Chủ trương này nếu được chấp thuận sẽ tạo nhiều thuận lợi cho cả doanh nghiệp lẫn Nhà nước.
“Sở Xây dựng đang chuẩn bị trình TP cho phép áp dụng cơ chế linh hoạt trong quy định dự án trên 10 ha phải trích 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội. Theo đó, không bắt buộc doanh nghiệp chỉ có một cách thực hiện duy nhất là cắt quỹ đất tại dự án”. Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Nguyễn Tấn Bền cho hay tại Hội nghị kiểm điểm thi hành Nghị định 71/2010 và Thông tư 16/2010 (của Bộ Xây dựng) ngày 3-6.

Bớt một cửa thủ tục

Theo ông Bền, Sở Xây dựng đề xuất ba phương án để chủ đầu tư lựa chọn: Trích quỹ đất của dự án; tìm quỹ đất khác tương đương giá trị hoặc đổi ra tiền để Nhà nước đầu tư lại mà không phải lấy từ ngân sách. “Chủ trương này nếu được chấp thuận sẽ tạo nhiều thuận lợi cho cả doanh nghiệp lẫn Nhà nước” - ông Bền bày tỏ.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QHKT TP, đồng tình với ý kiến của Sở Xây dựng. “Nhà ở xã hội bắt buộc phải là chung cư với nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng. Giả sử một dự án được quy hoạch thấp tầng, nhà biệt thự, nhiều mảng xanh mà chen chung cư của nhà ở xã hội vào thì sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch của toàn dự án” - ông Toàn nhận xét.

Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, ông Nguyễn Văn Đực, cũng cho rằng mỗi dự án có một đặc tính riêng, không thể áp đặt cứ dự án nào trên 10 ha là phải “nhét” nhà ở xã hội vào. Ngoài ra, ông Đực còn góp ý Nghị định 71 “đẻ” ra nhiều thủ tục. “Điển hình là phải qua cửa Sở Xây dựng tới hai lần: lần đầu thẩm định thiết kế cơ sở, lần sau xin phép xây dựng. Nên chăng giao việc thẩm định thiết kế cơ sở cho chủ đầu tư tự thuê một đơn vị độc lập thực hiện và chịu trách nhiệm” - ông Đực kiến nghị.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cũng thống nhất với đề xuất của Sở Xây dựng. “Khi nào Sở Xây dựng TP có văn bản chính thức về việc này, Bộ Xây dựng sẽ có kiến nghị gửi Thủ tướng” - ông Hà cho hay. Về việc thẩm định thiết kế cơ sở, ông Hà cho biết Bộ Xây dựng sắp có văn bản bãi bỏ thủ tục này. “Khi nào quy hoạch 1/500 được phủ kín thì sẽ bỏ luôn thủ tục cấp phép xây dựng. Các quy định về cấp phép xây dựng sẽ được nói rõ trong nghị định về cấp phép xây dựng, dự kiến được ban hành trong thời gian tới” - ông nói thêm.

Chưa có quy hoạch nhưng phải đảm bảo quy hoạch?

Theo Nghị định 71, dự án do nhà đầu tư đề xuất phải bảo đảm quy hoạch chi tiết 1/2.000. Quy định này được Sở Xây dựng TP báo cáo là “khó khả thi trong điều kiện hiện nay, ít nhiều làm ảnh hưởng đến tình hình đầu tư phát triển các dự án nhà ở”. Sở Xây dựng cho hay số lượng các nhà đầu tư xin làm chủ đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư giảm mạnh kể từ khi Nghị định 71 có hiệu lực.

“Hiện nay tại khu vực đô thị hóa chỉ khoảng 40% diện tích có quy hoạch chi tiết 1/2.000 (tên gọi mới là quy hoạch phân khu) và khoảng 80% mới có nhiệm vụ quy hoạch. Chủ đầu tư phải chờ quy hoạch 1/2.000 rất lâu, chỉ riêng chuyện lấy ý kiến dân cũng đã phức tạp” - ông Toàn phân tích thêm.

Về quy định đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, ông Nguyễn Đình Lễ, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng 30-4, băn khoăn: “Đất do doanh nghiệp bỏ tiền ra mua, giấy chứng nhận mang tên doanh nghiệp nhưng vẫn phải lựa chọn chủ đầu tư thì có phải làm mất thời gian và khó khăn cho doanh nghiệp không”. Ông Bền cũng cho rằng tổ chức đấu thầu trong trường hợp đã có một chủ đầu tư bồi thường giải phóng mặt bằng đến 80% là “sẽ rất khó thuyết phục họ chịu nhường lại cho người mới”.

Ông Hà giải thích sở dĩ phát sinh vướng mắc này là do thủ tục đầu tư tại miền Bắc hoàn toàn khác miền Nam. Cụ thể ở miền Bắc, theo trình tự của Nghị định 71, cơ quan có thẩm quyền lựa chọn chủ đầu tư xong, giao đất thì doanh nghiệp mới bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong khi đó ở miền Nam các chủ đầu tư tự thăm dò, bồi thường trước với dân, sau đó mới xin chấp thuận đầu tư.

Ông Hà cho rằng quy định lựa chọn chủ đầu tư trước rồi mới giao đất như Nghị định 71 sẽ giảm rủi ro cho doanh nghiệp, tránh tình trạng chủ đầu tư đã làm rất nhiều thủ tục, tốn kém công sức, đến khi nộp hồ sơ thì được thông báo không đủ điều kiện thực hiện. Tuy nhiên, Bộ sẽ xem xét trường hợp toàn bộ khu đất đã có giấy chứng nhận do doanh nghiệp đứng tên thì có thể chỉ định cho doanh nghiệp này làm chủ đầu tư.

Quy định cho phép đầu tư chung cư mini theo Nghị định 71 cần bổ sung thêm điều kiện ràng buộc. Nếu không, nhà phố vốn chỉ dành cho một gia đình nay xây thành bảy, tám phòng để cắt bán cho nhiều người trong khi hạ tầng không thay đổi thì rất nguy, TP sẽ lãnh hậu quả trước mắt là kẹt xe dữ dội.

Ông Nguyễn Thanh Toàn,
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM

Theo Cẩm Tú (PL TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0
Tham gia nhóm chat mua bán dự án