“Nói thẳng nói thật với tinh thần hợp tác, để tất cả cổ đông cùng có lợi” là câu mở đầu của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank trong cuộc trả lời phỏng vấn vào chiều 21/2, về chủ đề đang được dư luận quan tâm: Eximbank - Sacombank và quyền kiểm soát ngân hàng.
Không dễ thay HĐQT Sacombank
Ông Đặng Văn Thành, chủ tịch HĐQT Sacombank.

Nửa năm trước, có tin một nhóm nhà đầu tư đẩy mạnh mua cổ phiếu Sacombank, ông nói Sacombank hoan nghênh và sẵn sàng mở cửa tiếp đón nhà đầu tư mới nếu họ hợp tác, cùng xây dựng, phát triển ngân hàng. Nay Eximbank tuyên bố họ sở hữu 9,73% và được uỷ quyền đại diện cho hơn 51% cổ đông, thông điệp trên có còn nguyên vẹn?

Thông điệp trên vẫn còn nguyên giá trị. Tôi khẳng định lần nữa Sacombank luôn mở rộng cửa cho những nhà đầu tư hợp tác, đến với mục đích xây dựng, gắn bó lâu dài với ngân hàng. Khi đại diện của Eximbank sang làm việc với chúng tôi, tôi cũng nêu rõ quan điểm như vậy.

Đó có phải là trả lời của Sacombank cho ba đề nghị của Eximbank được nêu trong văn bản gửi Sacombank?

Trong quá trình tiếp xúc, chúng tôi đề nghị Eximbank cho xem văn bản mà họ được uỷ quyền đại diện cho nhóm cổ đông đa số, nhưng họ không đưa ra văn bản đó, làm sao chúng tôi có thể tin được? Hơn nữa nếu có, văn bản đó cũng chưa chắc có giá trị cho đến ngày chốt danh sách đại hội cổ đông. Những người uỷ quyền hôm qua, có thể bán cổ phiếu hôm nay hoặc trong những ngày tới, và đến ngày chốt danh sách, họ không có tên trong danh sách nữa.

Cần phải thấy rằng cuộc tiếp xúc Eximbank – Sacombank đã và đang đứng trên hai phương diện cổ đông lẫn nhau và đồng nghiệp. Sau khi nhận chuyển nhượng 9,73% cổ phần từ ANZ, Eximbank đang là cổ đông lớn của Sacombank. Sacombank cũng đang nắm giữ 3% cổ phần của Eximbank, tức cũng là một cổ đông của Eximbank. Cùng kinh doanh ngân hàng, hai bên là đồng nghiệp, còn hợp tác với nhau lâu dài. Trên tinh thần đồng nghiệp và để bảo vệ lợi ích của cổ đông Sacombank, những yêu cầu của họ chúng tôi không thể đáp ứng.

Không đáp ứng để bảo vệ lợi ích cổ đông Sacombank. Ý ông cụ thể là sao?

Trước Eximbank, phó chủ tịch một ngân hàng TMCP đã đến làm việc với chúng tôi. Ông này cho biết ngân hàng ông đang sở hữu 4,8% cổ phần Sacombank và ông được uỷ quyền đại diện cho hơn 51% cổ đông Sacombank. Nay Eximbank cũng nói được uỷ quyền đại diện cho hơn 51% cổ đông. Chúng tôi không biết tin ai. Vì thế chúng tôi đợi ngày chốt danh sách cổ đông, chờ trung tâm lưu ký công bố chính thức thì mới biết ai là cổ đông.

Hẳn trong buổi làm việc giữa hai bên, ông phó chủ tịch của ngân hàng kia đã có những đề nghị đối với Sacombank?

Ông phó chủ tịch yêu cầu cơ cấu lại hội đồng quản trị Sacombank. Chúng tôi trả lời sẵn sàng hợp tác nếu đúng là ông ấy được uỷ quyền đại diện. Sacombank đưa ra phương án bầu bổ sung bốn thành viên hội đồng quản trị, và hai thành viên ban kiểm soát (hiện Sacombank có bảy thành viên hội đồng quản trị, trong đó có một thành viên độc lập – NV).

Ông phó chủ tịch có chấp thuận phương án của Sacombank không?

Từ đó đến nay không thấy phản hồi từ ông ấy nữa.

Vì sao lại có hai đối tượng cùng tuyên bố được uỷ quyền đại diện cho cổ đông đa số như vậy, thưa ông?

Đến giờ chúng tôi cũng đang tìm hiểu. Chúng tôi có truyền đạt với Eximbank là sẽ làm việc lại với ông phó chủ tịch ngân hàng kia, sau đó trả lời Eximbank về vấn đề uỷ quyền. Eximbank không nói gì.

Có ý kiến cho rằng Sacombank có khả năng tẩu tán tài sản? Cụ thể, đề nghị của Eximbank là Sacombank không chuyển nhượng các tài sản lớn của ngân hàng, trong đó có 100 triệu cổ phiếu quỹ…?

Có thể ở đâu đó có những suy diễn như thế, nhưng chúng tôi khẳng định không có chuyện Sacombank tẩu tán tài sản. Liên quan đến vấn đề này, cuối năm 2011 chúng tôi đã gửi văn bản mời thanh tra ngân hàng Nhà nước (NHNN) xuống làm việc để đối chiếu thông tin. NHNN không xuống, mà chỉ yêu cầu báo cáo. Chúng tôi đã gửi báo cáo cho NHNN và từ đó đến nay NHNN không hỏi thêm nữa.

Còn cổ phiếu quỹ theo quy định chỉ được chuyển nhượng sau sáu tháng. Chúng tôi mới kết thúc mua cổ phiếu quỹ vào đầu tháng 1/2012, đến nay chưa đủ thời gian quy định, làm sao chuyển nhượng được? Tài sản ngân hàng chủ yếu là bất động sản, trụ sở hội sở, các chi nhánh, muốn bán phải có hội đồng thanh lý.

Giả sử đến ngày chốt danh sách, Eximbank có quyền đại diện cho cổ đông đa số, Sacombank sẽ đề nghị gì?

Chúng tôi đề nghị bầu bổ sung các thành viên hội đồng quản trị và tôn trọng hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị hiện hành được bầu cho nhiệm kỳ năm năm, mới đảm nhận trách nhiệm một năm và hoàn thành tốt công việc, năm ngoái Sacombank vượt chỉ tiêu lợi nhuận, thì không có lý gì phải bầu lại toàn bộ. Các ứng cử viên hội đồng quản trị, theo quy định, phải trình NHNN xem xét, khi được bầu rồi phải được NHNN phê duyệt. Không thể cứ thay đổi cổ đông là phủ nhận hội đồng quản trị.

Lẽ ra những vấn đề liên quan đến đề nghị thay đổi hội đồng quản trị, Sacombank phải báo cáo với cơ quan quản lý?

Chúng tôi đã báo cáo với NHNN và UBND TP.HCM. Tôi tin trong tuần này hoặc tuần sau NHNN sẽ có buổi làm việc chung với hai ngân hàng.

Cho dù cơ cấu cổ đông có biến động, điều dư luận đang quan tâm hiện nay là ai sẽ điều hành Sacombank? Hoạt động, theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực?

Đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi. Sự thay đổi nào cũng phải có quá trình chuyển giao, không thể quyết định cái rụp và thực hiện ngay khi chưa có sự chuẩn bị. Chúng tôi sẵn sàng cùng làm việc, cùng đồng hành với những cổ đông mới. Chúng tôi không tham quyền cố vị. Sacombank hiện có tổng tài sản 160.000 tỉ đồng, hơn 10.000 nhân viên, 400 chi nhánh, phòng giao dịch ở ba nước Đông Dương, 1 triệu khách hàng. Nếu có gì xảy ra, ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng là rất lớn. Khi đó, ai chịu trách nhiệm?

Ý ông là Sacombank không chấp nhận sự thay đổi bất hợp lý một cách đột ngột?

Với tư cách là những người sáng lập Sacombank và gắn bó với ngân hàng 20 năm nay, chúng tôi không thể đồng ý với đề nghị thay đổi toàn bộ bộ máy điều hành một cách đột ngột, thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là khi bộ máy chưa hết nhiệm kỳ. Sự hành xử giữa các doanh nghiệp, ngân hàng phải có cả tình cả lý. Cùng nhau hợp tác để Sacombank tiếp tục đi lên, tăng trưởng bền vững, là có lợi cho tất cả cổ đông cũng như giới doanh nghiệp vừa và nhỏ, rộng hơn là quốc gia.
Xem thêm bài viết về: Ông Đặng Văn Thành
Theo SGTT
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • [Hồ sơ doanh nhân] Đặng Văn Thành và những bước thăng trầm với Thành Thành Công

    [Hồ sơ doanh nhân] Đặng Văn Thành và những bước thăng trầm với Thành Thành Công

    23/11/2020 8:35 AM

    CafeLand - Giống như tên gọi của nó, Thành Thành Công hiện nay đã là một tập đoàn vững mạnh. Tên tuổi của tập đoàn này gắn liền với ông Đặng Văn Thành, người từng tạo tiếng vang lớn khi thành lập cơ sở sản xuất cồn lớn nhất tại TP.HCM vào những năm 70 và cũng là người nổi danh một thời trong ngành ngân hàng.

  • Ông Đặng Văn Thành: 'Tôi có lỗi khi để mất Sacombank'

    Ông Đặng Văn Thành: 'Tôi có lỗi khi để mất Sacombank'

    02/10/2016 8:29 AM

    Sau 4 năm để vuột khỏi tầm tay đứa con Sacombank do mình khai sinh, cựu lãnh đạo nhà băng, ông Đặng Văn Thành trải lòng về sự chia ly này.

  • Nhà đại gia ngân hàng Đặng Văn Thành lại gặp hạn?

    Nhà đại gia ngân hàng Đặng Văn Thành lại gặp hạn?

    28/01/2015 4:41 PM

    Sau vận hạn năm 2012, cứ ngỡ sóng gió đã qua đi với gia đình đại gia ngân hàng Đặng Văn Thành nhưng biến cố bất thường trong ngày 27/1 của cổ phiếu SCR và SBT khiến không ít người nghĩ tới vận hạn cũ.

  • Đặng Văn Thành, tĩnh tâm ngày tái xuất

    Đặng Văn Thành, tĩnh tâm ngày tái xuất

    10/07/2014 8:18 AM

    Gần hai năm lùi sâu và im lặng sau những biến cố bị đánh bật khỏi ngân hàng do mình dựng lên, có lúc đối mặt với những thông tin điều tra, bắt giam... trùm ngân hàng một thời Đặng Văn Thành đang có những tái xuất thương trường. Trong sự trở lại lần này, ông Thành vẫn giữ được tâm huyết và sự lịch lãm từng có nhưng trong một tâm thế và niềm đam mê khác.

  • Những người “tập làm”... nông dân!

    Những người “tập làm”... nông dân!

    05/07/2014 6:40 PM

    Vì sao các doanh nhân làm nông nghiệp? Liệu có diễn ra một trào lưu mới đầu tư vào nông nghiệp như đã từng có trào lưu chứng khoán - ngân hàng, bất động sản?

  • Cựu chủ tịch Sacombank: 'Doanh nhân luôn phải có đam mê'

    Cựu chủ tịch Sacombank: 'Doanh nhân luôn phải có đam mê'

    02/07/2014 3:35 PM

    Trở lại thương trường sau một thời gian vắng bóng, ông Đặng Văn Thành vẫn giữ sự tự tin và lan tỏa cảm hứng cho người đối diện, đặc biệt khi nhắc đến lĩnh vực nông nghiệp mà ông đang toàn tâm thực hiện.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.