Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 2.500 dự án nhà ở, dự án khu đô thị mới và các dự án kinh doanh khác. Nhưng với giá nhà ở quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân cũng như mức phát triển của nền kinh tế đang là rào cản khiến thị trường trầm lắng. Cùng với đó là thông tin về các dự án thiếu minh bạch, giao dịch ngầm còn khá phổ biến.


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thẳng thắng thừa nhận, trong lĩnh vực phát triển nhà ở và thị trường bất động sản nước ta hiện vẫn tồn tại nhiều khiếm khuyết, bất cập. Quản lý đất đô thị, quy hoạch xây dựng đô thị, đầu tư xây dựng công trình còn thiếu sự gắn kết, chưa bảo đảm thống nhất, dẫn tới tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác phát triển và quản lý. Khung pháp lý của thị trường bất động sản, dù từng bước được hoàn thiện, nhưng vẫn còn nhiều kẽ hở cần sửa đổi, bổ sung. Trong đó, có những cơ chế chính sách quan trọng như: chính sách huy động nguồn tài chính dài hạn phát triển thị trường, thuế giao dịch, thuế tài sản, chính sách khuyến khích phát triển nhà để ở và cho thuê. Thông tin về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản tăng cao đang được nhìn nhận như tín hiệu tốt trong bối cảnh thị trường trầm lắng hiện nay, song rất cần có sự giám sát, quản lý chặt chẽ từ các cơ quan nhà nước.

Một thực tế khác là tính minh bạch của thị trường bất động sản trong tất cả các khâu hoạt động, từ đầu tư, tạo lập bất động sản đến giao dịch mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê... cũng còn nhiều hạn chế. Tình trạng đầu cơ, mua bán ngầm, trốn lậu thuế còn khá phổ biến ở nhiều địa phương, đặc biệt là tại các đô thị lớn dẫn tới sự hoạt động của thị trường bất động sản thiếu bền vững và ổn định. Ngay việc quy định để 20% giao dịch ngoài sàn đối với các dự án bất động sản của Bộ Xây dựng cũng chưa nhận được sự đồng tình của các nhà đầu tư. Theo nhiều nhà đầu tư bất động sản, Nhà nước cứ để thị trường hoạt động. Vấn đề chính là Nhà nước phải thu được thuế, kiểm soát được việc giao dịch mua bán nhà. Nếu muốn minh bạch thị trường thì 20% giao dịch ngoài sàn cũng không được mập mờ nữa. Chính quy định để 20% ngoài sàn này đang làm khó cho các nhà đầu tư.

Giá cả bất động sản, đặc biệt là giá nhà ở quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân cũng như mức phát triển của nền kinh tế, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và làm cho việc tạo lập nhà ở của đại bộ phận người có thu nhập thấp, người nghèo tại khu vực đô thị gặp nhiều khó khăn. Chưa kể hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, nhất là hệ thống giao thông kết nối giữa các đô thị hiện có với các khu đô thị mới, khu dân cư, khu nhà ở, làm giảm sức hút và quy mô của thị trường bất động sản. Các nhà đầu tư mới chỉ quan tâm đối với các dự án nhà ở, dự án khu đô thị mới để bán cho những người có thu nhập cao. Trong khi đó, các dự án nhà ở để bán trả dần, cho thuê dành cho đối tượng thu nhập thấp chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng này tồn tại bởi công tác dự báo cung - cầu còn nhiều yếu kém. Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, trong quá trình phát triển thì phải làm sao đầu tư vào thị trường bất động sản chuyển dần từ cá nhân sang các định chế tài chính. Quỹ đầu tư bất động sản là một định chế đầu tư được quản lý công khai, minh bạch, theo hướng những người đầu tư riêng rẽ bỏ tiền vào đó theo phương diện ủy thác, để những người quản lý đầu tư theo danh mục đầu tư, tạo lời thay vì cá nhân đi mua từng miếng đất, chung cư. Chuyển dần sự minh bạch trong đầu tư và rất dễ tính mức cung - cầu, tránh những cơn sốt đất như vừa qua.

Để giải quyết những nghịch lý, bất ổn, khiếm khuyết của thị trường, trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý, khai thông nguồn vốn và giám sát chặt chẽ quá trình thực thi nhằm tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và ổn định.
Cafeland.vn - Theo Đại Biểu Nhân Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland