Từ hai triệu đồng của Quỹ hỗ trợ Hội Nông dân xã, lão nông Hoàng Trung (xã Suối Nghệ, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) mở lò rèn và trở thành… tỷ phú.
Ông Hoàng Trung giới thiệu công năng chiếc máy đa năng có thể xay, cắt các lại nông sản do ông sáng chế vừa tham dự Hội chợ triển lãm nông nghiệp Việt Nam năm 2015.
Thật khó tin khi ông Phạm Tấn Lực - Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Nghệ - đưa tôi đến trước cửa lò rèn của ông Hoàng Trung: Một tỷ phú lò rèn, một cây sáng chế nông cụ tiếng tăm lại làm việc trong một cái xưởng cơ khí xập xệ, bụi bặm…
Có công mài thép
Trong lò, ông Hoàng Trung ngồi một góc đập lưỡi dao. Mặt mũi bụi bặm, lem luốc, tóc tai rối bù. Một góc khác, bà Trần Thị Hòe (vợ ông Hoàng Trung) bê bết nhọ than cũng đang vật lộn với một cái máy đập khác. Lại một góc khác, người con cả của ông Hoàng Trung - nghe đâu là một y sĩ khoa mắt, chán việc cơ quan về làm lò rèn - đang ngồi mài lưỡi dao. Thấy chúng tôi vào, ông Hoàng Trung hếch cặp kính lão nhìn chăm chăm rồi mỉm cười mời khách.
Ông Hoàng Trung kể, năm 1977, ông dắt díu vợ con vào Nam tìm “vùng đất hứa” với hai bàn tay trắng. Đến Suối Nghệ hoang vu, họ khai hoang được 6ha đất rồi tỉa bắp, trồng lúa, trồng mì… Tưởng đâu “đất hứa” là đây thì đùng một cái chính quyền địa phương triển khai dự án hồ thủy lợi ngăn đập lấy nước nhấn chìm 6ha đất của ông và nhiều khu đất của người dân nơi đây. “Không ai được hỗ trợ đồng cắc nào”, ông Hoàng Trung nhớ lại.
Tay trắng lại hoàn trắng tay, ông Trung thuê đất, dựng chòi, rồi hai vợ chồng còng lưng đi làm thuê, làm mướn, chạy chợ nuôi mấy cái “tàu há mồm” trong nhà đang tuổi ăn, tuổi học. “Một lần đi ngang qua một lò rèn, nghe người ta nói mỗi ngày làm một lưỡi cuốc cũng kiếm được 8.000 đồng, trong khi mình quần quật làm thuê mỗi ngày chỉ được trả 6.000 đồng nên tui về bàn với bà xã mở lò rèn”, ông Trung thổ lộ.
Nghĩ và làm, hai vợ chồng ông Hoàng Trung mang số ít tiền ít ỏi, chắt chiu đi mua đe, mua thép về mở lò rèn. Vạn sự khởi đầu nan, vì là tay ngang nên theo bà Hòe, quai búa đến rạt cả người nhưng cả ngày hai vợ chồng vật lộn không ra nổi cái lưỡi cuốc. “Nó xấu tệ, cho chẳng ai lấy”, bà Hòe cười nói.
Cứ thế, mất một thời gian khá dài mà hai vợ chồng ông Trung chỉ “nặn” ra được cái lưỡi cuốc “không giống ai”. Ông Trung bảo, đâu có bán được cho ai. Lúc bấy giờ, những người chịu mua lưỡi cuốc của ông chỉ là nông dân nghèo trong xã. Họ chịu mua cũng vì ông bán chịu và đến mùa thu hoạch hoa màu mới có tiền trả cho ông.
Xót xa khi thấy vợ hì hục quai búa cả ngày, ông Hoàng Trung bắt đầu nảy ra ý tưởng phải có máy đập để giải phóng sức lao động. Nếu mua máy đập của Liên Xô, thời điểm đó ông phải có 100 triệu đồng - một số tiền không tưởng với gia đình ông. Ông Trung nghĩ, chỉ có tự sáng chế máy đập. Nhưng làm gì cũng cần phải có tiền.
“Buồn ngủ gặp chiếu manh”, đúng lúc ấy, Hội Nông dân xã Suối Nghệ nhận được suất vay duy nhất từ Quỹ hỗ trợ vay vốn 2 triệu đồng của Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. “Hiểu được hoàn cảnh của gia đình ông Trung quá khổ và rất cần tiền để phát triển lò rèn nên tôi đồng ý đề xuất cho vay liền. Một số cán bộ trong xã phản đối. Họ cho rằng cho vay “phải nắm thằng có tóc”, chứ cho ông Trung vay nếu lỡ ổng làm ăn thất bại thì lấy đâu mà thu hồi tiền. Tôi đấu tranh dữ lắm, cuối cùng ông Trung mới được vay”, nhớ lại lúc ấy, ông Phạm Tấn Lực - Chủ tịch Hội Nông dân xã Suối Nghệ - cười mỉm.
Thật ra, 2 triệu đồng (4 -5 chỉ vàng lúc ấy) cũng chỉ giúp ông Hoàng Trung mua được cái motor. Toàn bộ chi tiết để làm máy đập ông phải mua dần. Mất hai năm trời vật lộn, lão nông “lớp 5 trường làng” cũng sáng chế được cái máy đập “cả thế giới không ai có”, xuất phát từ ý tưởng “sự chuyển động của pít-tông xe máy Honda và sự di chuyển của bàn đạp máy may đồ”.
Giờ trong lò rèn ông Hoàng Trung có đến đời thứ 3 của chiếc máy đập. Những năm qua, hàng chục chiếc máy đập được bán ra thị trường trong nước. Một chiếc máy này khi làm việc “chấp” cả chục nhân công. Ông Trung bảo, đang có ý định cho ra đời máy đập đời thứ 4: Linh hoạt hơn và khỏe hơn.
Ngoài sản xuất nông cụ, ông Trung còn gia công các chi tiết cơ khí cho các loại máy cày, máy gặt, làm xe cải tiến, doanh thu hàng năm đạt trên dưới 1 tỉ đồng. Đến nay, các sản phẩm nông cụ do lò rèn của gia đình ông Trung sản xuất được tiêu thụ tại các huyện trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long. Ông Trung cho biết thêm, thời gian tới ông sẽ tiếp tục nghiên cứu sản xuất ra các loại nông cụ như máy sạ hàng, gieo hạt, phục vụ cho sản xuất lúa, bắp, đậu,… từ đó giúp bà con nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm ngày công lao động.
“Từ năm 1996 - 2009, tôi đã sáng chế ra 3 kiểu máy dập sắt, 1 máy tiện gỗ và 1 lò trui nông cụ, máy xay tổng hợp. Đặc biệt, máy xay tổng hợp đã đoạt được giải Nhì Hội thi nông dân sáng tạo khoa học kỹ thuật năm 2009”, ông Trung cho biết.
Ngán ngại ra “biển lớn”
Đã có lúc, xã Suối Trầu được ví như “làng lò rèn” vì có đến 18 cái lò rèn “cha truyền con nối”. Giờ “làng lò rèn” chỉ còn mỗi lò rèn của ông Hoàng Trung là trụ vững và phát triển. Điều đó cho thấy, để tồn tại và trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh cấp trung ương, ông Hoàng Trung đã giỏi giang thế nào. “Tôi mà giỏi hơn ai! Chắc tại trời thương nên cho khả năng sáng tạo”, ông Hoàng Trung khiêm tốn.
Hôm chúng tôi đến, được ông Hoàng Trung cho biết, đã thoái thác một hợp đồng “tiền tỉ” sản xuất nông cụ cho một công ty ở Nhật Bản. Năm ngoái, công ty này đã đưa hàng mẫu sang lò rèn cho ông Hoàng Trung làm thử. Họ đã chấp nhận mẫu thử này. Vừa rồi, có hai lãnh đạo của công ty này tìm đến lò rèn để bàn chuyện ký hợp đồng với ông Hoàng Trung. Họ đồng ý chuyển máy móc sang Việt Nam cho lò rèn của ông gia công. Ông Trung bảo, chỗ ông thừa khả năng làm hàng cho Nhật.
Theo ông Lực, một ngân hàng và một số nhà đầu tư đã đồng ý cho ông Trung vay tiền để lên hợp tác xã, thậm chí là xây dựng công ty. Thế nhưng, theo ông Trung, cái khó nhất và làm ông nản lòng là ông ngán ngại “đụng” thủ tục với 12 cơ quan chức năng của Việt Nam mà ông đã liên hệ, nếu muốn hoàn chỉnh hợp đồng này. “Thôi, sức người có hạn. Tôi nghĩ, lâu nay mình làm theo kiểu “đi xuồng trên sông”, nếu xuồng lật thì tát nước mà đi tiếp. Giờ nếu “đóng tàu ra biển lớn” nếu gặp bão tố thì chẳng lẽ lại một lần nữa trắng tay”, ông Hoàng Trung tâm sự.
Bên cạnh đó, bà Hòe cho biết, nông cụ của lò rèn giờ không chỉ bán quanh quẩn trong nước. Một số nông cụ như cuốc, dao, búa, liềm… đã được bán sang Mỹ, Úc… qua đường Việt kiều. “Thời gian gần đây, họ về nước tìm đến lò mua nhiều. Họ sang bển cũng làm nông như ở Việt Nam thôi”, bà Hòe nói.
Không vô cảm! Ngoài việc sản xuất nông cụ trứ danh, giải quyết hàng chục nhân công cho lao động địa phương, ông Hoàng Trung còn là một người rất có lòng nhân ái, nhất là với những sinh viên học giỏi có hoàn cảnh khó khăn và người nghèo, neo đơn trong xã. Theo ông Hoàng Trung, ông làm những việc này vì không thể vô cảm đứng nhìn tha nhân khốn khổ và cũng muốn giáo dục con cái của mình phải biết thương người nghèo khó. Cứ hễ thấy sinh viên, học sinh học giỏi có hoàn cảnh khó khăn hay người già neo đơn, nghèo khó là ông âm thầm tìm đến gửi tiền hỗ trợ để họ vượt qua khó khăn. |