Trước thềm năm mới Nhâm Thìn, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ nhận định về năm 2011 và cho rằng năm tới nên là năm nền kinh tế VN chuyển mình theo mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế.
Rồng sẽ chuyển mình
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan.

Ông nói:

Năm 2011 có thể nói là một năm khó đơn khó kép. Bên trong đã vậy, thế giới bên ngoài cũng khó với nhiều biến động. Đó là chưa kể những rối ren về chính trị, ví dụ ở Trung Cận Đông, Bắc Phi... Những khuyết tật của nền kinh tế tích tụ nhiều năm càng bộc lộ nên phải tái cấu trúc.

Năm của hành động

“Cái khó chủ yếu do nội tại của chúng ta, nên không thể chờ đợi gì ngoài việc tự thay đổi” - Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan

Theo ông, có nên thừa nhận chúng ta đã theo một mô hình tăng trưởng chưa rõ và giờ cần từ bỏ để tái cơ cấu thành công?

Cái này ví như ngôi nhà đã xộc xệch từ lâu nay ta cần phải căn chỉnh lại. Nền kinh tế nước ta cũng vậy. Ngôi nhà ấy đã phát huy tác dụng, che chắn cho ta, ở trong đó ta cũng đã ăn nên làm ra một thời gian, nhưng rồi nảy sinh những chỗ rạn nứt, cần tu sửa. Khoảng cách giàu nghèo đã giãn ra, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng làm cho sự phát triển không bền vững... Bên cạnh đó kinh tế nước ta tùy thuộc vào bên ngoài đáng kể, chưa đứng vững trên đôi chân của mình. Nay ta phải chỉnh sửa lại những khuyết tật ấy để sự phát triển hiệu quả hơn, bền vững hơn, đưa nền kinh tế nước ta lên bậc thang mới của sự phát triển.

Năm 2011 Chính phủ đã nhận ra và thông qua chủ trương tái cơ cấu, đã giao Bộ Tài chính lo làm đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Bộ Kế hoạch - đầu tư lo tái cơ cấu đầu tư công, Ngân hàng Nhà nước lo tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng. Năm 2011 mới là năm xây dựng ý tưởng, thiết kế, hi vọng việc khởi động sẽ bắt đầu vào năm 2012. Có thể nói năm tới sẽ là năm của hành động, của hi vọng. Với cách giao cho từng bộ như vậy là phù hợp, mỗi ông bộ trưởng phải chịu trách nhiệm. Chứ nói “toàn hệ thống chính trị vào cuộc” cũng đúng, song không có người chịu trách nhiệm cá nhân thì có thể xảy ra tình trạng chẳng ai vào cuộc cả.

Theo ông, để sự chuyển mình, tái cơ cấu thành công cần nhất điều gì và phải đoạn tuyệt với cái gì?

Tái cơ cấu là một quá trình lâu dài, khó khăn, chật vật, thậm chí đau đớn nên tôi cho rằng quyết tâm chính trị là quan trọng nhất. Không quyết tâm thì dễ “vỡ trận”. Kinh nghiệm cho thấy ở cấp cao nhất xác định đường lối đã khó khăn, phải tranh luận mãi mới thống nhất được. Khi bắt tay vào nếu thiếu chính sách cụ thể và nhất quán, nó dễ teo đi, thậm chí bị “bẻ ghi” sang hướng khác. Đến khâu đề ra biện pháp cụ thể có thể còn hẻo thêm, ở khâu thực hiện thì nhiều khi “đánh trống bỏ dùi”. Phải khắc phục cho được “bệnh” đó để tránh.

Nay đã là kinh tế thị trường, nên cần nhận thức không phải mọi chuyện do Nhà nước làm mà chủ yếu là do người dân, doanh nghiệp thực hiện. Nên cứ ra mệnh lệnh không thôi là không nên mà quan trọng nhất, theo tôi, cần đưa ra được các biện pháp kinh tế như thuế, lãi suất, tiền phạt… để người dân, doanh nghiệp liệu đường làm ăn. Nhiều chủ trương, đề án vẫn rất thiếu vắng chuyện này.

Chống đầu tư dàn trải thôi đã rất khó, tỉnh nào cũng muốn có cảng, sân bay...?

Ở ta vẫn còn cơ chế xin - cho nên mới sinh ra những hiện tượng ấy. Kinh tế thị trường phải để cầu quyết, nhưng ta cứ làm cảng, làm sân bay mà chẳng tính gì đến nhu cầu… là không đúng.

Chúng ta lẫn lộn địa giới hành chính với địa giới kinh tế, đưa ra các chỉ số khiến các tỉnh đều phải chạy theo. Cơ chế này cần được thay đổi. Tỉnh nào cũng có chỉ số GDP, tỉnh nào cũng gồng mình xây khu công nghiệp, tỉnh nào cũng muốn có cảng, sân bay, trường đại học… sẽ rất nguy hiểm, dễ khiến các địa phương chạy đua thành 63 nền kinh tế, đôi khi phủ định nhau. Ta phải thay đổi từ tư duy trước. Tỉnh nào cũng phát triển công nghiệp là không nên. Tỉnh chỉ có thế mạnh về nông nghiệp hay du lịch mà cứ gồng mình làm công nghiệp thì đâu có đúng! Như Thụy Sĩ, họ tập trung cho dịch vụ ngân hàng, du lịch chất lượng siêu cao, còn công nghiệp chỉ đi vào công nghệ tinh xảo nhưng có ai bảo Thụy Sĩ không phải là nước công nghiệp?

Theo ông, cần làm gì để tránh nhắc lại cụm từ “phải tái cơ cấu” sau vài năm nữa?

Đã có một số chỉ tiêu, như đã nêu rõ hơn các chỉ tiêu năng suất, chỉnh sửa lại cơ cấu ngân sách, tín dụng… Tuy nhiên theo thiển ý của tôi, làm kinh tế bây giờ không nên ra các chỉ tiêu cứng kiểu thời kế hoạch hóa tập trung, vì kinh tế trong nước và thế giới biến động không ngừng và vô cùng phức tạp, làm sao đoán trước hết được. Nêu ra rồi cứ phải chỉnh đi chỉnh lại thì để làm gì? Cũng cần xóa bỏ cách tính GDP theo tỉnh bởi không thực chất. Sản xuất con tôm ở tỉnh A nhưng vận chuyển, chế biến và xuất khẩu ở các tỉnh khác nên con tôm đó có thể 4-5 tỉnh tính vào GDP của mình. Cơ chế phân cấp, phân quyền cho địa phương cũng phải sửa lại, trong đó chính quyền các cấp chỉ tập trung xây dựng thể chế, môi trường kinh doanh, quản lý xã hội và làm số ít công trình thiết yếu quốc kế dân sinh… Còn sản xuất kinh doanh nên để cho doanh nghiệp làm là chính.

Sợ mẫu người giữ ghế

Theo ông, thách thức lớn nhất của VN thời gian tới sẽ là gì?

Là không bắt kịp thế giới. Ngay cả khi ta thay đổi tốt thì thế giới có thể họ đã đi xa lắm rồi. Cái ta hướng đến có khi thế giới đã không làm nữa và ta dễ lâm vào tình trạng luôn luôn phải… ngửi bụi. Do đó trong quá trình tái cơ cấu, nhất là cơ cấu sản xuất, ta cần theo sát diễn biến xu hướng thế giới để tránh bị trật đường ray.

Theo ông, trong điều hành kinh tế có cần những người “hay cãi”, dám tranh luận với cấp trên, dám từ chối những nhiệm vụ không đúng, không vì cái chung?

Trong công việc lúc nào cũng cần những người hay cãi và biết cãi, nói cho đúng là cần phản biện. Nếu chỉ nghe ý kiến một chiều theo kiểu “thủ trưởng lúc nào cũng đúng” thì rất dễ bị mê muội. Những ý kiến phản biện tốt có thể khiến ta giật mình. Tôi rất ủng hộ những người hay cãi và giờ cũng thấy vui vì những người từng hay cãi trước đây cộng tác với mình đã thành công trong công việc.

Thưa ông, tái cơ cấu nền kinh tế hay việc gì cũng phải khởi đầu từ con người. Từng là lãnh đạo, ông sợ nhất mẫu cấp dưới nào?

Tôi sợ nhất mẫu người giữ ghế và tranh ghế. Những người như vậy thường co mình, chỉ vì cái ghế của họ, chẳng đóng góp gì cho xã hội hoặc chỉ tìm mọi cách luồn lách, gièm pha người khác để ngoi lên. Tôi cũng rất mong các cấp lãnh đạo khuyến khích cấp dưới cãi để cùng tìm tòi những cái đúng nhất cho xã hội. Cứ gọi dạ bảo vâng thì rất chán, cả xã hội dễ trì trệ.

Tôi vẫn tâm niệm không nên biết cách lên chức, nhưng cần biết cách rời ghế. Biết lên là luồn lách. Còn biết khi nào nên xuống là những người đáng quý, đáng trọng.

Cuối cùng, tôi vẫn cho rằng vấn đề quan trọng bậc nhất của VN những năm tới là có tái cơ cấu thành công nền kinh tế hay không. Để nhận thức cần thay đổi đã khó, có khi mất 5-10 năm. Nay chúng ta đã đưa được vào nghị quyết hội nghị trung ương thì tôi hi vọng nền kinh tế VN sẽ chuyển mình, bắt đầu tái cơ cấu. Có thành con rồng, con hổ hay không chưa biết nhưng tôi tin chỉ có thay đổi, tái cơ cấu thành công thì chúng ta mới có thể tiếp tục phát triển, đi lên bền vững được.
Theo Cẩm Văn Kình (Tuổi trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.