Cập nhật 20/11/2018 10:23 PM
Ngày 20.11, tại TP.HCM, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ KH-CN, CLB Đầu tư, khởi nghiệp (Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) tổ chức tọa đàm 'Thương mại điện tử trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo'.

Nguyễn Thành Đạt, sinh viên năm 3, Trường ĐH Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đặt câu hỏi. Ảnh: Lê Thanh

Đây là một nội dung giúp thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nằm trong Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” 2018 của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Hành trình đi qua 11 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Lâm Đồng, TP.HCM và Cần Thơ, diễn ra đến ngày 29.11.

Theo anh Cao Hồng Hưng, Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đoàn, Ủy viên Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, hành trình được tổ chức nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên đã và đang có nhu cầu khởi nghiệp.

“Trong hành trình chúng tôi mời các chuyên gia, doanh nhân dà dặn trong lĩnh vực thương mại điện tử để trao đổi với các bạn trẻ có đam mê khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp họ có được kiến thức, sự hiểu biết và các mối quan hệ cần thiết để trở thành các nhà quản trị, điều hành doanh nghiệp của mình hoạt động hiệu quả...”, anh Cao Hồng Hưng chia sẻ.

Anh Nguyễn Ảnh Nhượng Tống (giữa) và anh Lê Hải Bình chia sẻ với bạn trẻ tại tọa đàm. Ảnh: Lê Thanh

Anh Lê Hải Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mắt Bão, cho biết: “Kinh tế số là bước phát triển tất yếu, phù hợp với xu thế mới, mang lại hiệu quả và giá trị lợi nhuận cao trong khi nền kinh tế truyền thống đang dần bão hòa. Tuy nhiên, kinh tế số hóa của Việt Nam hiện mới chỉ tập trung vào khía cạnh liên lạc, giải trí và thông tin. Với một quốc gia có đến 53% dân số sử dụng internet và gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone, thị trường TMĐT ở Việt Nam được dự đoán rất tiềm năng và sẽ bùng nổ trong thời gian tới đang chờ những người trẻ”.

Khó khăn bước đầu khi khởi nghiệp về TMĐT là gì? Và làm sao để có nguồn vốn để khởi nghiệp? Nguyễn Thành Đạt, sinh viên năm 3, Trường ĐH Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đặt câu hỏi.

Theo anh Lê Hải Bình, những bạn trẻ mới khởi nghiệp thường hay hỏi về cách tìm nguồn vốn ở đâu? Làm sao để có tiền khởi nghiệp? “Thông thường nguồn vốn khởi nghiệp bước đầu các bạn xoay được do tích lũy từ bản thân, vận động vay mượn người thân trong gia đình nhưng các bạn quên nghĩ đến một điều rất quan trọng là làm sao để có dòng tiền xoay được trong thời gian 1, 2 năm khởi nghiệp để tránh “chết yểu”, làm sao có tiền để cầm cự, duy trì công ty trong thời gian đầu khi chưa có lợi nhuận mà phải chi ra rất nhiều thứ. Nếu các bạn không có phương án, kế hoạch cho những tình huống này thì dự án khởi nghiệp của các bạn sẽ bị phá sản khi mới đi nửa chặng đường. Khi khởi nghiệp các bạn phải có cái nhìn đa chiều”, anh Bình khuyên.

Anh Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Yeah1, bổ sung thêm: “Có nhiều bạn nói ý tưởng của em hay lắm nhưng mới áp dụng vào mô hình khởi nghiệp được 3 tháng đã chết yểu. Chính vì vậy các bạn phải ráng kéo dài sự sống cho công ty của mình, bởi sống dài là có khả năng sống sót, còn sống ngắn coi như chết chắc rồi, mà không sống thì làm sao nuôi dưỡng và phát triển được dự án khởi nghiệp của mình?”.

Vậy làm sao kéo dài được sự sống cho dự án khởi nghiệp? Anh Tống chia sẻ: “Phải có kỹ năng, chuyên môn và quyết tâm cao. Con đường khởi nghiệp nó khốc liệt lắm, nhưng chúng ta phải có tinh thần quyết liệt. Khi quyết định khởi nghiệp các bạn phải cân nhắc thật kỹ và phải hết sức tỉnh táo. Luôn hun đúc tinh thần và nghĩ rằng chúng ta sẽ thành công ở phía trước, phát huy tối đa năng lực của bản thân và tìm cách vượt qua những khó khăn trước mắt”.

Anh Tống nói về cách vượt qua những khó khăn khi mình gặp phải: “Khởi nghiệp mà để mất tiền và thất bại thì dễ bị người ta sẽ nói mình ngu nên tôi phải quyết tâm để không bị người ta nói mình ngu vì khởi nghiệp thất bại”.

Chị Quách Yên Phượng (ngụ tại P.Bình Khánh, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) hỏi: tôi có một dự án trồng cây dược liệu trên núi vậy làm sao để áp dụng khởi nghiệp trong lĩnh vực TMĐT vào dự án này?

Anh Bình trả lời: “Chị cứ nghĩ TMĐT nó rất gần gũi, đời thường chứ đừng nghĩ gì xa xôi quá. Thương mại là bán hàng, còn TMĐT là mình sẽ sử dụng công nghệ thông tin bằng các ứng dụng như: Zalo, Facebook trên internet để bán hàng, tìm đối tác mua hàng hóa của mình. Tư duy đơn giản như thế nhưng trong qua trình kết nối với khách hàng mình sẽ nãy ra những ý tưởng hay là làm sao để bán được hàng hóa một cách hiệu quả nhất”.

Lê Thanh (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.