Cập nhật 05/01/2020 2:58 PM
Khó khăn về nguồn vốn là nguyên nhân chính khiến cho startup bế tắc, hoặc bị hạn chế sức sáng tạo. Hãy thôi ảo tưởng về khởi nghiệp, khi cứ 10 công ty startup thì có tới 9 thất bại.

Có lẽ, khó khăn về nguồn vốn là nguyên nhân chính khiến cho startup bế tắc, hoặc bị hạn chế sức sáng tạo.Hãy thôi ảo tưởng về khởi nghiệp, khi cứ 10 công ty startup thì có tới 9 thất bại. Dù biết đó là sự thật, song cũng không thể ngăn cản được các bạn trẻ tham gia khởi nghiệp.

“Startup vốn như một chiếc tàu lượn siêu tốc, lên – xuống và lao đi với tốc độ chóng mặt. Nhiều khi không có đủ các thông tin cần thiết nhưng vẫn phải chọn một phương án tốt nhất để ra quyết định, và chấp nhận rủi ro là bị thất bại”, CEO GotIt!, hiện tượng Việt trên vùng đất khởi nghiệp Mỹ cho hay.

Có rất nhiều startup đã thất bại, vậy chúng ta nên biết những gì quan trọng để sẵn sàng chiến đấu và mang lại thành công cho chính startup của mình.

Làm tốt 3 nội dung chính, không lo nhà đầu tư không bỏ vốn

Gọi vốn là một vấn đề hết sức quan trọng mà các startup phải đặt ra khi bắt tay vào triển khai dự án. Không có vốn thì ý tưởng đằng trời cũng chỉ nằm trên giấy, sản phẩm có xuất sắc mấy cũng không thể sản xuất được, nói chi đến đưa ra thị trường. Vì thế, gọi vốn là câu chuyện trọng tâm của người khởi nghiệp.

Các lý thuyết gia đưa ra nhiều lời giải cho vấn đề này, còn tôi, với kinh nghiệm của cá nhân qua quá trình khởi nghiệp, xin chia sẻ ba nội dung chính, nếu làm tốt thì không lo gì các nhà đầu tư không nhảy vào.

Đầu tiên là sản phẩm, phải có sản phẩm thuyết phục các nhà đầu tư.

Nếu như trên thị trường đã có những sản phẩm đó, người khởi nghiệp làm ra thêm một mẫu tương tự, thậm chí có khác biệt đôi chút thì chỉ là vô nghĩa dưới mắt nhà đầu tư.

Sản phẩm đó phải mới, độc, lạ, nếu như là độc quyền thì càng tốt. Làm cái người khác chưa làm mới mong ăn được trong rừng hàng hóa sản phẩm và dịch vụ hiện nay.

Và tất nhiên, sản phẩm đó phải có bản quyền sở hữu trí tuệ, có pháp luật bảo vệ và khó bị sao chép, mẫu mã cũng như quy trình công nghệ.

Điều lưu ý là sản phẩm độc đáo là một việc, nhưng quan trọng là sản phẩm đó có phù hợp với xu hướng của thị trường hay không, có được người tiêu dùng đón nhận hay không?

Để thuyết phục các nhà đầu tư, người khởi nghiệp phải khảo sát và nghiên cứu thị trường, đưa ra kết luận khách quan, có cơ sở khoa học và thực tiễn, không thể nói suông được.

Các nhà đầu tư luôn có những chuyên gia giàu kinh nghiệm, đủ sức đánh giá các loại sản phẩm có phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hay không.

Thứ hai là xu hướng thị trường, hay nói đúng hơn là bắt kịp với đòi hỏi của tư duy tiêu dùng hiện đại. Các sản phẩm cần có hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng cao.

Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, Steve Jobs “lật nghiêng” cả quả đất. Chính vì vậy, xu hướng sản phẩm công nghệ luôn được các nhà đầu tư ưu tiên.

Ngoài sản phẩm công nghệ, các nhà đầu tư quan tâm đến sản phẩm thân thiện môi trường, hoặc là các sản phẩm xử lý các loại ô nhiễm môi trường. Ngày nay, doanh nhân không chỉ làm giàu cho mình mà mong muốn cống hiến cho xã hội, vì vậy khi có những dự án sản xuất những sản phẩm phục vụ cho cộng đồng, đem đến giá trị về sức khỏe, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp thì nhà đầu tư tham gia, không đặt lợi nhuận làm mục đích, mà vì lợi ích chung cho đất nước, thậm chí cho nhân loại.

Nội dung thứ ba là nhân sự. Các nhà đầu tư rất quan tâm đến những người khởi nghiệp đó là ai. Nhân sự đáp ứng được các vị trí quan trọng về chuyên môn công nghệ, quản trị, marketing, PR…

Nếu như dàn “chiến tướng” của một startup là những người giỏi, xuất sắc, có tài và có tâm, thì các nhà đầu tư sẽ tin cậy đổ vốn vào. Không ai đưa tiền cho những người tài năng nửa vời, làm thì ít, huênh hoang thì nhiều cả.

Hiện nay, có quá nhiều startup chào mời các nhà đầu tư, cho nên bị lẫn vào đám đông đó, không bao giờ huy động vốn thành công. Muốn huy động vốn thành công phải tạo sự khác biệt mới gây được sự chú ý của các nhà đầu tư và tạo được niềm tin để họ tham gia.

Tạo được niềm tin là thành công một nửa

Sách vở nói về gọi vốn quá nhiều, nhưng từ bài học chính cuộc đời mình, từng mời gọi vốn và từng được người ta gọi mời lại mình, tôi chia sẻ một số nguyên tắc để gọi được vốn:

Trước hết là minh bạch: Nói đúng sự thật về sản phẩm và tình trạng kinh doanh. Các startup trẻ thường hăng máu, quá “nổ” về sản phẩm của mình để đưa ra giá cao. Chỉ cần nghe con số trên trời là các nhà đầu tư nản, không cần quan tâm nữa.

Bảo đảm chắc chắn, không nói hai lời khi huy động vốn, đồng thời cần chứng minh một cách rạch ròi từng con số, từ chi phí doanh nghiệp đến dòng tiền lưu động, làm sao để nhà đầu tư thấy rằng đúng chính xác là số tiền cần sử dụng.

Xây dựng kế hoạch chi tiết: Kế hoạch hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là thước đo đối với các nhà đầu tư.

Người gọi vốn cần chia ra bao nhiêu giai đoạn, mỗi giai đoạn bao nhiêu tháng và đưa ra cam kết thực hiện đúng kế hoạch.

Căn cứ vào kế hoạch, nhà đầu tư chỉ góp vốn giai đoạn đầu, nếu kinh doanh thành công theo kế hoạch thì đóng tiếp vòng sau.

Đồng vốn huy động được chia từng giai đoạn để giảm áp lực cho nhà đầu tư và tăng tính hiệu quả trong sử dụng vốn. Khi đã có được niềm tin vì thực hiện đúng cam kết đối với từng vòng gọi vốn, thì càng về sau doanh nghiệp càng bớt nỗi lo gọi vốn.

Muốn khởi nghiệp phải hiểu về những “cái chết” của startup, cần phân tích một cách khách quan, khoa học, để rút ra những bài học cho mình.

Để khởi nghiệp thành công đó là phải có sản phẩm độc đáo, giá trị khác biệt. Sản phẩm là yếu tố quyết định, bộ máy cũng cần thiết nhưng chỉ là yếu tố phụ.

10 nhân vật khởi nghiệp nổi tiếng chia sẻ kinh nghiệm thành công

Những câu nói của 10 nhân vật nổi tiếng, kinh nghiệm “đầy mình” trong kinh doanh dưới đây sẽ cho các bạn thấy rõ hơn về con đường khởi nghiệp.

1. “Muốn khởi nghiệp, đừng chờ đợi cho đến khi bạn được trang bị đầy đủ”, Tân Hoàng Minh, CEO Foody

Từng phải đi hái rau thuê để kiếm tiền trang trải học hành khi gia đình bị phá sản, CEO Foody Tân Hoàng Minh vẫn nhớ sự đau đớn trên 10 đầu ngón tay mỗi ngày đi làm.

Nhưng anh cho biết, đó là cách nhanh nhất để kiếm được đủ tiền. Với kinh nghiệm sương máu của mình, chủ ứng dụng tìm kiếm, đánh giá địa điểm ăn uống được coi là Yelp của VN cho rằng, đừng chờ đợi làm điều gì đó cho đến khi bạn được trang bị đầy đủ, bởi nó có thể mang lại những kinh nghiệm thực tế quý báu từ những người đi trước và từ chính trải nghiệm của mình.

2. “Đừng nghĩ đến khởi nghiệp khi không có tiền”, Phạm Đình Nguyên, CEO PhinDeli

“Thật khó để khởi nghiệp từ con số 0. Mọi người cần có tiền để khởi nghiệp. Chúng ta có thể không có nhiều tiền nhưng bắt buộc phải có vốn. Nguồn vốn có thể được huy động từ 2 nguồn là kêu gọi vốn và tự tích lũy bằng cách tự đi làm thuê”, đây là chia sẻ của doanh nhân người Việt mua thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ khi nói về khởi nghiệp.

3. “Với khởi nghiệp, vấn đề không phải là tiền”, Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT

Chủ tịch FPT đưa ra một ý kiến tưởng như mâu thuẫn với ông Phạm Đình Nguyên nhưng nếu ngẫm kỹ, nó lại hoàn toàn phù hợp. Tiền để khởi nghiệp, chắc chắn phải có, nhưng nó vẫn chưa phải là vấn đề quan trọng nhất.

Chủ tịch công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam cho rằng, tính chia sẻ và môi trường làm việc mới thực sự cần thiết khi khởi nghiệp.

Theo vị Chủ tịch FPT, nếu có ý tưởng nhưng chẳng có ai để ‘cãi’ thì khó có thể hiện thực hóa được. Bên cạnh đó, người làm startup cần có ý tưởng toàn cầu chứ không phải là chuyện mấy ông ăn rau muống cãi nhau về Sillicon Valley .

Yếu tố cuối cùng ông Bình nhắc đến nền tảng công nghệ bởi theo ông, ý tưởng tốt mà không có nền tảng công nghệ tốt thì cũng khó thành công.

4. “Startup không phải lúc nào cũng dễ dàng, cool và hào nhoáng như nhiều người tưởng tượng”, Trần Việt Hùng, CEO GotIt!

Hiện tượng Việt Nam trên vùng đấy khởi nghiệp Mỹ – GotIt! ứng dụng thứ 2 trên Apple Store Apple cho rằng, startup vốn như một chiếc tàu lượn siêu tốc, lên – xuống và lao đi với tốc độ chóng mặt.

Nhiều khi không có đủ các thông tin cần thiết nhưng vẫn phải chọn một phương án tốt nhất để ra quyết định, và chấp nhận rủi ro là bị thất bại.

5. “Đừng quá vọng tưởng, mong ước thành công sớm và hưởng thụ khi khởi nghiệp”, Trần Trọng Tuyến, CEO DKT

CEO doanh nghiệp sở hữu nền tảng bán hàng online Bizweb cho rằng, khởi nghiệp không phải một cuộc chơi mà là một hành trình đầy gian khổ.

Anh cho rằng, có ít nhất một lần các bạn trẻ từng suy nghĩ là khởi nghiệp, tự lập và kinh doanh. Nhưng bạn cần suy nghĩ kỹ hơn, đừng quá vọng tưởng, mong ước thành công sớm và hưởng thụ. Theo đó, những bạn trẻ có ý định khởi nghiệp cần có ý tưởng đột phá và sản phẩm phù hợp với thị trường.

6. “Khởi nghiệp Việt nam nhiều ý tưởng thì hay lắm, nhưng làm chẳng được bao nhiêu”, Nguyễn Tuấn Anh - CEO Grab Việt Nam

Các bạn trẻ ở Việt Nam có rất nhiều ý tưởng thế nhưng, thực hiện được nó hay không mới là quan trọng. CEO ứng dụng gọi xe trên nền tảng di động cho rằng, khởi nghiệp thành công cần phải có kỹ năng để phát triển công ty nhanh nhất, thu hút nhiều người dùng nhất có thể.

Từng là Giám đốc Sản phẩm của Yahoo! (Đông Nam Á), thành viên Ban Quản trị TGM và cha đẻ một chủ các dự án Geeky.vn, Metis.vn hay Truongxua.vn, Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, nếu là một người mới ra trường và đang băn khoăn không biết nên đi làm ở một công ty lớn hay tự khởi nghiệp kinh doanh, tốt nhất hãy xem lại bản thân, nếu cảm thấy vẫn còn thiếu sót nhiều kỹ năng thì hãy tìm một nơi nào đó có thể dạy cho bạn nhiều nhất có thể.

7. “99% các bạn khởi nghiệp sẽ thất bại”, Trần Trọng Kiên, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Thiên Minh

Đây là chia sẻ thẳng thắn của doanh nhân Trần Trọng Kiên – Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Thiên Minh (Thiên Minh Group) – người từng gây shock khi mua lại hãng hàng không Hải Âu và bỏ trăm tỷ nhập 2 chiếc thủy phi cơ đầu tiên về Việt Nam.

Lý do ông Kiên đưa ra là dù cho đã có một ý tưởng khởi nghiệp tốt, phần lớn những người khởi nghiệp không có cơ hội “kiếm tiền” từ những nhà đầu tư.

8. “99,99% các bạn ra trường làm CEO ngay thì thất bại hết”, Nguyễn Hữu Thái Hòa, PCT Hội đồng tư vấn chiến lược kiêm GĐ chiến lược Tập đoàn VNPT

“99,99% các bạn ra trường làm CEO ngay thì thất bại hết. 0,01% còn lại là Cường Đôla…và họ đang nướng tài chính, nướng mục tiêu của mình. Sao các bạn lại lấy đầu đập vào đá dù biết sẽ chảy máu?”, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, thanh viên hội đồng chuyên gia “CEO – Chìa khóa thành công” đã phải thốt lên như thế khi nói về startup.

9. “Hãy khôn và tỉnh táo, đừng viển vông!”, CEO Vật Giá

Lời khuyên từ CEO sàn thương mại điện tử Vật Giá cho rằng, đối với sinh viên, bạn phải thực vượt trội thì hẵng bỏ học để khởi nghiệp. Còn trình độ còn lùn, điều kiện không có thì không nên học theo Mỹ.

Tốt nhất là khi mình chưa đủ lực thì nên khiêm tốn đi học hỏi. Tìm một thần tượng thành công, đi theo người đó để phụ giúp và học hỏi. Hãy khôn và tỉnh táo, đừng viển vông.

Quan điểm của ông về việc cắt giảm nhân sự: Khởi nghiệp cũng như leo núi, và việc quản lý tài chính giống như quản lý oxy. Oxy có hạn và núi thì rất cao. Bởi vậy, việc cắt giảm chi phí cũng là đương nhiên.

10. “5 điều không nên làm khi khởi nghiệp”, Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái

1. Gia đình trị: Những công ty mang tính chất gia đình ít khi thu hút được người tài. Mà kinh doanh không đau đầu bằng cãi nhau với gia đình. Do đó, không để vợ làm cùng và các anh em trong cùng 1 gia đình thì nên mở các công ty riêng.

2. Đừng ôm trách nhiệm: Bí quyết của thành công là ‘rũ’ trách nhiệm cho người khác. Bạn đừng ôm hết việc. Bạn có 1 cái đầu nhưng với 5 cái tay tất làm nhanh hơn. Nếu bạn làm cả nhiệm vụ của tay thì tất ảnh hưởng đến cái đầu suy nghĩ của bạn. Trong trường hợp chưa có người kế cận, bạn buộc phải làm hết, nhưng chỉ trong ngắn hạn thôi.

3. Chớ nghĩ mình giỏi: Sự chủ quan là nguy hiểm nhất. Trong kinh doanh, đừng bao giờ nghĩ mình giỏi. Đừng so với mấy ông bạn ở quê, hãy so với mấy doanh nhân ở Mỹ, Singapore…

4. Chọn người phù hợp, đừng chọn người giỏi nhất: Tuyển dụng như “cưới xin”. Nhân viên được tuyển vào như “cưới” môi trường của bạn. Hãy chọn Right person (Người phù hợp), đừng chọn Best person (Người giỏi nhất).

5. Chưa nên làm từ thiện: Tại sao mặc dù là người có tâm trong vấn đề từ thiện, nhưng tôi lại khuyên bạn chưa nên làm từ thiện? Không phải tôi khuyên bạn đừng làm, mà tôi muốn bạn biết nên làm cái gì trước, cái gì sau. Nếu từ thiện kiến thức bạn phải giỏi, nếu từ thiện bằng tiền phải nhiều tiền. Các bạn phải giàu trước, phải nhiều kiến thức trước mới chia sẻ, giúp đỡ được nhiều người.

Theo DĐDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.