Cập nhật 25/12/2012 4:53 PM
Trong khi nhiều cầu thủ ngôi sao đang vất vả tìm bến đỗ mới thì Nguyễn Văn Nghĩa, cựu cầu thủ Cao Su Đồng Tháp và Navibank Sài Gòn, vẫn sống khỏe nhờ đã chuẩn bị nghề để sống khi giải nghệ.

Văn Nghĩa (bìa phải) cùng công nhân tại công trình nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ huyện Cao Lãnh - Ảnh: T.Tú

Về sự sống khỏe của mình, Nghĩa chỉ nói: “Tôi là người may mắn”.

Người may mắn

14 tuổi (năm 1998), Nghĩa rời Hồng Ngự về Cao Lãnh tập ở lớp năng khiếu bóng đá Đồng Tháp. Khi đó, người trực tiếp dẫn dắt Nghĩa là HLV Phạm Công Lộc và Lại Hồng Vân. Năm 2002, may mắn chỉ mỉm cười với Văn Nghĩa và Văn Ngân khi cả hai cùng được đôn lên đội hình 1 của Đồng Tháp.

Lăn lộn với sân cỏ gần năm năm trời, Văn Nghĩa lấy vợ - một cô gái tốt nghiệp đại học kinh tế. Quen nhau từ năm 2003 nhưng mãi đến năm 2007 hai người mới cưới nhau. Năm 2008 Nghĩa có con đầu lòng và năm 2009 đứa con thứ hai chào đời.

Dù bận rộn với sự nghiệp cầu thủ và vợ sinh con nhưng năm 2009 Nghĩa vẫn đến Trường cao đẳng Cộng đồng xin thi vào lớp đại học tại chức ngành xây dựng do Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM mở. Trả lời câu hỏi: Nghĩa nghĩ gì khi xách cặp đi học trong khi thời điểm đang là ngôi sao sáng của đội? Nghĩa cho rằng đó là một quyết định khó nhưng có phần... may mắn.

Theo lời kể của Nghĩa, ba vợ Nghĩa là người có tiếng trong lĩnh vực xây dựng ở Đồng Tháp. Năm 2008, hai vợ chồng đứng ra thành lập doanh nghiệp tư nhân Thành Nghĩa với ngành nghề chính là san lấp mặt bằng, khai thác cát... nói chung là theo nghề của ba vợ. Với Nghĩa, đã ra làm ăn riêng thì phải biết tự đi trên đôi chân của mình.

Vì vậy, không có cách nào khác là phải học. May là Nghĩa đã tốt nghiệp THPT khi còn học năng khiếu bóng đá nên mới có điều kiện nộp đơn thi vào ngành xây dựng. Ngày có kết quả trúng tuyển Nghĩa mừng như hôm biết mình được lên đội hình 1 của Đồng Tháp.

Song may mắn lớn nhất và gần như mang tính quyết định chuyện đi học của Nghĩa là nhờ thầy Kiều Anh Pháp, giảng viên Trường cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp. Thầy Pháp là người được giao nhiệm vụ sắp lịch cho lớp học. Hằng năm cứ mỗi lần lên lịch học, thầy đều xin kế hoạch tập huấn và thi đấu của đội Đồng Tháp để xếp lịch học cho lớp nhằm tạo điều kiện tốt nhất để Nghĩa đi học.

Thầy Pháp tâm sự: “Quê tôi ở Hà Tĩnh, từ lúc vào nghề sư phạm đến giờ chưa bao giờ tôi thấy cầu thủ nào xách cặp đi học như Văn Nghĩa. Cảm kích với tinh thần và ý chí hiếu học này, tôi đã cố làm mọi cách sao thuận tiện nhất để không ảnh hưởng đến việc học của Nghĩa và các học viên cùng lớp”.

Gian nan chuyện học

May nhờ có vợ

“Ngày giải nghệ, tui may mắn được phụ vợ làm công việc mua bán. Hiện nay gia đình tui đang là đại lý phân phối nhiều mặt hàng bánh kẹo, sữa... nên cuộc sống cũng kha khá. Nếu không có vợ, không biết bây giờ mình sao nữa” - Nguyễn Công Nhậm, cựu tuyển thủ Đồng Tháp, nói.

Từ năm 2009, mỗi lần kết thúc mùa giải hoặc những ngày được xả trại, thay vì dành thời gian bù khú với bạn bè, Nghĩa lại miệt mài với sách vở, bài tập. Lúc thì ra công trường của ba để thực hành, làm quen với công việc.

Những công trình xây dựng khu dân cư ở Hồng Ngự như khu dân cư ấp 3, xã Thường Thới Tiền, khu dân cư Phú Thuận A... là nơi thực hành lý tưởng của Nghĩa. Vì vậy, khi đội Navibank Sài Gòn giải thể, Nghĩa quay về gia đình tiếp tục việc học.

Thấm thoát đã bốn năm kể từ khi cắp sách vào đại học. Cuối năm 2013 sẽ là thời điểm quyết định để ra trường. Vợ Nghĩa cũng vừa sinh đôi thêm hai bé trai. Công việc lu bù nhưng Nghĩa vẫn miệt mài học và thực hành ở các công trình. Nơi chúng tôi gặp Nghĩa cũng chính là địa điểm công trình nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ huyện Cao Lãnh do DNTN Thành Nghĩa chịu trách nhiệm xây dựng.

Nhắc lại những ngày gian nan đến lớp, Nghĩa tâm sự: “90 phút trên sân cỏ, tôi chẳng thấy mệt bằng 90 phút làm bài kiểm tra hoặc thi. Song sợ nhất là thời gian học trùng với các đợt tập huấn, thi đấu. Trong khi đồng đội được thư giãn, mình phải nai lưng trả nợ các môn học. Cũng may là các thầy ủng hộ và tạo điều kiện cho tôi hoàn thành các môn học. Đặc biệt là bà xã luôn động viên và tạo điều kiện hết mình để việc học không bị gián đoạn...”.

Tuy chưa thể gọi là thành danh nhưng doanh nghiệp của vợ chồng Nghĩa hiện có đến 50 công nhân làm việc. Ngoài lĩnh vực khai thác cát, san lấp mặt bằng họ còn đảm nhận thêm công việc đại lý phân phối hàng tiêu dùng cho nhiều loại sản phẩm như xà bông giặt, mỹ phẩm... Dự kiến sau khi tốt nghiệp đại học, vợ chồng Nghĩa sẽ làm thêm mảng xây dựng dân dụng. Do đó, cả hai đã lên kế hoạch tuyển dụng khoảng 70 người.

Về các đồng nghiệp đang gặp khó sau khi một số đội bóng giải thể, Nghĩa cho biết cảm thấy rất buồn khi rơi vào tình cảnh này. Tuy vậy, Nghĩa cho rằng dù khó nhưng một khi đã theo nghiệp bóng đá thì phải cố bám để đạt mục đích của mình.

Theo Thanh Tú (Tuổi trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.