứng nhận cho quyền sử dụng đất.

Với tư cách là đại diện đối tác phát triển của Việt Nam, bà Lis cho rằng tham nhũng sẽ khiến chính phủ Việt Nam mất một khoản thuế lớn, đáng ra có thể dùng để đầu tư cho các trường học, bệnh viện….Đồng thời, tham nhũng cũng là nguyên nhân gây nên bất ổn trong xã hội.

Bổ sung thêm ý kiến, bà Marie Ottosson, phó đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho hay, sau hội nghị bàn tròn về tăng cường minh bạch trong quản lý đất đai ở Việt Nam hôm 18.11 vừa qua, các đại biểu đều kết luận, các thủ tục, quy trình trong quản lý và sử dụng đất đai phức tạp, do đó tham nhũng là vấn đề lớn.

Tham nhũng phổ biến nhất liên quan đến “cò”

Góp phần trong thực hiện nghiên cứu nói trên về phía Việt Nam, nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên - môi trường Đặng Hùng Võ cho biết, với 600 ý kiến của cán bộ cấp huyện, tỉnh, đại diện doanh nghiệp, người dân… của năm tỉnh, có thể thấy rằng, tham nhũng phổ biến nhất trong đất đai liên quan đến những người trung gian, hay còn gọi là “cò” đất.

Loại tham nhũng này làm trì trệ thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu, cũng như đăng ký các giao dịch về bất động sản. Người dân thường phải sử dụng dịch vụ “cò”, để làm nhanh thủ tục.

Ông Võ nói, loại tham nhũng này có mức độ không lớn, vì chi phí mỗi lần không cao nhưng lại phổ cập, vì gần như ở tất cả các nơi đều cần “cò” giúp hoàn thành thủ tục.

Dạng tham nhũng thứ hai thì nặng nề hơn, xảy ra trong việc thu hồi đất, giao đất. “Đó là bài toán phân chia địa tô, về đường lối chính trị và luật pháp của Việt Nam nói điều này rất rõ, tức là chúng ta phải phân phối lại tô giữa nhà nước, nhà đầu tư với người bị thu hồi đất sao cho đảm bảo công bằng, hợp lý”, ông Võ cho hay.

Theo nhóm nghiên cứu, tham nhũng xảy ra khi đất được giao với giá thấp hơn, chính quyền cấp tỉnh tự định giá và tự quyết định giá trong việc nhà đầu tư phải nộp bao nhiêu. Hình thức giao đất chủ yếu vẫn là giao cho nhà đầu tư được chỉ định. Bên cạnh đó, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tính giá đất không phù hợp, khiến người bị thu hồi đất bị thất thiệt. Tham nhũng dạng này ở mức độ lớn hơn, giá trị lớn hơn nhưng không phải xảy ra ở tất cả các nơi.

Đại sứ Thụy Điển Staffan Herrstrom nhấn mạnh, chìa khóa cho sự thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng ở mọi nơi, đặc biệt là trong quản lý đất đai của Việt Nam là tính cởi mở, minh bạch, tiếp cận thông tin, trách nhiệm giải trình, báo chí năng động và những người tố cáo tham nhũng được bảo vệ.

Nghiên cứu này sẽ được công bố trong cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ tám mang chủ đề “Tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai ở Việt Nam” vào sáng mai 25.11 tại Hà Nội. Cuộc họp do Đại sứ quán Thụy Điển, Thanh tra chính phủ và văn phòng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tổ chức.
Cafeland.vn - Theo SGTT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland