Trở lại nắm quyền điều hành Sohafood, Tổng giám đốc Nguyễn Tấn Thanh vạch ra lộ trình trả nợ cho dân trong 6 tháng và đa dạng hóa sản phẩm, nâng thêm công suất nhà máy.

Trò chuyện cùng VnExpress, ông Nguyễn Tấn Thanh - người vừa tiếp nhận quyền điều hành Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood) từ tay bà Trần Ngọc Sương (bà Ba Sương) - cho biết Thủy sản Sông Hậu có thương hiệu trên thị trường quốc tế nên cần thiết phải khôi phục sản xuất càng sớm càng tốt. Ngoài việc có được kim ngạch xuất khẩu trên 20 triệu USD một năm, Sohafood đóng vai trò quan trọng đối với người dân TP Cần Thơ bởi tạo ra công ăn việc làm cho gần 1.000 lao động tại chỗ cho con em ở Nông trường Sông Hậu (nay là Công ty nông nghiệp Sông Hậu).

Ông Thanh đưa ra lộ trình trả nợ cho dân từ 3-6 tháng sẽ dứt điểm. Ảnh: Duy Khang

Theo ông Thanh, thời gian gần đây công ty gặp khó khăn do mâu thuẫn giữa vợ chồng nguyên Chủ tịch HĐQT Trần Thanh Long ngày càng căng thẳng. Cụ thể là người vợ (bà Trần Ngọc Nhanh, em bà Ba Sương) làm chủ vùng nuôi gắn kết nhiều năm đã ngưng bán cá cho Sohafood, buộc công ty phải mua cá của dân với giá cao hơn thị trường (vì trả chậm) để có nguyên liệu sản xuất, duy trì việc làm cho công nhân.

Giải thích về lỗ lũy kế lên tới 70 tỷ đồng, lãnh đạo Sohafood cho biết lúc bà Ba Sương thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT vào tháng 4/2008, công ty tồn kho hàng nghìn tấn cá tra thành phẩm. Cuối năm 2010, Sohafood tưởng chừng như phá sản vì không sao giải quyết được lượng hàng tồn này. Chủ tịch HĐQT lúc này lại xuất thân từ ngành nghề chế biến gạo xuất khẩu nên ông Long mời đối tác có uy tính trong ngành thủy sản là ông Thanh về Sohafood làm trợ lý giám đốc, sắp xếp lại bộ máy nhân sự.

Được HĐQT tin tưởng giao việc trở lại sau 3 tháng bị tạm đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc, ông Thanh cam kết dùng vốn cá nhân và nhờ bạn bè thân tính hỗ trợ để mua cá đưa vào nhà máy sản xuất. Khi Sohafood có doanh số trở lại, ông Thanh lập thủ tục vay vốn ngân hàng để trả nợ người nuôi cá, tiền bao bì, hóa chất… mỗi tuần từ 3-5 tỷ đồng và sẽ trả dứt điểm trong 3-6 tháng.

Theo kế hoạch, Sohasood sẽ nâng công suất lên 70 tấn một ngày và tập trung sản xuất cá rô phi vào năm 2015. Ảnh: Duy Khang

Với lộ trình này, Tổng giám đốc Sohafood dự kiến nâng công suất nhà máy lên 70 tấn một ngày vào giữa năm 2014. Khi đó, ngoài cá tra xuất khẩu, Sohafood chế biến thêm nhiều mặt hàng thủy sản từ cá biển, bong bóng, bao tử cá.

"Vùng nuôi ven sông Hậu cạn, phù hợp với con cá rô phi. Giữa năm sau Sohafood nuôi loài cá này, đồng vốn xoay nhanh hơn, rút ngắn được một nửa so với cá tra vì cá rô phi nuôi chỉ 3,5 tháng thu hoạch. Về tỷ trọng sản xuất, năm 2014 cá tra chiếm 70% nhưng sang 2015 cá rô phi 70% và cá tra chỉ còn 30%", ông Thanh tiết lộ kế hoạch để giữ vững kim ngạch xuất khẩu đạt 2-2,5 triệu USD mỗi tháng.

Duy Khang (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.