Cập nhật 30/10/2012 4:10 PM
Chúng ta sẽ thấy ngạc nhiên khi quá nhiều vấn đề quan trọng đã biến mất khỏi sự quan tâm của chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.

Chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ kéo dài suốt gần 2 năm đã đi đến hồi kết trong vài ngày nữa. Hai năm đã qua bao gồm hàng trăm bài phát biểu, hàng nghìn shot quảng cáo truyền hình, hàng chục cuộc tranh luận. Chắc chắn rằng nhiều người sẽ nghĩ một chiến dịch kéo dài như vậy hẳn đã đem đến cho các cử tri cơ hội để đánh giá về ý định của các ứng viên đối với mọi vấn đề. Tuy nhiên, khi nhìn lại, chúng ta sẽ thấy ngạc nhiên khi quá nhiều vấn đề quan trọng đã biến mất khỏi sự quan tâm của họ.

Không ở đâu mà điều này thể hiện rõ ràng hơn như trong chủ đề chính sách đối ngoại. Cuộc tranh luận cuối cùng giữa Barack Obama và Mitt Romney đã tập trung vào chính sách đối ngoại. Nhưng cho đến tận cuộc tranh luận đó thì chủ đề vẫn bó hẹp và nhiều vấn đề quan trọng không được đề cập đến. Dưới đây là một vài chủ đề quan trọng đã bị bỏ qua.

Khủng hoảng nợ công châu Âu

Không một quốc gia nào đầu tư nhiều hơn và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu như nước Mỹ. Các quyết định kinh tế ở mọi nơi trên khắp thế giới đều có tác động trực tiếp đến an ninh kinh tế của các hộ gia đình Mỹ. Và một trong những nguy cơ lớn nhất hiện nay đó là tình hình bấp bênh ở Hi Lạp, Tây Ban Nha và các thành viên khác của Liên minh châu Âu. Vậy mà số phận của các quốc gia này và những phản ứng cần thiết của nước Mỹ đối với cuộc khủng hoảng đó lại không hề được hai ứng cử viên nhắc tới lấy một lời trong cuộc tranh luận cuối cùng cũng như trong các bài diễn thuyết và phỏng vấn. Chiến dịch tranh cử lần này dường như nhắm mắt làm ngơ vấn đề châu Âu.

Biến đổi khí hậu

Đây là thách thức lớn nhất mà tất cả các quốc gia trên thế giới phải cùng đối mặt. Các bằng chứng khoa học cho thấy trái đất đang ngày càng nóng lên và sự nóng lên này bắt đầu ảnh hưởng đến thời tiết, mực nước, mùa màng cũng như những nhân tố quan yếu khác đối với sự tồn tại của loài người. Đó không phải giản đơn là vấn dề của Mỹ, đó là vấn đề của mọi quốc gia. Nhưng bất kỳ ai quan sát chiến dịch tranh cử lần này đều gặp khó khăn khi tìm kiếm nó trong nghị trình của hai ứng viên.

Nhiều vấn đề quan trọng đã biến mất khỏi sự quan tâm của chiến dịch tranh cử. Ảnh minh họa

Không phổ biến vũ khí hạt nhân

Chủ đề này chỉ được đều cập trong chiến dịch ở một khía cạnh rất hẹp: làm thế nào để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Vấn đề lớn hơn - nhưng lại rơi vào im lặng - là số phận của hàng nghìn đầu đạn hạt nhan đang tồn tại và thường xuyên rơi vào tay những kẻ nguy hiểm. Chẳng hạn như, kho vũ khí hạt nhân đang gia tăng của Pakistan đã được đề cập thoáng qua trong cuộc tranh luận lần cuối vừa rồi, nhưng không ứng cử viên nào đưa ra được kế hoạch để giải quyết vấn đề này. Các ước tính đáng tin cậy cho thấy hiện có khoảng 19,000 đầu đạn hạt nhân đang tồn tại trên thế giới, 10,000 trong số đó là của Nga. Số phận của những đầu đạn này và mối nguy hiểm khi một trong số chúng rơi vào tay những nhân tố phi nhà nước với các ý đồ đen tối đang trở thành một nguy cơ an ninh nghiêm trọng như bất kỳ nguy cơ nào khác. Rõ ràng mối nguy hiểm này xứng đáng nhận được sự chú ý của hai nhân vật đang đua tranh để lãnh đạo đất nước đã phát minh ra vũ khí hạt nhân và sợ hãi về công dụng của chúng hơn bất kỳ ai.

Nền kinh tế Mỹ và sự nổi lên của nhóm BRIC

Nước Mỹ sản xuất gần một nửa GDP của thế giới ngay sau chiến tranh thế giới 2. Thị phần của nó đang ngày một suy giảm kể từ đó và các nền kinh tế mới nổi lên của thế kỷ 21 - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh sự tụt dốc này. Mỹ sẽ không trở thành nền kinh tế ốm yếu; sức khỏe nền kinh tế cũng sẽ không bị đe dọa bởi sự nổi lên của BRIC. Nhưng một thừa nhận về sự thay đổi đang diễn ra này cũng như những chiến lược để ứng phó với tác động của nó đối với nước Mỹ đòi hỏi một sự quan tâm chín chắn hơn là vài dòng ám chỉ tới nguy cơ "mất việc làm vào tay Trung Quốc" của chiến dịch này.

Chiến lược xoay trục về châu Á

Chính quyền Obama đã tuyên bố rõ ràng trong chiến lược quốc phòng vào tháng 1 2012 ý định thúc đẩy các ưu tiên của Mỹ trong các kế hoạch tương lai. Vai trò của Mỹ ở Châu Á không chỉ là một câu hỏi, mà là rất nhiều câu hỏi. Mục tiêu quân sự của Trung Quốc là gì và vai trò của Mỹ nên như thế nào để ứng phó với những mục tiêu đó? Mỹ nên làm việc với các đồng minh ở châu Á để xử lý các thách thức kinh tế của một Trung Quốc đang trỗi dậy ra sao? Mỹ nên đóng vai trò gì trong việc giải quyết các căng thẳng ở Biển Đông hiện nay? Mỹ có thể làm gì khi hợp tác với các quốc gia trong khu vực để ngăn ngừa sự phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa của Bắc Triều Tiên? Liệu Nhật Bản có nên được khuyến khích để đón vai trò lớn hơn trong cấu trúc an ninh khu vực? Mô hình và tổ chức thương mại nào sẽ phục vụ tốt nhất lợi ích của Mỹ và các đối tác thương mại châu Á?

Có quá nhiều câu hỏi nhưng lại quá ít câu trả lời. Khi người Mỹ lựa chọn tổng thống của mình vào tháng tới, họ sẽ biết một số điều về các ứng viên và kế hoạch của họ. Nhưng quá nhiều điều mơ hồ còn tồn tại. Thật là một sự trớ trêu đáng buồn khi chiến dịch tranh cử dài ngày như vậy để lại cho các cử tri Mỹ những băn khoăn và mù mờ về nhiều vấn đề quan trọng mà nhà lãnh đạo đất nước sẽ phải đối mặt trong những tháng năm sắp tới.

Theo Tuần Việt Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….