Cập nhật 10/03/2012 1:13 AM
Rất ít tên tuổi trong top người giàu Việt Nam đi lên từ công nghệ trong khi hầu hết tỷ phú giàu nhất thế giới đều đến từ lĩnh vực này.
Người giàu Việt Nam chủ yếu ở bất động sản, ngân hàng
Ông Vũ Khoan cho rằng thiếu vốn là đặc điểm chung của mọi doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Lan.

Giáo sư Nguyễn Mại đã đưa ra quan điểm trên tại buổi Hội thảo quốc gia về Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO. Đến nay, cạnh tranh bằng phát triển công nghệ vẫn là một trong những điểm khó khăn của các công ty trong nước khi làm ăn với nước ngoài.

Ông Lương Văn Tự - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại - nhận xét, tỷ lệ đầu tư vào khoa học công nghệ vẫn thấp và Việt Nam đang nhập quá nhiều công nghệ lạc hậu. “Nếu không thay đổi, chúng ta có thể bị lạc hậu một chu kỳ công nghệ và thụt lùi trở lại khoảng 10, 15 thậm chí 25 năm”, ông Lương Văn Tự so sánh.

Tại buổi hội thảo, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan thừa nhận rất khó đánh giá năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp khi Việt Nam vẫn chưa có một tiêu chí thống nhất. Tuy nhiên, để đơn giản hóa, ông gói gọn bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh theo 6 chữ T: Tiền (Vốn), Tài (Năng lực quản trị và đội ngũ lao động), Tin (Thông tin đầu ra, đầu vào), Tình (sự liên kết lẫn nhau), Tín (Sự tín nhiệm trong làm ăn) và Tech (Đầu tư phát triển công nghệ).

Trong đó, ông cho rằng vốn là vấn đề nan giải của mọi doanh nghiệp. “Đặc điểm chung của doanh nghiệp Việt Nam là không có tiền, 80-90% là đi vay”, nguyên phó thủ tướng nhận xét. Khi xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp trong nước còn thấp như hiện nay, việc huy động vốn từ quốc tế là vô cùng khó khăn. Khả năng huy động vốn từ ngân hàng hay dân chúng lại phụ thuộc rất nhiều vào chính sách tiền tệ. Ngoài ra, nếu cạnh tranh về năng lực quản trị và đội ngũ lao động, nguyên Phó Thủ tướng cho rằng không nên lấy đặc điểm chi phí nhân công rẻ để cạnh tranh mà nên đề cao vấn đề chất lượng.

Việt Nam đã chính thức là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ 11/1/2007. Sau 5 năm, hầu hết các chuyên gia đều nhất trí vấn đề cấp bách là đồng bộ thể chế luật pháp có liên quan đến doanh nghiệp. Theo Giáo sư Nguyễn Mại, ông đã cùng VCCI rà soát và thấy hiện có 16 Luật, từ Luật Doanh nghiệp đến Luật đất đai, Luật đấu thầu, Luật cạnh tranh… đều phải sửa đổi cho phù hợp. Ông đề xuất: “ Chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội có phiên họp riêng để đại diện cộng đồng các doanh nghiệp trình kiến nghị sửa 16 luật trên”.

Đồng tình với quan điểm này, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cũng thừa nhận: “Không có môi trường cạnh tranh thì không thể nâng cao được năng lực cạnh tranh. Cơ chế pháp luật nếu không cải tiến, doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh được”.

Về vấn đề hành lang pháp lý, ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, người đứng đầu đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO cũng thấy rằng, luật thì thoáng nhưng các văn bản, nghị định dưới luật hiện đang có vấn đề và gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, một khó khăn theo ông là các doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm và hiểu pháp luật, ở cả trong và ngoài nước. “Đây là cuộc chơi của thế giới. Khi hội nhập mà không hiểu luật chơi thì rất nguy hiểm”, ông Tự nói.

Người giàu Việt Nam chủ yếu ở bất động sản, ngân hàng
Nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm. Ảnh: Thanh Lan.

Trong khi đó, đứng từ góc độ của doanh nghiệp, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm cho rằng, để cạnh tranh cần giảm chi phí cho doanh nghiệp, một trong số đó là loại bỏ những chi phí hành chính, quan liêu. “Doanh nghiệp đang thiếu điều kiện để cạnh tranh, họ thiếu chi phí cho đầu tư, phát triển marketting. Họ mất rất nhiều thời cơ kinh doanh do thủ tục phiền hà. Trong làm ăn, thời cơ là yếu tố đóng vai trò rất quan trọng”, ông Cao Sỹ Kiêm – người hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết.

Để doanh nghiệp Việt Nam hoạt động có hiệu quả ở nước ngoài, theo ông Nguyễn Mại, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Một trong những biện pháp theo nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương là lập các quỹ như quỹ xúc tiến thương mại, đầu tư có sự tham gia của nhà nước và của doanh nghiệp để chi các khoản, kể cả lobby nếu cần thiết. Sau 5 năm gia nhập WTO, ông vẫn cho rằng: “Doanh nghiệp Việt Nam không thể tự lực thay đổi năng lực cạnh tranh được. Đây là vấn đề của quốc gia, của Nhà nước. Hai bên cần cùng đưa giải pháp đồng bộ”.

Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….