Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT) cam kết sẽ trả lời các doanh nghiệp về kết quả việc vay vốn trong tháng 11 để từ nay đến cuối năm cho vay được khoảng 4-5 dự án xây nhà cho người thu nhập thấp.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng Giám đốc NHPT trong buổi làm việc vừa diễn ra giữa Bộ Xây dựng, đại diện các doanh nghiệp và NHPT nhằm tháo gỡ vướng mắc về vốn cho các dự án nhà cho người thu nhập thấp.

Một dự án nhà ở thu nhập thấp tại Q.6, TP.HCM - Ảnh: TTO

Vướng mắc lớn nhất: Tài sản bảo đảm

Theo báo cáo của NHPT, một nguyên nhân của việc chậm triển khai cho vay đầu tư nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân thuê là do các chủ đầu tư chậm hoàn thiện và gửi hồ sơ đến các chi nhánh của NHPT để thẩm định.

Việc xác định tiêu chí đối tượng được mua nhà cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị ở một số địa phương cũng còn vướng mắc.

Giá bán và giá cho thuê cũng còn nhiều vấn đề bởi để tăng thêm nguồn thu, chủ đầu tư thường kết hợp các hạng mục kinh doanh thương mại trong các dự án. Việc bóc tách khối lượng xây dựng các hạng mục thương mại gặp khó khăn do còn liên quan đến chi phí đầu tư trong kết cấu móng và hạ tầng kỹ thuật, từ đó khó xác định chuẩn xác mức vốn được vay.

Người thu nhập thấp là người không phải nộp thuế thu nhập

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, theo quy định mới nhất, những người không phải nộp thuế thu nhập được coi là thu nhập thấp.

Thang để chấm tiêu chí mua nhà thu nhập thấp đã được Bộ Xây dựng quy định rất chi tiết với tổng điểm 100. Bộ đã quy định 90 điểm,10 điểm còn lại chính quyền địa phương được phép quy định. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa triển khai quy định cụ thể và Bộ sẽ đôn đốc vấn đề này.

Về lâu dài, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Tư pháp… thảo luận, sớm báo cáo trình Chính phủ để giải quyết cơ bản vấn đề để đảm bảo nguồn vốn hợp lý cho các doanh nghiệp xây nhà thu nhập thấp.

Cuối cùng, vấn đề vướng mắc nhất chính là về tài sản bảo đảm tiền vay. Theo quy định, tài sản bảo đảm chính là tài sản hình thành từ vốn vay. Ngoài hợp đồng bảo đảm tiền vay, phải thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm.

Tuy nhiên, đất để xây dựng các dự án này là đất Nhà nước giao, không thu tiền sử dụng, không thể đăng ký giao dịch bảo đảm, nên không thể dùng làm tài sản để thế chấp vay vốn được.

Theo NHTP, quy định tại Nghị định 71/2010/NĐ-CP cho phép được sử dụng căn hộ hình thành trong tương lai làm tài sản thế chấp. Nhưng đây chỉ là quy định áp dụng cho người mua căn hộ. Trường hợp với các dự án đang bị vướng mắc thì không đăng ký giao dịch đảm bảo được.

Linh hoạt cấp vốn, gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng Giám đốc NHPT, Ngân hàng vẫn bố trí đủ nguồn vốn tín dụng thực hiện chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp, vấn đề là các dự án phải có hiệu quả, thực hiện đúng mục tiêu của Chính phủ, hoàn trả được vốn.

Về vấn đề giao dịch bảo đảm, NHPT kiến nghị một số biện pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại.

Cụ thể, đối với những doanh nghiệp chưa có giấy chứng nhận sử dụng đất, trong khi chưa có quyết định của Chính phủ, NHPT đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng, báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Chính phủ về cơ chế đặc thù. NHPT cũng đề xuất cho nợ giấy tờ hồ sơ và hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp triển khai dự án trong khi chưa có quyết định chính thức.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải cam kết trong hợp đồng tín dụng, nếu sau không hoàn thiện thủ tục, doanh nghiệp chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.

NHPT cam kết sẽ trả lời các doanh nghiệp về kết quả việc vay vốn trong tháng 11. NHPT sẽ hỗ trợ tối đa để phấn đấu từ nay đến cuối năm cố gắng triển khai cho vay được khoảng 4-5 dự án xây nhà thu nhập thấp.

"Lãnh đạo NHPT cũng sẽ đôn đốc các chi nhánh lưu ý triển khai nhanh việc thẩm định và cho vay các dự án xây nhà cho người thu nhập thấp", ông Dũng nhấn mạnh.

NHPT cũng kiến nghị, diện tích thương mại trong các dự án (kinh doanh theo giá thị trường, không phải giá rẻ) sẽ được chia làm 2 loại, trong đó các căn hộ không được vay vốn ưu đãi. Còn diện tích thương mại có mục đích cung cấp dịch vụ như ăn uống, bảo vệ, vệ sinh... vẫn sẽ được vay vốn ưu đãi.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cần quy định cụ thể tỷ lệ thương mại này là bao nhiêu để tránh việc doanh nghiệp lợi dụng xây dựng diện tích thương mại nhiều để nhanh thu hồi vốn, ảnh hưởng đến mục tiêu ban đầu của dự án.

Cafeland.vn - Theo Website Chính phủ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland