Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, quỹ tiết kiệm nhà ở cho người dân không những góp phần giải bài toán vốn để phát triển nhà ở mà còn như cái “ván” để “bắc cầu” cho người nghèo mua nhà.

Thế nhưng, vấn đề này được đưa ra từ nhiều năm nay mà vẫn chưa thể thực hiện.

Dân VN “nhịn ăn” 16 năm mới mua được nhà

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện có khoảng 7 triệu người tại các khu đô thị đang có nhu cầu thuê và thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích xấp xỉ 150 triệu m2, tương ứng với việc đầu tư xây dựng từ 300.000-400.000 tỷ đồng. Với cách tính toán tỷ lệ tổng giá nhà trên tổng thu nhập thì một người dân ở các nước sẽ mua được nhà trong vòng 5-6 năm làm việc mà không tiêu pha gì, trong khi ở Việt Nam phải 16 năm người dân mới mua được.


Có quỹ tiết kiệm nhà người nghèo sẽ thêm cơ hội mua được nhà. Ảnh: N.Lê

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, với giá cả đắt đỏ như hiện nay, về tương lai lâu dài cho thị trường nhà ở xã hội nếu phát triển nhà theo hướng thương mại thì người nghèo rất khó tiết kiệm để mua được nhà và họ cần có sự hỗ trợ. Sự hỗ trợ cho người nghèo ở đây cần hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách chứ không thể hỗ trợ theo cách bao cấp như ngày xưa.

Thế nên để có nguồn vốn dài hơi cho các chương trình nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã đưa ra giải pháp lập quỹ tiết kiệm nhà ở như hình thức bảo hiểm xã hội. Các đối tượng lao động trích nộp một phần thu nhập (khoảng 3%-5% thu nhập hàng tháng) để gửi vào quỹ này. Quỹ sẽ cho vay đầu tư các dự án nhà ở xã hội và cho các đối tượng tham gia gửi tiết kiệm vào quỹ vay để thuê, mua nhà ở giá thấp.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, thời gian đầu, quỹ này nên hoạt động theo hình thức tự nguyện, quỹ huy động tiền tiết kiệm hàng tháng của những người cần nhà ở cộng với một phần tiền thu được từ đầu tư đất đai đô thị và thị trường bất động sản. Quỹ này dành cho người thu nhập thấp vay để mua nhà và thế chấp bằng chính nhà sắp mua rồi trả dần hàng tháng trong nhiều năm, có thể đến 10 năm.

Còn Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, quỹ tiết kiệm nhà ở nên triển khai bắt buộc. “Nếu tự nguyện, lại chỉ có người nghèo đóng với nhau thì số tiền thu được để cho một người mua nhà sẽ rất lâu, chưa kể, ai cũng có nhu cầu nhà ở thì những người nghèo không biết chờ đến bao giờ mới tới lượt. Huy động mọi người có thu nhập trong xã hội, bất kể thành phần kinh tế nào, có nhà hay không trích một phần rất nhỏ của lương vào quỹ tiết kiệm nhà ở xã hội. Những người không có nhu cầu về nhà, khi về hưu, họ được rút toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi.

Lập quỹ tiết kiệm nhà ở - vẫn còn bàn thảo

Ông Liêm cho rằng việc thành quỹ tiết kiệm nhà ở góp phần điều tiết giá cả sẽ rất hữu ích cho cả bên cung và bên cầu trong kinh doanh bất động sản. Từ năm 2004, quỹ nhà ở của Singapore gia tăng mạnh mẽ hơn nhờ chính sách cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia một số dự án phát triển nhà. Trước đó, năm 1968 - 1969, chính phủ Singapore ra quyết định thành lập quỹ Tiết kiệm trung ương để chi trả tiền đặt cọc mua nhà trả góp và cho người dân vay trả góp hàng tháng. Đơn vị sử dụng lao động bắt buộc phải góp 13%, còn người lao động phải góp 20% tiền lương hàng tháng vào quỹ tiết kiệm này nhưng bù lại họ được đảm bảo sẽ không bị mất nhà ngay cả khi không còn khả năng trả góp.

Trông “người” phải nghĩ đến “ta”, giải pháp lập quỹ tiết kiệm này đã được một số nước áp dụng hiệu quả thì sao VN đã đưa ra bàn thảo vấn đề này khá lâu mà chưa thực hiện được? Đây thực sự là cách để “bắc cầu” cho dân nghèo, những người có thu nhập thấp có cơ hội được mua nhà. “Khi được vay tiền từ quỹ tiết kiệm với lãi suất 3-4%/năm, cộng với nguồn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách thì mơ ước về một nơi an cư, lạc nghiệp đối với người chưa có nhà ở, nhất là người nghèo là hoàn toàn có thể thực hiện được” - thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho hay.

Cafeland.vn - Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland