Tình trạng chênh lệch về thu nhập giữa lãnh đạo đại diện vốn nhà nước với người lao động được nhiều người trong cuộc nhìn nhận phần nhiều là do cơ chế.

Vừa đảm nhiệm vai trò đại diện phần vốn nhà nước vừa tham gia lãnh đạo DN, nên chuyện lương thưởng của những doanh nhân đặc biệt này luôn được công chúng quan tâm. Tình trạng chênh lệch về thu nhập giữa những lãnh đạo “hai vai” này với người lao động được nhiều người trong cuộc nhìn nhận phần nhiều là do cơ chế.

DN lãi lớn, lương thưởng lãnh đạo ít bị “soi”

Dù chịu những quy định khá chặt chẽ về minh bạch thông tin, nhưng công ty cổ phần (CTCP) không bắt buộc phải công bố thông tin lương thưởng của lãnh đạo DN, bởi vậy, mới có tình trạng CTCP nơi thực hiện nơi không.

Xét trên bình diện chung, ở những DN có lợi nhuận tốt, thu nhập của những lãnh đạo “hai vai” trên khá cao so với ngạch lương công chức (theo quy định tại Thông tư 16/2012 của Bộ Nội vụ, người đại diện vốn Nhà nước là công chức - PV). Đặc biệt, ở những CTCP có mức tăng trưởng cao, thị giá cổ phiếu tăng mạnh qua các năm như CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), lương thưởng dành cho Ban lãnh đạo luôn ở mức rất cao (năm 2012, lương và thưởng của các thành viên HĐQT và Ban điều hành là 56 tỷ đồng), nhưng vẫn được sự ủng hộ của nhiều cổ đông.

Song với những DN có tỷ lệ vốn nhà nước lớn nhưng làm ăn bết bát, cổ tức trả cho cổ đông không đảm bảo, lương thưởng của người lãnh đạo thường gây bức xúc cho cổ đông, ngay cả khi mức chi trả không quá cao. Tổng công ty Vinaconex hay Tổng công ty Xây lắp Dầu khí là ví dụ điển hình. Tại những DN này, hầu như mỗi kỳ ĐHCĐ thường niên, vấn đề lương thưởng đều bị cổ đông đưa ra chất vấn và kiến nghị điều chỉnh.

Quy chế lương thưởng thiếu rõ ràng

Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có tới hơn 500 người đại diện thuộc nhóm lãnh đạo “hai vai”, bởi vậy, trong Quy chế người đại diện của tổng công ty này, vấn đề lương thưởng, phụ cấp, thù lao người đại diện được quy định khá rõ ràng. Quy chế quy định: Nhóm 1, người đại diện là cán bộ làm việc chuyên trách tại DN được hưởng các chế độ do DN chi trả; Nhóm 2, người đại diện là cán bộ của SCIC, trường hợp chuyên trách tại DN thì chế độ như Nhóm 1, trường hợp kiêm nhiệm thì mọi chế độ do SCIC chi trả; Nhóm 3, người đại diện là cán bộ, công chức kiêm nhiệm, được hưởng các chế độ do cơ quan nhà nước chi trả, nếu DN có chi trả thù lao thì phải chuyển về SCIC; Nhóm 4, người đại diện theo Đề án nâng cao trách nhiệm người đại diện, được hưởng các chế độ do SCIC chi trả theo hợp đồng ủy quyền đã ký kết. Trong quy chế, SCIC cũng quy định người đại diện thuộc nhóm 1, 2 và 3 được hưởng phụ cấp do SCIC chi trả (nếu có). Quy định “nếu có” này không rõ ràng.

Theo quy định hiện nay, chỉ DN nhà nước xếp hạng A mới được tăng lương cho cán bộ công nhân viên. Trong khi đó, hệ thống chỉ tiêu đánh giá, xếp hạng DN nhà nước hiện chỉ quy định chung chung: những DN có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước tăng so với năm trước, không có nợ phải trả quá hạn, không vi phạm pháp luật sẽ được xếp hạng A.

Điều này đang tạo ra sự bất công bằng giữa lãnh đạo các DN nhà nước. Có DN năm trước đạt lợi nhuận rất thấp, năm nay chỉ cần đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng so với năm trước, dù giá trị tuyệt đối của khoản lợi nhuận kế hoạch đó vẫn thấp, thì sẽ được xếp hạng A, lãnh đạo DN được tăng lương thưởng. Trong khi đó, có những DN năm trước đạt lợi nhuận lớn, nhưng năm nay do bối cảnh kinh tế khó khăn, chỉ dám đặt kế hoạch lợi nhuận tương đương, DN sẽ không được xếp hạng A, đồng nghĩa với việc lãnh đạo DN không được tăng lương thưởng.

Tiền trảm hậu tấu

Một bất cập khác là cơ chế phê duyệt chế độ lương thưởng của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay thường theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”.

Theo quy định, đầu năm, Bộ Tài chính phê duyệt, xem xét kế hoạch sản xuất - kinh doanh của DN trình lên, sau đó chuyển qua Bộ Lao động -Thương binh - Xã hội xem xét làm cơ sở phê duyệt kế hoạch tiền lương trong năm đó. Với cách xây dựng kế hoạch “lợi nhuận năm nay cao hơn năm trước”, DN thường được phê duyệt kế hoạch tăng lương cho lãnh đạo. Thế nhưng, kết thúc năm, DN lãi ít, thậm chí thua lỗ thì mọi sự rơi vào cảnh “đã rồi”, lương thưởng đã được trả hết trong năm cho lãnh đạo DN. Cơ quan quản lý cũng hiếm khi hậu kiểm để có biện pháp xử lý ngay. Sự việc lãnh đạo 8 DN 100% vốn Nhà nước nhận lương quá cao so với quy định tại TP. HCM bị phát hiện mới đây có lẽ không phải hiện tượng cá biệt.

Phong Lan (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.