Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng báo cáo tổng kết 20 năm hoạt động của các KCN, KCX, KKT. Trong bức tranh tổng thể đó, bộ và các cơ quan liên quan mong muốn loại bỏ những “điểm tối” để KCN, KTT, KCX phát triển đúng tầm.

KCN phát triển ở nhiều địa phương với những ngành nghề tương đối giống nhau

Mặc dù, trong những năm qua các KCN, KKT đã có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, nhưng nhìn chung, các KCN, KKT vẫn chưa tạo được dấu ấn mạnh mẽ và chưa xứng tầm. Chính vì vậy, cần phải đánh giá lại những tồn tại để từ đó bổ sung những cơ chế, chính sách cởi mở hơn, thông thoáng hơn cho các KCN, KCX, KKT phát triển.

Bất hợp lý quy hoạch

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, nhìn chung, các KCN, KCX, KKT có sự phát triển không đồng đều ở nhiều địa phương. Nhiều KCN, KCX, KKT chưa tạo được dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ lấp đầy các dự án vẫn chỉ là những con số... Với báo cáo tổng kết 20 năm hoạt động của các KCN, KCX, KKT, Bộ KH-ĐT sẽ kiến nghị Chính phủ bổ sung những cơ chế chính sách nhằm phát huy hiệu quả mô hình phát triển các KCN, KCX, KKT trên cả nước.

Thực tế thời gian qua, các KCN, KCX, KKT là đầu mối quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư trong nước và FDI. Nếu như vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh trong giai đoạn cuối những năm 90 thì vài năm gần đây việc thu hút đầu tư vào các KCN, KCX, KKT có chiều hướng giảm dần. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Bên cạnh nguyên nhân khách quan là khủng hoảng kinh tế toàn cầu, theo ông Lê Tân Cương – Vụ trưởng Vụ quản lý các KKT (Bộ KH-ĐT), cơ chế và chính sách phát triển KCN, KKT mặc dù đã được hoàn thiện cơ bản song vẫn còn tồn tại nhiều điểm vướng mắc, bất hợp lý. Các văn bản pháp luật vẫn chưa thực sự thống nhất. Các bộ, ngành chưa hướng dẫn đầy đủ các địa phương triển khai cơ chế phân cấp, ủy quyền. Kết quả là, việc đầu tư phát triển các KCN không theo một quy hoạch thống nhất, hầu như địa phương nào cũng có các KCN với chức năng tương tự nên không tận dụng được những lợi thế so sánh, dẫn tới tình trạng cạnh tranh gay gắt, thậm chí có tình trạng chèn lấn để thu hút đầu tư.

Việc chọn địa điểm xây dựng các KCN cũng chưa tuân theo nguyên tắc nào cả. Các KCN được lập nhiều hơn mức cần thiết tại một số địa phương. Quá nhiều KCN dẫn tới sự cạnh tranh khốc liệt của những nhà đầu tư về lựa chọn địa điểm, dẫn tới tốn kém xây dựng kết cấu hạ tầng và chôn vốn vào kết cấu hạ tầng lâu và lớn, hiệu quả KCN bị giảm sút. Các KCN còn bất cập về cơ cấu ngành nghề, về đầu tư chiều sâu. Chất lượng các dự án đầu tư thu hút chưa cao, chất lượng KCN không ngang tầm khu vực.

Mặt khác giá thuê đất trong KCN, KCX khá cao bởi giá đất đai của các thành phố ở VN cao hơn so với các nước trong khu vực. Đơn cử, giá thuê đất ở TP HCM cao gấp 4-6 lần ở Trung Quốc, gấp 6 lần Thái Lan... Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều chủ đầu tư xin phép thành lập các KCN để giữ đất. Chính điều này lại xảy ra hệ lụy, nhiều KCN tổng số đất cho thuê chỉ bằng 45% diện tích có thể sử dụng. Không ít KCN thành lập cách nay 2-3 năm, thậm chí 4-5 năm mà chưa có khách đến thuê, hoặc số lượng thuê hạn chế như: KCX Hải Phòng, KCN Sài Đồng A Hà Nội, KCN Kim Hoa Vĩnh Phúc...

Bất cập vấn đề lao động

Thực tế hiện nay, nhiều sở LĐ-TB-XH ủy quyền cho các ban quản lý KCN, KKT thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về lao động, nhưng ban quản lý KCN không chấp nhận. Ông Vũ Đức Quyết – Trưởng ban quản lý KCN Bắc Ninh cho rằng, Sở LĐ-TB-XH không đủ thẩm quyền ủy quyền cho các ban quản lý KCN, vì đây là 2 đơn vị hành chính ngang nhau. Nếu muốn ủy quyền cho ban quản lý KCN, UBND tỉnh mới đủ tư cách ủy quyền. Chức năng quản lý nhà nước về lao động của nhiều sở LĐ-TB-XH cũng chưa làm tròn.

Nói cho công bằng, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển các KCN, KCX. Các dự án đầu tư thu hút vào các KCN ở các địa phương có nhu cầu lớn về cán bộ quản lý người VN giỏi, công nhân tay nghề cao, kỷ luật lao động tốt, song đa số các nơi không đáp ứng được. Ông Quyết đưa ra một ví dụ cụ thể, Cty Canon định mở rộng đầu tư, xây dựng thêm xưởng sản xuất với tổng giá trị khoảng 200 triệu USD tại VN. Tuy nhiên, do VN không đáp ứng được nguồn nhân lực, DN này đã phải quyết định đầu tư tại quốc gia khác.

Ông Đặng Thế Thiện – Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, hầu hết các KCN chưa chú ý đến vấn đề nhà ở cũng như chất lượng sống của công nhân. Tại các KCN mới có khoảng 30% số lao động có chở ở ổn định, số còn lại phải tự thu xếp. Người lao động thường phải thuê nhà để cư trú với điều kiện sống tạm bợ, hết sức khó khăn.

Việc quản lý chồng chéo và không rõ ràng khiến việc vi pham pháp luật về lao động cũng khó kiểm soát. Còn nhiều DN trong các KCN chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về lao động, không đảm bảo quyền lợi của người lao động. Điển hình như vi phạm thời gian ký kết hợp đồng, vi phạm về thẩm quyền và nội dung hợp đồng, cố tình kéo dài thời gian thử việc... Việc kỷ luật, sa thải lao động còn tùy tiện, không tuân thủ theo quy định của pháp luật. Nhiều DN cố tình hoặc chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Công tác an toàn vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ trong DN cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Theo điều tra của Bộ LĐ-TB-XH, có tới 20% DN không trả lương làm việc thêm giờ, 9% DN không trả lương làm đêm... Tình trạng không đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu diễn ra ở nhiều nơi, khiến người lao động không an tâm lao động, sản xuất. Hệ quả là sau mỗi dịp Tết Nguyên đán công nhân không trở lại làm việc tại nhiều KCN diễn ra khá phổ biến. Mặc dù, số lao động hằng năm vẫn tăng thêm khoảng 10%, nhưng biên độ biến động lao động lên tới 50 – 60%, thậm chí có DN đến 70%.

Kiến nghị từ DN

Ông Võ Thanh Lập - Trưởng ban quản lý các KCN Đồng Nai cho rằng, chính những ưu đãi thu hút vào KCN gần đây đã bị bãi bỏ, những quy định mới của Nghị định 69 cùng mức thuế mới đã không còn hấp dẫn nhà đầu tư. Việc ưu đãi thuế giảm liên tục và không theo lộ trình nhất định cũng như cam kết với nhà đầu tư cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư chán nản. Quy định Luật thuế thu nhập DN thay đổi liên tục khiến cả cơ quan thuế và DN đều không biết căn cứ vào đâu. Ông Lập đưa ra một ví dụ về vụ kiện thuế thu nhập DN tại Đồng Nai. Ban đầu, Tòa sơ thẩm xử cơ quan thuế đúng. Lên phúc thẩm lại yêu cầu xử lại. Tòa sơ thẩm xử lại DN lại đúng, cơ quan thuế lại kháng cáo lên tòa phúc thẩm... Đến tòa án cũng chả biết ai sai? Ai đúng?

Cả nước hiện có 253 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích đất công nghiệp đạt trên 45.000 ha. Các KCN đã thu hút hơn 8.500 dự án đầu tư với tổng số vốn khoảng 70 tỷ USD, trong đó có gần 52 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Trên cả nước hiện có 15 khu kinh tế (KKT) ven biển và 28 KKT cửa khẩu.
Ông Vũ Văn Trường – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện các KCN vẫn còn ưu đãi thuế sử dụng đất. Nếu các KCN thành lập các vùng đặc biệt khó khăn vẫn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN. Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm này ông Lập lại cho rằng, hiện các KCN không được ưu đãi thuế thu nhập DN. Vì theo lập luận của ông Lập, chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN hiện hành chỉ còn áp dụng với vùng đặc biệt khó khăn (như vậy là chỉ còn ưu đãi mang tính vùng miền).

Đại diện một số ban quản lý các KCN, KCX, KKT kiến nghị, cần xem xét đưa KCN vào danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư và các dự án đầu tư mở rộng trong KCN được hưởng ưu đãi đầu tư. Để phát triển KCN, KCX, KKT thành công, ông Trần Duy Đông - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ KH-ĐT) cho rằng, ngoài việc ban hành các chính sách thu hút đầu tư thuận lợi, cần phải quan tâm phát triển bền vững các KCN, KCX, KKT ở cả vấn đề bảo vệ môi trường, nhà ở, môi trường sống cho người lao động. Trình độ tay nghề của người lao động chưa cao cũng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư của VN. Sắp tới, Bộ KH-ĐT và Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thức hiện quy định này. Ông Đông cho biết, bộ cũng đã tính tới cả phương án, nếu KCN nào chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung sẽ kiến nghị Thủ tướng xem xét cho dừng hoạt động.

Đối với cơ chế hỗ trợ vốn ngân sách trung ương cho KCN, KCX, bộ sẽ tổng hợp ý kiến báo cáo Thủ tướng và kiến nghị phương án sửa đổi, bổ sung, nâng cao hiệu quả hỗ trợ vốn. Ngoài ra, Bộ KH-ĐT cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu và có phương án điều chỉnh pháp luật về thuế để đảm bảo ưu đãi đầu tư vào KCN như trước đây. Đồng thời, Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường nghiên cứu, xem xét trên cơ sở ý kiến của các địa phương để điều chỉnh quy định hiện hành về giá đất đền bù giải phóng mặt bằng cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo lợi ích cho người dân và DN và Nhà nước.
Ông Nguyễn Duy Chức - Giám đốc Cty TNHH Công thương Lan Anh :
Còn nhiều lo ngại khi vào các KCN, KCX
Nhiều KCN, KCX chưa đáp ứng tốt các nhu cầu về dịch vụ cơ sở hạ tầng. Tiến độ thi công cơ sở hạ tầng chưa bảo đảm, dịch vụ cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được, điện, nước, điện thoại không ổn định. Đây luôn là mối lo ngại thường trực khi DN tìm đến các KCN, KCX.
Chính sách thuế tài chính còn nhiều tồn tại, chẳng hạn chính sách KCX của VN ra đời cách đây 10 năm ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư. Ở nhiều quốc gia, DN đầu tư vào KCX được bán hàng sản xuất vào nội địa thì VN lại buộc DN trong KCX phải xuất khẩu 100%. DN nội địa đưa hàng vào KCX gia công khi nhận hàng ra phải đóng thuế như hàng nhập khẩu, kết quả là DN trong KCX ít nhận được hàng gia công từ nội địa, còn DN nội địa thích nhập khẩu.
Ông Nguyễn Sơn Hồng - Giám đốc Cty CP truyền thông VTK :
Nên có định hướng thu hút đầu tư cụ thể
Theo tôi phát triển các KCN, KCX cần phải theo một quy hoạch thống nhất, cần có chính sách ưu tiên phát triển ngành trong từng KCN dựa trên lợi thế của từng KCN. Bộ KH-ĐT cần phân công hợp tác giữa các KCN các tỉnh, các địa phương gắn với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Đã đến lúc tăng thu hút đầu tư trong nước và FDI về chất lượng, các cơ chế chính sách nên định hướng theo một quy hoạch rất cụ thể. KCN phải có tính chuyên và cơ cấu hợp lý phù hợp với khả năng và lợi thế của mình. Nên bãi bỏ quan điểm tập trung mọi cố gắng thu hút đầu tư, FDI vào địa bàn của mình bất kể ngành nào, sản phẩm.
Cafeland.vn - Theo DDDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland