Cập nhật 14/05/2015 11:32 AM
Gác lại tấm bằng kỹ sư, Hải rời Hà Nội lên Vĩnh Phúc...chăn gà, nuôi lợn và trở thành ông chủ trang trại với doanh thu 40 triệu đồng/tháng.

Bước đường lập nghiệp

Mạc Tuấn Hải (sinh năm 1987) sinh ra trong một khu tập thể nghèo nằm ở ngoại thành Hà Nội, bố bị bệnh tâm thần, mất sớm, mẹ khi đó đang là công nhân của Công ty Dược phẩm Thiết bị Y tế TW 1. Một mình mẹ tần tảo nuôi hai anh em ăn học, hơn ai hết anh thấu hiểu nỗi vất vả của người lao động thực sự.

Chàng sinh viên Hà thành, khi học phổ thông mình rất thích các loại động cơ 4 bánh, thậm chí thuộc làu công suất, tính năng của từng loại xe nên Hải nỗ lực thi đỗ vào Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, ngành sữa chữa ô tô. Nhưng trong quá trình học tập tại trường, Hải rất ít khi được trông thấy, được “sờ” vào những chiếc ô tô. “Khi sở thích không có thực tế thì dần thui chột và đam mê trở nên mờ nhạt”, Hải nói.

Đổi lại, khi đó anh tham gia nhiều phong trào hiến máu nhân đạo, đi tình nguyện ở nhiều nơi, có dịp gặp gỡ nhiều tấm gương làm trang trại thành công. Cứ như vậy, những chuyến đi dần làm thay đổi sở thích trước đó, Hải bắt đầu nuôi dưỡng niềm đam mê muốn làm gì khác lạ để thay đổi cuộc sống hiện tại, muốn kiếm được nhiều tiền để thay đổi hoàn cảnh gia đình.

Như một cơ duyên, khi mới ra trường, Hải làm trong một công ty chuyên nghiên cứu thị trường. Thời gian này, Hải đối diện với nhiều người nông dân, thậm chí chỉ học lớp 4, nhưng họ rất thành công với mô hình chăn nuôi. Niềm đam mê thôi thúc mà muốn thử sức.

Việc gác lại tấm bằng đại học để theo đuổi đam mê đã gặp phải sự phản đối gay gắt của người thân, bạn bè. Nhưng may mắn, Hải nhận được sự ủng hộ của mẹ rằng: “100% mọi người khuyên con không nên làm nhưng nếu con quyết tâm thì mẹ ủng hộ. Dù thành công hay thất bại thì đó cũng là sự lựa chọn của con”. Đó là động lực bước đầu lớn nhất giúp Hải thực hiện ước mơ của mình.

Kể từ đó, Hải bắt đầu đi nhiều để tìm nơi dừng chân, khi tới vùng đất cằn cỗi, nghèo khó Bàn Giản, Lập Thạch, Vĩnh Phúc nhưng với sự nhiệt tình giúp đỡ cho mượn đất, tấm chân tình của người dân vùng quê nơi đây đã níu giữ chân anh.


Trang trại nuôi gà, lợn của Hải

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thấu hiểu vấn đề an toàn thực phẩm nên khi bắt tay vào làm trang trại, Hải đặt mục tiêu cung cấp thực phẩm đảm bảo chất lượng tới tay người tiêu dùng.

Hải nuôi thử nghiệm lợn rừng nhưng qua thời gian thấy nhu cầu thị trường dần giảm sút. Qua tìm hiểu, đến năm 2013, Hải bắt tay vào đầu tư mạnh dòng gà Dabaco Bắc Ninh và lợn sạch.

Nhưng thời gian đầu lại gặp đúng đại dịch H5N1 nên Hải thua lỗ tới vài trăm triệu khiến anh nhụt chí nhưng “cứ nghĩ về những người đã tin tưởng đầu tư giúp đỡ mình đã thôi thúc mình vực dậy”, Hải vui vẻ nói.


Thành quả

Để có vốn 2 tỷ đồng nuôi lợn sạch, gà, Hải phải thuyết phục bố mẹ đẻ và bố mẹ vợ vay mượn hộ để chăn nuôi. Quyết định đầu tư số tiền lớn như vậy vào thực phẩm bởi Hải nhận thấy: “Mỗi năm ngành thực phẩm chi ra khoảng 6-7 tỷ đô la để ăn uống. Chiếm tới khoảng 1/6 GDP cả nước. Đành liều đầu tư”. (Cười).

Trước đây, toàn bộ số gà, lợn được nuôi trong một trang trại thì từ năm 2014, Hải nhận ra khoảng chênh lệch giữa trang trại vệ sinh và trang trại trung tâm. Mô hình chăn nuôi này đã được Sở Nông nghiệp Tỉnh Vĩnh Phúc chọn làm mô hình trang trại vệ sinh thực phẩm an toàn. Nên anh tiến hành cung cấp giống tới hộ dân, dàn trải ở các địa điểm khác nhau. Nhưng 2 tháng cuối trước khi bán ra thị trường, Hải sẽ trực tiếp nhận nuôi, trực tiếp giết mổ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện tại, tổng số gà, lợn có tại trang trại là 2.000 con, cứ sau khoảng 2 tháng thì xuất chuồng một lần và nhập đàn khác từ hộ dân về nuôi. Cứ luân phiên như vậy để đủ cung cấp cho 15 cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh và trên các kênh bán hàng online.

Nhờ quy trình nuôi sạch sẽ, nguồn gốc rõ ràng, chất lượng luôn ổn định đồng đều nên các sản phẩm từ trang trại đang chiếm ưu thế đối với thị trường. Năm 2014, trang trại đã được cấp chứng nhận VietGap và được tham gia vào chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ của tỉnh Vĩnh Phúc.

Cậu sinh viên kỹ sư ngày nào nay đã trở thành ông chủ của một trang trại lớn. Doanh thu trung bình mỗi tháng đạt hơn 600 triệu đồng, khoảng 7 tỷ đồng/năm nhưng tính chi phí đầu tư từ thức ăn, giết mổ, đóng gói cùng phí vận chuyển, phí chi trả nhân viên, lợi nhuận mỗi tháng đạt 35- 40 triệu đồng/ tháng.

Thùy Linh (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.