CafeLand - Hòa Phát và Tôn Hoa Sen là hai công ty lớn trong ngành thép. Thời gian gần đây, cổ phiếu của hai công ty này liên tục tăng giá, củng cố thêm vị trí của hai người đứng đầu hai công ty này trong danh sách những người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Ông Trần Đình Long và ông Lê Phước Vũ (bên phải).

Việc cổ phiếu liên tục tăng giá đã giúp ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG), trở thành người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Tính tới phiên giao dịch chiều ngày 10/12, cổ phiếu HPG giao dịch quanh mức 38.000 đồng/cp, vượt đỉnh gần nhất là 37.500 đồng/cp tại phiên 24/11. Đây cũng là mức giá cao lịch sử kể từ khi cổ phiếu này lên sàn hồi tháng 11/2007.

Trước đó, ông Long đã mua 24 triệu cổ phần của phó chủ tịch Doãn Gia Cường, tăng tỷ lệ sở hữu lên mức 26,08% vốn (30/11). Điều này giúp túi tiền của ông chủ tịch HPG tăng thêm gần 900 triệu USD lên mức 1,7 tỉ USD (theo tạp chí Forbes ngày 18/11).

Hiện ông Long đang sở hữu giá trị tài sản lên đến 33.000 tỉ đồng. Ông cũng là người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ xếp sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.

Riêng chín tháng đầu năm, HPG ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu đạt 65.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế lên tới 8.845 tỉ đồng, lần lượt tăng 40% và 56% so với năm 2019.

Yếu tố tăng mạnh phải kể đến thép thô khi doanh nghiệp vượt lên dẫn đầu về sản lượng sản xuất với 575.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay, tăng 19% so với tháng 8/2020 và gần gấp đôi so với cùng kỳ.

Trong năm 2020, HPG đã ký hợp đồng xuất khẩu phôi thép sang Trung Quốc với Tập đoàn CIEC Hàng Châu, với sản lượng 120.000 tấn thép tương đương với giá trị 1.000 tỉ đồng.

Khi tổ hợp Dung Quất xây dựng xong, HPG sẽ bắt đầu mở rộng sang thị trường thép cán nóng và đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm tôn mạ.

Cổ phiếu của các doanh nghiệp cùng ngành thép (ghi nhận ngày 10/12/2020).

Không chỉ cổ phiếu HPG, giá cổ phiếu HSG của đại gia Lê Phước Vũ cũng tăng vọt lên đỉnh cao. Trong phiên giao dịch chiều 10/12, giá cổ phiếu HSG dao động quanh mức 20.000 đồng/cp.

Cổ phiếu tăng giá đã đưa ông Vũ lên vị trí 61 trong danh sách những người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam (10/12).

Điều đáng lưu ý là, từ đầu năm 2020, công ty riêng của ông Vũ là Công ty TNHH Đầu tư Hoa Sen liên tục thoái vốn khỏi Tập đoàn Hoa Sen.

Cụ thể, ông Vũ vừa đăng ký bán hết 43 triệu cổ phiếu HSG, phiên giao dịch dự kiến thực hiện từ 4/12/2020 đến 4/1/2021 bằng phương thức khớp lệnh lẫn thỏa thuận nhằm mục đích giải quyết nhu cầu tài chính. Nếu thành công, công ty riêng của ông Vũ sẽ không còn nắm giữ cổ phần tại Tập đoàn Hoa Sen.

Được biết đây là lần thứ tư trong năm nay công ty riêng của ông Vũ thoái vốn tại tập đoàn. Gần nhất là cuối tháng 11, công ty này đã bán 30 triệu cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu còn 9,7%.

Ngoài khối cổ phần sở hữu gián tiếp qua công ty riêng, ông Vũ cũng chính là cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Hoa Sen với 74 triệu cổ phiếu HSG, chiếm tỷ lệ sở hữu 16,7% (ngày 10/12/2020).

Kết thúc niên độ tài chính từ 1/10/2019 - 30/9/2020, Hoa Sen đạt doanh thu 27.534 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế tăng vọt hơn 200% lên 1.151 tỉ đồng.

Không chỉ Hòa Phát và Tôn Hoa Sen, các doanh nghiệp ngành thép khác cũng tăng lên đáng kể như Thép Nam Kim (NKG), Thép Pomina (POM), Thép Tiến Lên (TLH), Thép Việt - Ý (VIS), VNSteel (TVN).

Xem thêm bài viết về: Ông Lê Phước Vũ, Ông Trần Đình Long
Tường Vy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.