Cập nhật 29/06/2015 10:09 AM
Tại Hà Nội, Uber đang liên tục tổ chức nhiều hội nghị dành cho lái xe mới. Tuyển dụng rầm rộ, khiến Uber “quên” cả những quy định mà chính hãng này đặt ra.

Một buổi hội thảo tuyển tài xế của Uber.

Bao luật cho đến khi đủ giấy tờ

Theo lời hẹn của phía Uber, chúng tôi có mặt tại một căn nhà ở phố Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội. Đây là một trong những cơ sở của Uber tại Hà Nội. Thời điểm chúng tôi có mặt đã có 6 chiếc ô tô đỗ thành 2 hàng trong sân, do không đủ chỗ đỗ, một số phải đỗ bên ngoài. Không hề có biển báo hay bất cứ dấu hiệu gì của hãng công nghệ này. Đúng 9 giờ sáng, buổi hội thảo diễn ra với phần thuyết trình của các nhân viên Uber. Một tương lai sáng được các nhân viên Uber vẽ lên cho các lái xe.

Theo đó, nếu làm tài xế cho dòng xe UberX (xe giá từ 800 triệu trở xuống) được đảm bảo mức thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng; dòng xe UberBlack (xe có giá trên 800 triệu đồng) thu nhập vào khoảng 50 triệu đồng/tháng. Doanh thu của tài xế sẽ được thanh toán theo tuần, tiền chuyển thẳng vào tài khoản của người lái, không có bất cứ giao dịch nào về tiền mặt. Để thu hút nhiều tài xế tham gia, hiện nay Uber còn áp dụng hình thức thưởng tiền cho tài xế sau mỗi chuyến đi, 30- 100 ngàn đồng tùy theo loại xe và quãng đường di chuyển.

Một điểm mà lái xe rất quan tâm đó là các thủ tục pháp lý để trở thành lái xe Uber. Theo một nhân viên của Uber tên Tùng thì lái xe có thể tự đăng ký kinh doanh tại địa phương mình sinh sống hoặc đăng ký lái xe tại các hợp tác xã (HTX) vận tải. Nhân viên này khuyến khích lái xe tham gia vào HTX để giảm phiền hà rắc rối, vừa nhanh gọn, chi phí thấp. Chi phí tham gia vào HTX là 4 triệu đồng, Uber sẽ lo phần hợp đồng chở khách. Điều đáng nói, chỉ cần đồng ý tham gia, Uber sẽ mở tài khoản tại chỗ cho lái xe. Họ có thể lái thử ngay để kiếm thu nhập trong lúc chờ giấy phép hoạt động.

Khi được hỏi “nếu bị phạt do chạy chưa có giấy tờ thì xử lý ra sao”, một nhân viên khác cho rằng, trường hợp này hầu như không xảy ra. Bởi xe Uber chạy không khác gì xe gia đình thông thường, trừ khi bị “cài cắm” bởi lực lượng Thanh tra giao thông. “Nếu trong thời gian chạy chưa có giấy phép, bị xử phạt, Uber sẽ hỗ trợ tiền phạt trực tiếp qua tài khoản lái xe”, nhân viên này khẳng định.

Quy định khắt khe nhưng không thực hiện

Với những lái xe được gọi là đối tác, Uber có một bản quy định khá dài về yêu cầu hồ sơ, lý lịch, đồng phục, cung cách phục vụ… của đối tác. Ví dụ như: giấy xác nhận hạnh kiểm của Công an phường hoặc Sở Tư pháp; tuyệt đối không mặc quần bò, áo phông không cổ; tiêu chuẩn tối thiểu về hành xử khác…

Thực tế, khi đăng ký làm tài xế, hầu như không ai đọc các quy định này và Uber cũng không yêu cầu đối tác đưa ra bất cứ giấy tờ nào. Anh Tiến (chủ nhân 1 chiếc Grand i10 vừa đăng ký làm đối tác) cho biết, anh sẽ không đi đăng ký bởi thủ tục lằng nhằng, tốn kém, chẳng may khi bị xử phạt lại phiền hà. Cùng ý tưởng với anh Tiến, 6 người khác cũng mở tài khoản lái xe mà vẫn chưa có đầy đủ giấy tờ.

Trong phòng họp sáng 26/6 có hơn 20 người, không phải tất cả họ đều đến để trở thành một lái xe Uber. Sau khi nghe thuyết trình, một phụ nữ tên Tú tiếp cận với nhóm lái xe để chia sẻ kinh nghiệm, chị này cho biết, chồng chị làm tài xế đã được nửa năm nay, trung bình thu nhập mỗi tuần trên dưới 10 triệu đồng. Thông tin của người đi trước luôn cuốn hút, tuy nhiên chỉ 1 lát sau, chị này lộ diện là nhân viên tín dụng của một ngân hàng. Chị Tú hứa hẹn về lãi suất “thấp nhất cho những anh em đồng nghiệp” mua xe trả góp.

Khi tôi nói khó khăn vì chi phí đăng ký thủ tục cấp phép, Chị Tú rỉ tai: “Uber chỉ yêu cầu ảnh chụp giấy tờ, vì thế nếu không muốn lằng nhằng rắc rối, chỉ cần 5 phút chỉnh sửa ảnh là có ngay các loại giấy phép”.

Khách hàng chịu thiệt?

Sự quản lý có phần lỏng lẻo của hãng công nghệ Hà Lan đã khiến nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra. Gần đây nhất, một hành khách tên Tuấn than phiền trên trang Facebook của Uber. Anh này kể lúc 0h ngày 10/6, anh và vợ sử dụng dịch vụ của Uber để về nhà. Do đã uống tại quán, nên vợ anh có dấu hiệu buồn nôn. Việc này đã khiến lái xe tỏ vẻ khó chịu và ăn nói cộc lốc. Dù vợ không nôn trên xe, nhưng sau khi về nhà anh Tuấn đã bị Uber trừ vào tài khoản 350 ngàn đồng “phí dọn dẹp” xe.

“Là khách hàng thường xuyên của Uber nhưng không thể chấp nhận được cách tính tiền vô lý của hãng xe. Nếu có bằng chứng vợ tôi nôn ra xe, tôi sẵn sàng trả tiền phạt”, anh Tuấn khẳng định. Sau khi báo chí vào cuộc phản ánh, Uber đã đưa ra giải quyết bằng cách hoàn tiền cho anh Tuấn và… khóa tài khoản của anh này.

Theo chị Nguyễn Mai Phương (Thanh Xuân, Hà Nội), dịch vụ của Uber quá kém. Không đưa ra được bằng chứng khách hàng làm bẩn ra xe, hóa đơn không rõ ràng, đã trừ tiền. Khách gửi email nhiều lần không trả lời... Cuối cùng chọn giải pháp hoàn tiền và đuổi khách. Chị Phương khẳng định, sau lần này chị sẽ đưa dịch vụ này vào “blacklist” và khuyên tất cả người nhà không dùng.

Có nhiều người lên tiếng bênh vực dịch vụ này. Anh Ngọc Thạch (Ba La, Hà Đông) cho biết, tôi cho rằng, Uber, Grabtaxi... là dịch vụ vận chuyển tốt nhất, văn minh nhất hiện nay. Khách hàng cần học hỏi cư xử văn minh nơi công cộng. Đừng vì những vụ việc nhỏ lẻ mà khiến người dân không được tiếp cận với văn minh taxi.

Khi được hỏi “nếu bị phạt do chạy xe mà chưa có giấy tờ thì xử lý ra sao”, một nhân viên khác cho rằng, trường hợp này hầu như không xảy ra. Bởi xe Uber chạy không khác gì xe gia đình thông thường, trừ khi bị “cài cắm” bởi lực lượng Thanh tra giao thông.

Trần Hoàng (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….