Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam diễn biến khá ổn định trong khi đó đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia, Lào, Malaysia tăng đột biến và khá cao nếu so với tổng quy mô nền kinh tế.

Ảnh: Genstler

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách trong ngày 22/7/2019 đã tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu "Một số nhận định về vốn đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam", trong đó nhiều nhận định về đầu tư Trung Quốc ra thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã được công bố.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, quá trình đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài bắt đầu từ năm 2010.

So với nhiều nền kinh tế lớn khác, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc được khởi động khá chậm, cho đến nay mới được hơn 9 năm.

Lý do Trung Quốc không đầu tư FDI nhiều ra ngoài trong thời gian trước là bởi Trung Quốc còn đang trong giai đoạn đang phát triển, cần nhiều vốn từ Mỹ và châu Âu. Từ năm 2010, Trung Quốc bắt đầu quá trình “xuất khẩu vốn” ra nước ngoài.

Theo các số liệu thống kê, đầu tư của Trung Quốc từ năm 2010 đến nay tăng dần đều qua các năm và đạt đỉnh vào năm 2016. Trong đó, tỷ lệ đầu tư vào châu Á chiếm tỷ trọng khá cao, từ 65,2% cho đến 74,4%.

Còn tính riêng trong khu vực châu Á, tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam tính trong tương quan tổng đầu tư Trung Quốc ra nước ngoài rất khiêm tốn.

Đầu tư của Trung Quốc được rót mạnh vào Hồng Kông. Tỷ trọng đầu tư vào Hồng Kông tăng khá tương ứng với mức đầu tư tăng dần trong khi đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tính trong tổng đầu tư không có nhiều thay đổi dù đầu tư Trung Quốc ra nước ngoài nói chung tăng ấn tượng từ năm 2010 đến năm 2016.

Tính riêng đầu tư Trung Quốc vào nhóm 10 nước thuộc ASEAN, tỷ trọng đầu tư vào ASEAN tính trong tương quan tổng đầu tư ra nước ngoài nói chung tăng khá cao.

Vào năm 2010, khoảng 18,8% đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc được dành cho ASEAN thế nhưng đến năm 2017, tỷ lệ này đạt 21,4%, tức là tương đương cứ 5 đồng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc thì có 1 đồng dành cho ASEAN.

Trong khu vực Đông Nam Á, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam diễn biến khá ổn định trong khi đó đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia, Lào, Malaysia tăng đột biến và khá cao nếu so với tổng quy mô nền kinh tế.

Xét đến vốn FDI vào khu vực Đông Nam Á, sau khoảng thời gian khiêm tốn khi mà đầu tư Trung Quốc chiếm 5,9% tổng đầu tư vào Đông Nam Á, rất thấp so với tỷ trọng 12% của Nhật, qua nhiều biến động thì đến năm 2016, xu thế mới bắt đầu nổi lên.

Nhật không còn giữ vị thế chủ chốt trong đầu tư vào ASEAN, Trung Quốc vươn lên vị thế nhà đầu tư hàng đầu vào Đông Nam Á với tỷ trọng đầu tư đạt lần lượt 16,3% và 14,1% trong khi con số này với nhà đầu tư Nhật ở mức 11,2% và 9,9%.

Trung Mến (BL)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.