Theo ông Đàm Văn Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức: Từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn huyện đã triển khai 85 dự án cần GPMB với tổng diện tích đất phải thu hồi là 15.599.365,7m2. Hiện huyện đã GPMB xong cho 44 dự án với diện tích thu hồi là 7.974.261,7m2, còn lại 41 dự án với tổng diện tích thu hồi là 7.625.104m2.

Trong các dự án trên có 13 dự án khu đô thị, nhà ở, 12 dự án giao thông, 10 dự án các cụm điểm công nghiệp, 5 dự án khu tái định cư, 14 dự án đất dịch vụ theo Nghị định 17/NĐ-CP của Chính phủ và 31 các loại dự án khác.

Ở các dự án trên, có một số dự án trọng điểm đã hoàn thành hoặc đạt tỷ lệ GPMB cao, bàn giao cho chủ đầu tư thi công như: Khu đô thị Bắc An Khánh, Nam An Khánh, đô thị An Khánh – An Thượng (Hà Đô), đô thị Vườn Cam, đô thị Lê Trọng Tấn, đường Quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long, Khu ĐTM Bắc 32, Khu ĐTM Vân Canh, Đại học Vân Canh, khu nhà ở C1b và C2a, đất dịch vụ Lại Yên, Vân Canh, Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện…


Huyện Hoài Đức đã hoàn thành GPMB cho nhiều dự án giao thông trọng điểm, trong đó có Đại lộ Thăng Long.

Bên cạnh kết quả đã đạt được trên, ông Thông cũng cho biết: các dự án hiện còn đang triển khai GPMB, phần việc còn lại tuy ít nhưng có nhiều khó khăn, vướng mắc. Quá trình thực hiện công tác GPMB có nhiều đơn thư, thắc mắc về chính sách bồi thường GPMB, xác định chủ sử dụng đất, chính sách giá bồi thường cần phải tập trung giải quyết nên chi phối thời gian của cán bộ làm công tác GPMB.

Đáng chú ý, hiện nay trên địa bàn huyện có một số hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi từ 30- 100% diện tích rất lớn. Các hộ đều có nguyện vọng mong sớm thực hiện Nghị định 17/NĐ-CP của Chính phủ để ổn định sản xuất kinh doanh vì vậy khi tiến hành thực hiện các dự án mới, các hộ dân đều lấy lý do chưa được giao đất dịch vụ theo Nghị định của Chính phủ gây khó khăn trong công tác bồi thường GPMB.

Bên cạnh đó, đối với các dự án đang triển khai theo chính sách của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) do khối lượng công việc còn lớn nên đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm hết khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là công tác triển khai các dự án dịch vụ dẫn đến tiến độ GPMB chưa đạt hiệu quả cao. Hiện huyện đã quyết tâm thực hiện GPMB được 60% diện tích đất dịch vụ, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và có thể giao đất cho dân vào đầu năm 2011.

Mặt khác, việc đào tạo nghề và tạo việc làm cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế đã tạo ra tâm lý không yên tâm sau khi thu hồi đất và gây nhiều khó khăn trong tổ chức sản xuất và ổn định đời sống cho đa số các hộ dân.

Theo ông Thông, nhưng khó khăn trên bắt nguồn từ cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản quy định trong công tác bồi thường GPMB còn nhiều bất cập, giá cả thị trường có nhiều biến động phức tạp, tác động sâu sắc đến tâm lý và tình cảm của người dân khi bị thu hồi đất. Công tác giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập ổn định đời sống cho người dân sau thu hồi đất còn chưa kịp thời. Việc quy hoạch và giải quyết đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp hoặc đất ở cho người dân sau khi bị thu hồi đất còn lúng túng.

Mặt khác, công tác quản lý đất đai ở một số cơ sở còn buông lỏng và trải qua nhiều thời kỳ nên có nhiều dạng vi phạm khác nhau, không được xử lý kiên quyết dẫn đến những khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất phục vụ công tác bồi thường GPMB. Một bộ phận nhân dân có nhận thức không đúng đắn trong việc thực hiện các quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hộ cố tình không nhận tiền và không bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án theo quy định.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các ban ngành, UBND các xã về công tác GPMB trên địa bàn còn một số việc chưa thống nhất đồng bộ dẫn đến việc tuyên truyền phổ biến chính sách cho nhân dân, vận động nhân dân thực hiện theo đường lối chính sách của Đảng và nhà nước có lúc, có việc chưa được thực hiện sâu rộng…

“Để khắc phục những bất cập trên, huyện Hoài Đức đang phấn đấu tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong công tác GPMB; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách chế độ về bồi thường GPMB đặc biệt là các xã có diện tích thu hồi lớn đảm bảo cho việc thực hiện bồi thường GPMB công khai, dân chủ, đúng pháp luật. Huyện cũng tập trung thực hiện bồi thường GPMB các dự án lớn, trọng điểm của thành phố và các dự án có tác dụng thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế xã hội của huyện, cũng như đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. Công tác bồi thường GPMB thực hiện theo đúng trình tự quy định của pháp luật, chú trọng đảm bảo các thủ tục ngay từ khi lập phương án tổng thể bồi thường GPMB và các hồ sơ, thủ tục phục vụ công tác thu hồi đất” - ông Thông khẳng định.
Cafeland.vn - Theo Hà Nội mới
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland