Cập nhật 13/04/2016 1:36 PM
Bạn có thể gọi mình là nhà sáng lập hay bất cứ một chức danh nào khác, bạn cũng có thể muốn người khác công nhận và gọi bạn với một chức danh đầy quyền lực như CEO. Thế nhưng, trong một số tình huống nhất định, việc tự xưng là CEO sẽ mang đến cho bạn những điều không hay.
Leonard Kim chuyên viết về đề tài xây dựng chiến lược thương hiệu cho Inc., Forbes, Fortune, Entrepreneur, Huffington Post… Ông là Managing Partner Công ty InfluenceTree – nơi tư vấn chiến lược xây dựng thương hiệu, tìm hiểu các đặc trưng của các kênh tiếp thị, tăng trưởng nhờ social media. Leonard Kim đã chia sẻ trên trang Techinasia về 5 tình huống startup không nên tự nhận mình là CEO.
1. Khi đàm phán với đối tác
Trong tình huống này, bạn hãy giới thiệu mình là chủ sở hữu công ty và năng lực tạo ra một sản phẩm nào đó. Đối tác có thể ngã giá, họ sẽ trả bao nhiêu tiền để mua một số lượng sản phẩm nhất định.
Nếu là một CEO, bạn phải nắm tất cả mọi thông tin về công ty và có toàn quyền quyết định. Do đó, bạn không thể nói rằng bạn cần bàn bạc lại với giám đốc tài chính (CFO) hay không thể quyết định về ngân sách của công ty. Bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả lời đồng ý hay không về mối làm ăn này, nếu không, bạn có thể đánh mất hình ảnh, uy tín của một nhà lãnh đạo công ty.
Khi tự xưng là CEO, nếu thể hiện không khéo léo, thiếu quyết đoán trong công việc, bạn trông có vẻ thiếu năng lực và mang đến sự hoài nghi cho đối tác. Vì thế, khi bạn tự đặt mình vào vị thế CEO, nắm toàn bộ quyền lực tại công ty, thật ra bạn vừa đánh mất quyền lực quan trọng: quyền đàm phán.
Ngược lại, nếu không là CEO, bạn có quyền được hoài nghi về năng lực của chính công ty mình. Bạn có thể nói với đối tác rằng bạn cần kiểm tra lại tình hình công ty, rời khỏi phòng đàm phán để gọi điện thoại, nhận được sự tư vấn, và quay lại bàn đàm phán, đưa ra những ý kiến của người nắm thế chủ động.
Mở rộng ra, tình huống này có thể áp dụng khi bạn đang đàm phán lương với một ứng viên cho vị trí quan trọng, tìm một nhà thầu cho văn phòng, đàm phán với khách hàng, hay một nhà cung cấp nguyên vật liệu/giải pháp/dịch vụ…
2. Khi tham dự một sự kiện thương mại
Khi tham gia sự kiện, triển lãm thương mại, bạn sẽ gặp rất nhiều người, bao gồm: khách hàng tiềm năng, đối tác và cả đối thủ nữa. Bạn cũng muốn thể hiện mình là người đứng đầu công ty, nhưng trong một số trường hợp điều này sẽ gây tổn hại cho bạn.
Mục đích của những hội chợ, triển lãm là tạo ra sự gắn kết giữa những nhà cung cấp và khách hàng. Việc tự nhận mình là CEO sẽ khiến bạn tự tạo ra khoảng cách với những người mà bạn tiếp xúc, bởi họ nhận ra bạn đang cố thể hiện quyền lực. Hậu quả của việc này là bạn tự tách mình ra khỏi số đông thay vì kết nối với họ.
Vì thế, bạn không nên giới thiệu mình là CEO mà hãy giới thiệu về công ty và những việc bạn đang làm. Ví dụ, thay vì nói: “Xin chào, tôi là CEO của công ty XYZ”, bạn hãy giới thiệu rằng: “Xin chào, công việc của tôi là hướng dẫn mọi người xây dựng thương hiệu”.
Trong thực tế, những CEO thành công mà tôi từng gặp rất hiếm khi tự nhận mình là một CEO.
3. Khi thuê những nhân viên đầu tiên
Xây dựng doanh nghiệp là một việc làm đòi hỏi nhiều thời gian. Khi công ty mới thành lập, bạn sẽ chỉ có một vài nhân viên. Nếu tự gọi mình là CEO, bạn đã tạo ra khoảng cách với nhân viên, ảnh hưởng đến thái độ làm việc và sự cống hiến của họ với công ty. Vì thế, thay vì gọi mình là CEO, hãy nói với những nhân viên đầu tiên rằng bạn là người sáng lập công ty.
4. Khi có ít nhân viên và doanh thu thấp
Từ khi phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, một cậu bé 17 tuổi cũng có thể thử viết ứng dụng nghe nhạc. Vì thế, rất khó phân biệt ai sẽ là startup thực thụ và đâu là những người chỉ khởi nghiệp theo phong trào.
Tôi đã từng làm việc với một số công ty trong hệ sinh thái công nghệ tại Silicon Beach. Vào khoảng năm 2008, tôi thường tìm kiếm những người gọi mình là CEO – vốn tự tin và có tiềm năng trở thành Bill Gates hay Steve Jobs.
Ngày nay, mọi người đều muốn trở thành CEO. Vì thế, bây giờ ai đó giới thiệu với tôi rằng họ là CEO, tôi sẽ nói “ồ” và nhanh chóng quên đi. Bởi, những người tự xưng mình là CEO không còn sở hữu những tố chất như trước đây.
Vì thế, khi muốn giới thiệu mình là CEO, bạn hãy chuẩn bị các số liệu, bằng chứng để chứng minh sự thành công của công ty dưới sự điều hành của bạn.
5. Khi giao dịch với khách hàng
Tình huống tồi tệ nhất với cương vị một CEO là làm việc trực tiếp với khách hàng. Bất cứ khách hàng nào cũng muốn trả giá, và nếu là một CEO bạn phải ra quyết định đồng ý hay không với mức giá thấp đó.
Tuy nhiên, nếu không phải là CEO, bạn sẽ không có quyền quyết định mọi thứ. Điều này có nghĩa là bạn sẽ có thể thương lượng giá cả, giành thế chủ động hơn cho phép bạn tạo ra nhiều lợi nhuận cho công ty hơn.
Tăng Khánh (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.