Cập nhật 06/04/2016 3:39 PM
Từ vài hộ ban đầu, đến nay xã Đông La (Hoài Đức, Hà Nội) đã có hàng trăm hộ trồng hoa lan. Nhờ gắn bó với nghề này, nhiều hộ dân đã có thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Ông Dương Kim Thành (phải) – Chủ tịch Hội ND xã Đông La thăm vườn lan của gia đình anh Tạ Công Soái. ảnh: Thu Hà
Mạnh dạn đầu tư nghề mới
Trên con đường vào xã Đông La có đến hàng chục tấm biển ghi danh vườn lan, mỗi vườn một vẻ. Dừng chân bên vườn lan Thực Hà của anh Tạ Công Thực (thôn Đồng Nhân), anh chia sẻ: “Tính đến nay tôi đã có gần 20 năm gắn bó với hoa lan. Tình cờ một lần sang nhà họ hàng chơi, thấy những giò lan nở hoa rất đẹp và lâu tàn, tôi đã nảy ý định trồng để kinh doanh”.
Theo anh Thực, lúc đầu trong xã chưa có nhiều hộ dám đầu tư trồng lan để kinh doanh. Nhưng sau một thời gian trồng, mọi người đều thấy nghề này không quá vất vả, nặng nhọc hay chân lấm tay bùn như nhiều nghề nông khác mà vẫn có thu nhập cao, vì vậy người người, nhà nhà đua nhau thử sức với nghề mới, mở rộng diện tích trồng lan.
“Hoa lan có vẻ đẹp thanh tao, sang trọng nên rất được khách hàng ưa chuộng. Vào những dịp lễ, tết thì các vườn lan ở Đông La thường xuyên rơi vào tình trạng cháy hàng. Để trồng hoa lan có thu nhập cao thì người trồng phải hiểu kỹ về lan, nắm rõ đặc tính của từng loại để có cách chăm sóc thích hợp” – anh Thực chia sẻ.
Bén duyên với nghề trồng hoa lan mới được 6 năm, nhưng anh Tạ Công Soái (sinh năm 1986, thôn Đồng Nhân) đã trở thành một trong những tỷ phú trẻ của xã. Với hơn 5.000 giò lan các loại, anh Soái quy hoạch vườn lan của mình rất khoa học.
“Kỹ thuật trồng hoa lan không quá khó, chỉ cần chú ý đến 3 yếu tố độ ẩm, ánh sáng và độ thông thoáng. Với diện tích hơn 700m2 trồng hoa lan, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập 1 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi hơn 300 triệu đồng”.
Anh chia vườn thành từng khu trồng các loài lan khác nhau, khu trồng lan công nghiệp, khu trồng lan rừng để khách hàng dễ lựa chọn. Anh Soái chia sẻ: “Tôi vốn làm thợ mộc, thấy nhiều hộ trong xã trồng lan có thu nhập cao nên bèn trồng theo.
Trồng lan không cần diện tích rộng, nhưng phải có kỹ thuật, vốn. May mắn, tôi được các bác, các anh chị đi trước dạy rất kỹ từ cách chọn đất, phơi đất, xử lý xơ dừa, chọn cây giống, cách chăm sóc, phòng bệnh cho lan nên dù là “lính mới” trong nghề tôi vẫn có doanh thu tiền tỷ”.
Sẵn lòng truyền nghề
Ông Dương Kim Thành – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông La cho biết: “Nghề trồng hoa lan ở Đông La đã có từ khoảng 30 năm trước, xuất phát từ nhiều thanh niên trong xã đi làm ăn xa ở vùng miền núi phía Bắc, mỗi dịp tết họ thường mang theo những giỏ lan rừng về quê để trồng chơi. Ban đầu người dân Đông La trồng lan như một thú vui nhưng thấy khách đến chơi nhà thích thú và năn nỉ mua lại giò hoa lan với giá cao, vốn nhanh nhạy với thị trường nên người dân Đông La đã học hỏi, nghiên cứu và phát triển thành nghề trồng hoa lan. Từ một vài nhà, dần dần nghề trồng hoa lan nhân rộng ra cả xóm, cả làng.
“Hiện toàn xã Đông La có gần 200 hộ gắn bó với nghề trồng lan, tập trung chủ yếu ở thôn Đồng Nhân, Đông Lao. Trồng lan cho thu nhập cao nên phong trào trồng hoa lan ngày càng phát triển và mở rộng ra nhiều nơi, nhiều nhà thành tỷ phú nhờ nghề này” – ông Thành tiết lộ.
Với thâm niên gần 30 năm trồng lan, anh Hoàng Ngọc Trường – chủ vườn lan Trường Uyên là một trong những người đầu tiên trong làng biến thú chơi hoa lan thành nghề cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm, với 2.000m2 đất trồng hàng ngàn giò lan quý hiếm.
Anh Trường tâm sự: “Với mục tiêu đưa Đông La trở thành “thủ phủ” hoa lan của Hà Nội, tôi và các anh em trong Hợp tác xã Dịch vụ thương mại sản xuất hoa lan, cây cảnh Đông La thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin thị trường cho nhau. Trong nghề trồng lan, chúng tôi không giấu giếm nhau bất cứ điều gì, người đi trước có trách nhiệm dạy nghề cho người theo sau”.
Dân Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.