Chính phủ giao thành phố Hà Nội quyết định chiều cao số tầng tại các dự án trong khu vực nội thành nhưng điều này mới dừng ở mức khai thông về mặt chủ trương. Hà Nội đang gặp “bài toán khó” nhất là việc cải tạo các chung cư cũ.
Trong khi cung về nhà ở, đặc biệt tại các đô thị vẫn chưa đáp ứng đủ cầu, thì việc cải tạo các chung cư cũ được coi là một trong những nguồn cung đáng kể. Tuy nhiên, tại Hà Nội, ngoài vấn đề giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết triệt để, việc cải tạo chung cư cũ trong khu vực trung tâm Hà Nội lại gặp thêm một rào cản về chủ trương xây dựng nhà cao tầng khu vực nội đô.


Hạn chế xây dựng nhà cao tầng tại khu vực nội thành cũng là vướng mắc không nhỏ trong việc cải tạo nhà chung cư

Thành phố Hà Nội có trên 30 khu chung cư cũ với hàng trăm dãy nhà cần phải xây dựng lại. Tuy nhiên, chỉ một số nhà đơn lẻ được phá đi xây mới như nhà B4 Kim Liên, nhà C Thành Công, C7 Giảng Võ... khi người dân không thể tiếp tục ở được nữa. Các dự án khác chủ yếu vẫn trong quá trình khảo sát, điều tra xã hội, lập quy hoạch.

Bài toán khó

Phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) có 36 nhà tập thể, trong đó đến 90% được đưa vào sử dụng từ những năm 1960, xuống cấp nghiêm trọng cần phải xây dựng lại. Bà Tống Thị Kim Lan - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Quỳnh Mai cho biết: Hai công ty đầu tiên vào khảo sát là Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị và Công ty cổ phần địa ốc Sông Hồng, đưa ra thiết kế sẽ cải tạo hai tòa nhà 5 tầng E6 và E7 lên hai tòa nhà 19 tầng. Việc cải tạo hai chung cư này rất cần thiết vì đã một lần chống lún nhưng không hiệu quả. Tuy nhiên, việc không được xây dựng nhà cao tầng khiến tiến độ của dự án cải tạo phải dừng lại. Bà Tống Thị Kim Lan lo lắng: “Theo đúng thiết kế cải tạo chung cư sẽ được xây dựng 19 tầng nếu mà xây 9 tầng thì quả thật các công ty không vào cuộc. với góc độ chính quyền địa phương rất lo chẳng may bão hoặc có trận động đất nhà đổ thì không biết hậu quả xảy ra ai chịu trách nhiệm”.

Chính phủ giao thành phố Hà Nội quyết định chiều cao số tầng tại các dự án trong khu vực nội thành nhưng điều này mới dừng ở mức khai thông về mặt chủ trương. Hà Nội đang gặp “bài toán khó”, hầu hết chung cư cũ đều nằm trong khu vực trung tâm nơi có mật độ dân số rất cao, chấp thuận xây dựng nhà cao tầng sẽ tăng sức ép lên hệ thống hạ tầng cơ sở, nếu xây dựng thấp tầng sẽ lãng phí những khu vực “đất vàng” và khiến các nhà đầu tư khó triển khai vì sinh lãi thấp. Theo PGS TS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng viện Quy hoạch - Kiến trúc Đại học Xây dựng Hà Nội, ngoài việc tính toán số tầng chiều cao của tòa nhà, cần tính toán cả số căn hộ, tiêu chuẩn căn hộ với khả năng chịu tải tối đa của hạ tầng cơ sở và các chủ đầu tư cũng phải có sự đóng góp trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở chung của thành phố.

Cần hài hòa lợi ích

Theo Công văn số 348/TB – VPCP, từ ngày 9/12/2009 Hà Nội phải dừng việc phá các nhà biệt thự cũ và xây dựng các nhà cao tầng (9 tầng trở lên) trong khu vực trung tâm.

Nghị quyết 34 của Chính phủ năm 2007 đặt mục tiêu đến năm 2015 hoàn thành việc xây dựng lại các chung cư cũ hỏng, đã xuống cấp, hết niên hạn sử dụng ở các đô thị trên cả nước. Tuy nhiên, khi những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, về quy định chiều cao xây dựng các tòa nhà trong khu vực nội thành chưa được giải quyết thì mục tiêu trên khó có thể đạt được. Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng: việc cải tạo các chung cư cũ trước hết phải phù hợp với quy hoạch sự phát triển chung của thành phố. Bộ Xây dựng đang soạn thảo một văn bản mới thay Nghị quyết 34 sao cho hài hòa lợi ích các bên giữa chủ đầu tư, người dân và lợi ích chung của xã hội. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà : “Khi cải tạo thì phải hài hòa ba lợi ích, lợi ích của nhà nước là đô thị được cải thiện, đô thị phải đẹp lên, doanh nghiệp thì có lãi, người dân muốn cải thiện đời sống. Trong ba quyền lợi đấy thì chúng ta phải hài hòa doanh nghiệp phải lấy lợi nhuận thấp đi, người dân muốn cải thiện đời sống có thể phải đóng góp thêm, nhà nước muốn có đô thị tốt phải hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ bằng hạ tầng, hỗ trợ bằng chính sách, hỗ trợ kể cả bằng kinh phí”
Hiện nay, các đô thị trên cả nước có hơn 3 triệu m2 sàn nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1991, với trên 100 nghìn hộ dân đang sinh sống. đa phần là những chung cư xuống cấp không đảm bảo được nhưng điều kiện sống tối thiểu. Hơn ai hết những người dân sống trong các chung cư cũ đang mong ngóng từng ngày các dự án được triển khai, đây cũng là việc góp phần cải thiện bộ mặt đô thị của cả nước. Tuy nhiên để thực hiện được việc cải tạo chung cư cũ tại các đô thị thì những “nút thắt” về giải phóng mặt bằng, quy hoạch cần được thảo gỡ. Bộ Xây dựng đang nghiên cứu dự thảo thay Nghị quyết 34 và người dân đang đón chờ những giải pháp mới khả thi để các dự án cải tạo chung cư không còn trên giấy tờ.

Kết quả rà soát của thành phố Hà Nội cho thấy, có khoảng 223 dự án công trình cao tầng (từ 9 tầng trở lên) trên địa bàn các quận trung tâm Hà Nội phải dừng triển khai theo Thông báo số 348/TB-VPCP. Cụ thể, quận Hoàn Kiếm có 19 dự án; quận Hai Bà Trưng có 53 dự án; quận Ba Đình có 60 dự án; quận Đống Đa có 91 dự án.

Cafeland.vn - Theo Lê Phương (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland