Cập nhật 20/03/2014 9:31 AM
Lực lượng hải quân và không quân nước này vừa huy động 4 máy bay trực thăng Z9 và 2 tàu P46 cùng tham gia tìm kiếm.

Theo VOV, Bộ Quốc phòng Campuchia ngày 18/3 điều máy bay trực thăng và tàu tìm kiếm chiếc máy bay mất tích mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia trên vùng biển nước này.

Cụ thể, lực lượng hải quân và không quân Campuchia vừa huy động 4 máy bay trực thăng Z9 và 2 tàu P46 tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia.

Bộ Quốc phòng Campuchia cũng đã yêu cầu các lực lượng vũ trang đóng quân ở các hòn đảo thuộc vùng biển nước này hỗ trợ tìm kiếm bất kỳ vật thể khả nghi nào có thể có liên quan tới chiếc máy bay mất tích.

Bộ này cũng tuyên bố sẽ tích cực phối hợp với các nước khác trong công tác tìm kiếm, cứu hộ chiếc máy bay MH370, đồng thời sẵn sàng tạo điều kiện, hỗ trợ các đội tìm kiếm cứu nạn của Trung Quốc và Malaysia nếu họ muốn tới Campuchia để tìm kiếm hoặc điều tra thêm.

Động thái này diễn ra khi chỉ cách đây ít ngày, báo GDVN trích dẫn nguồn tin từ tờ Cambodia Daily ngày 12/3 cho biết, Campuchia không được trang bị để giúp Malaysia tìm chiếc máy bay mất tích MH370, mặc dù đường bay dự kiến của nó có thể qua Campuchia.

Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh.
Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh.

Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia ngày 12/3 nói rằng, Campuchia không tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia chỉ đơn giản vì nó không cần thiết.

"Họ không cần sự giúp đỡ của chúng tôi, và chúng tôi cũng không có khả năng để giúp đỡ họ. Họ có đủ nguồn lực", Tea Banh cho biết khi được hỏi về lực lượng 10 chiếc trực thăng Z-9 mới mua của Trung Quốc để phục vụ mục đích cứu hộ.

Vậy điều gì đã khiến Campuchia đổi ý?

Vị thế trên trường quốc tế

Sau vụ máy bay mất tích bí ẩn, ngày 16/3, chính phủ Malaysia kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ tìm kiếm chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airline chở 239 người bị mất tích dọc 2 hành lang trải dài từ Caspian Sea tới phía Nam Ấn Độ Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia - Bin Tun Hussein cho biết, khu vực được tìm kiếm máy bay đã được mở rộng đáng kể và hướng tìm kiếm đã thay đổi.

“Từ việc tập trung chủ yếu vào các vùng biển nông thì giờ đây, chúng tôi chú ý tới khu vực rộng lớn trải dài trên 11 nước, cũng như các vùng đại dương sâu, hẻo lánh. Số quốc gia tham gia tìm kiếm, cứu nạn đã tăng từ 14 lên 25, đặt ra nhiều thách thức mới cho sự phối hợp của cộng đồng quốc tế”, ông này nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cũng cho biết đã đề nghị Mỹ, Trung Quốc, Pháp cùng nhiều nước khác cung cấp thêm các dữ liệu từ vệ tinh.

Trước lời kêu gọi của chính phủ Malaysia, cộng đồng quốc tế trong và ngoài khu vực đã nhiệt tình tham gia tìm kiếm. Có thể vì điều này Campuchia không thể đứng ngoài cuộc nên đã cử tàu, trực thăng tìm máy bay Malaysia. Hay nói cách khác, Campuchia đang nỗ lực thể hiện vị thế trên trường quốc tế.

Nếu đặc trong chuỗi động thái ghi dấu ấn của Campuchia trên trường quốc tế thì điều này rất dễ giải thích. Mới đây, ngày 6/3, đặc phái viên Liên hợp quốc về tình hình nhân quyền tại Campuchia Surya P. Subedi đã hoan nghênh thỏa thuận 5 điểm vừa đạt được giữa 2 đảng phái chính trị chính của Campuchia nhằm khởi động tiến trình cải cách bầu cử tại quốc gia này hướng tới một tiến trình minh bạch, đảm bảo quyền tự do bày tỏ và tụ tập lớn hơn.

Trước đó, ngày 6/2, giới chức cấp cao Campuchia cho biết nước này sẽ điều các binh sỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Mali vào ngày 9/2.

Ông Prak Sokhonn trao hộ chiếu cho các binh sỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Phnom Penh
Ông Prak Sokhonn trao hộ chiếu cho các binh sỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Phnom Penh

Không chỉ vậy, ngày 3/12/2013, về vấn đề ADIZ tại biển Hoa Đông, Thủ tướng Campuchia Hun Sen lên tiếng kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản kiềm chế và cảnh báo "các hậu quả nghiêm trọng và khó lường" nếu hai bên có hành động khiêu khích.

Ẩn ý khác

Ngoài việc nỗ lực thể hiện vị thế trên trường quốc tế, liệu Campuchia còn có ẩn ý sâu xa hơn?

Nhiều nhà quan sát đã cho rằng, dụng tâm chủ yếu của Bắc Kinh là tranh thủ cơ hội này để phô trương sức mạnh, ra oai với các nước láng giềng. Và chưa biết chừng, Bắc Kinh còn có thể đi xa hơn.

Tờ báo trên mạng Quartz trong một bài nhận định có tên "Trung Quốc cố thử vai trò mới qua vụ máy bay mất tích - Cảnh sát châu Á" mới đây đã cho rằng, vụ chiếc máy bay chở nhiều người Trung Quốc bị mất tích là “một cơ hội để Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy chiến lược có từ một thập kỷ nay: mở rộng sự can dự cả về quân sự lẫn ngoại giao vào vùng Đông Nam Á, vùng ảnh hưởng truyền thống của Mỹ”.

Và như tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc trước đó, hòa bình trong khu vực chỉ có thể được “duy trì nhờ sức mạnh”, một phần của sức mạnh, có vẻ như có liên quan đến sự phản ứng tích cực, đầy trách nhiệm và sốt sắng của Trung Quốc khi xảy ra thảm họa.

Mai Thùy (Báo Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.