Việc cấp phép xây dựng tạm chỉ áp dụng cho những khu vực đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất.
Đã hai tháng tính từ lúc ban hành, Quyết định 68/2010 của UBND Tp.HCM (quy định về cấp giấy phép xây dựng (GPXD) và quản lý xây dựng theo giấy phép trên địa bàn Tp.HCM) vẫn nhận được sự quan tâm của rất nhiều bạn đọc. Hằng ngày, báo Pháp Luật Tp.HCM cung cấp miễn phí lượng lớn văn bản này kèm theo việc tiếp nhận các câu hỏi liên quan: Muốn xây dựng tạm phải làm sao? Đất nông nghiệp nhưng phù hợp với quy hoạch thì có xây được không?…Ngoài ra, với quy định mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đăng bộ nhà đất, nhiều bạn đọc thắc mắc có phải trường hợp nào cũng được đăng bộ?...

Áp dụng cho khu vực chưa có quyết định thu hồi đất

Theo khoản 1 Điều 8 Quyết định số 68 ngày 14-9-2010, việc cấp GPXD tạm áp dụng cho những khu vực đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quy hoạch. Về phía chủ đầu tư phải có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở, nếu có nhu cầu xây dựng thì được xét cấp GPXD tạm với quy mô tối đa năm tầng nhưng phải phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, các quy định về kiến trúc, cảnh quan đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.


Người dân chỉ được cấp GPXD tạm trên đất ở đối với những khu vực chưa có quyết định thu hồi đất. Ảnh minh họa: HTD

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 8, Tp.HCM, khẳng định: Chính quyền chỉ cấp GPXD tạm đối với những khu vực chưa có quyết định thu hồi đất, còn những khu vực đã có quyết định thu hồi đất nhưng chưa có phương án bồi thường không nằm trong diện được cấp GPXD tạm.

Trước đây, Quyết định 04/2006 của UBND TP chỉ cho phép xây dựng tạm một tầng, một gác. Nay Quyết định 68 quy định số tầng cao hơn nhưng không phải trường hợp nào cũng được cấp GPXD tạm. Về nguyên tắc, đất nông nghiệp mà chưa làm thủ tục chuyển sang đất ở thì chưa đủ điều kiện để được xét cấp GPXD tạm.

Bên cạnh đó, đối với các công trình, nhà ở trong khu vực hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu; hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch và hành lang bảo vệ các công trình khác theo quy định mà nhà nước chưa có chủ trương, kế hoạch thực hiện di dời các công trình, nhà ở đó ra khỏi khu vực nêu trên thì người dân không được phép xây dựng mới. Thay vào đó, người dân chỉ được sửa chữa, cải tạo nhưng không làm thay đổi quy mô diện tích, kết cấu chịu lực an toàn của công trình.

Đối với các khu vực được quy hoạch làm nhà ga, bến xe, đường dự phóng… thì sao? Theo ông Hồ Phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh, đối với khu vực trong quy hoạch là các công trình hạ tầng kỹ thuật như nhà ga, bến xe, đường dự phóng, hành lang bảo vệ đường ray xe lửa, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước…, các công trình hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, công viên, nhà văn hóa… mà chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch thì cũng được xem xét cấp GPXD tạm với quy mô tối đa năm tầng, có thời hạn theo thời hạn thực hiện quy hoạch.

Đất trống trong lộ giới: Không được xây mới

Ngoài những trường hợp trên, còn có trường hợp nào không được cấp phép xây dựng tạm năm tầng?

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp, cho biết: Đối với nhà ở nằm trong phạm vi quy hoạch lộ giới của các tuyến đường hiện hữu trong đô thị đã được phê duyệt và công bố lộ giới nhưng chưa có kế hoạch thực hiện mở rộng đường, người dân được phép sửa chữa, cải tạo công trình, nhà ở nhưng không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu hiện trạng cũ hoặc được cấp GPXD tạm để xây dựng cải tạo công trình, nhà ở với quy mô bán kiên cố một tầng (trệt, tường gạch, mái tôn hoặc ngói).

Tuy nhiên, nếu hiện trạng là đất trống, người dân không được phép xây dựng mới nhà ở mà chỉ được phép cải tạo lại hàng rào, cổng hiện hữu với điều kiện phải phù hợp với quy định về kiến trúc.

Cũng theo bà Vân, phần công trình xây dựng tạm thì không được bồi thường. Chủ đầu tư phải cam kết và thực hiện tháo dỡ không điều kiện khi nhà nước triển khai thực hiện quy hoạch. Do vậy, người dân phải cân nhắc khi xây dựng tạm công trình để tránh những thiệt hại về tài sản khi thực hiện quy hoạch.

Được đăng bộ trên giấy chứng nhận

Trước đây, sau khi chuyển nhượng nhà đất (đổi, mua bán, thừa kế, tặng cho…), người mua phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận mới. Nay theo Thông tư số 20 ngày 22-10-2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (có hiệu lực ngày 10-12-2010), người mua được chọn một trong hai phương án: chờ cấp giấy mới hoặc làm thủ tục đăng bộ trên giấy chứng nhận hiện hữu.

Ở phương án một, cơ quan chức năng thu hồi giấy chứng nhận của bên chuyển quyền và cấp giấy chứng nhận mới cho bên nhận chuyển quyền. Ở phương án hai, nếu bên nhận chuyển quyền có yêu cầu sử dụng giấy chứng nhận của bên chuyển quyền thì văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất xác nhận chuyển quyền vào trang 3, 4 của giấy chứng nhận đã cấp.

Ông Nguyễn Hồ Hải cho biết: “Việc đăng bộ trên trang 3, 4 được thực hiện với các loại giấy tờ nhà, đất hợp pháp như: giấy hồng theo Nghị định 60 hoặc 61/1994, giấy đỏ theo Nghị định 181/2004, giấy hồng theo Nghị định 90/2006, giấy hồng theo Nghị định 88/2009. Nếu chỉ chuyển nhượng một phần nhà đất thì thu hồi giấy chứng nhận đã cấp, bên nhận chuyển quyền và bên chuyển quyền được cấp giấy chứng nhận mới. Trường hợp bên chuyển quyền có yêu cầu sử dụng giấy chứng nhận đã cấp thì văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất xác nhận vào trang 3, 4 của giấy”.

Về việc đăng bộ, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Tp.HCM, lưu ý thêm: “Với quy định nêu trên của Thông tư 20, việc xác nhận chuyển quyền không được áp dụng đối với các giấy tờ nhà đất cấp trước năm 1994 (thường gọi là giấy trắng)”.

Cafeland.vn - Theo PLTPHCM
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland