CafeLand - Nguyên lý Pareto (thường được gọi là quy tắc 80/20) được phát hiện lần đầu tiên vào cuối những năm 1700 bởi nhà kinh tế học người Ý, Vilfredo Pareto. Pareto phát hiện ra rằng 80% của cải của nước Ý thuộc về 20% dân số. Nói cách khác, sự giàu có không được phân bổ đồng đều mà tập trung theo một cách có thể đoán trước được.

Nguyên lý này sau đó được phát triển vào những năm 1950 bởi Joseph Moses Juran, bậc thầy về các học thuyết liên quan tới năng suất, chất lượng và quản lý chất lượng. Trong đó, ông phát hiện ra rằng nguyên lý Pareto có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau trong kinh doanh và cuộc sống.

Về bản chất, nguyên lý Pareto chứng minh rằng nỗ lực tập trung hoàn thành một số lượng công việc chiếm tỷ trọng nhỏ sẽ tạo ra phần lớn kết quả. Nói cách khác, khi chúng ta ưa tiên hoàn thành ít dự án, nhiệm vụ hoặc hoạt động hơn, được gọi là “số ít quan trọng”, chúng ta sẽ đạt được hiệu quả công việc cao hơn.

Khi được sử dụng đúng cách, nguyên lý Pareto cho chúng ta một bức tranh rõ ràng hơn về nơi chúng ta cần tập trung thời gian và năng lượng của mình. Tuy vậy, trong thực tế, nhiều khi chúng ta đã áp dụng nguyên lý Pareto nhưng không đạt được hiệu quả mong muốn do các quan niệm sai lầm như sau:

Quan niệm sai lầm số 1: Tôi phải tuân theo chính xác tỷ lệ 80/20

Nhiều người bị cố định bởi tỷ lệ phần trăm của nguyên tắc này, mà không hiểu rằng các con số 80 và 20 chỉ tượng trung cho “sự cân bằng không đồng đều” hay mối quan hệ giữa số ít thiết yếu và số đông hữu ích. Thực tế là, tỷ lệ năng suất của mỗi người khác nhau và không có một con số nào phù hợp với tất cả mọi người.

Ví dụ, bạn có thể là kiểu người 80/10, tức là 80% kết quả của bạn đến từ 10% hoạt động. Bạn cũng có thể phù hợp với tỷ lệ 90/10 hoặc thậm chí 90/15. Vì vậy, đừng bị cuốn vào con số 80 và 20, mà hãy áp dụng nó một cách linh hoạt để những nỗ lực của bạn tập trung vào chính xác những thứ quan trọng nhất để mang lại năng suất công việc tốt nhất.

Quan niệm sai lầm số 2: Tôi chỉ cần tập trung hoàn toàn vào “số ít quan trọng” mà bỏ khỏi đầu những điều tầm thường khác

Trên thực tế, việc chỉ tập trung vào “số ít quan trọng” khiến bạn sẽ phải đối mặt với nhiều rắc rối, bởi trong cuộc sống, có những việc vặt vãnh, tầm thường và tốn thời gian nhưng chúng ta vẫn phải làm để vận hành mọi thứ một cách trơn tru. Thậm chí, những điều mà bạn cho là tầm thường lại là bước chuẩn bị cho việc thực hiện những việc thuộc “số ít quan trọng” nói trên. Dù muốn đến mức nào, chúng ta cũng không thể giả vờ rằng "những việc vặt vãnh" như thanh toán hóa đơn hay nộp hồ sơ giấy tờ là không tồn tại.

Làm thế nào để tạo ra nguyên lý Pareto của riêng bạn

Warren Buffet được coi là thiên tài khi nói đến việc áp dụng nguyên lý Pareto. Ông dành đến 80-90% thời gian mỗi ngày cho việc học hỏi và đọc sách, và rất ít thời gian để thực sự đầu tư. Tất nhiên bạn có thể áp dụng tỷ lệ của Warren Buffett cho cuộc đời bạn, nhưng bạn có thể không thành công như mong đợi nếu điều này không phù hợp với con người bạn.

Vì vậy, lời khuyên ở đây là hãy tạo ra một nguyên lý Pareto với tỷ lệ của riêng bạn. Việc bạn cần làm là đào sâu suy nghĩ và trả lời những câu hỏi sau: Bao nhiêu phần trăm suy nghĩ của bạn biến thành hành động hiệu quả? Bao nhiêu phần trăm trong số các quyết định bạn đưa ra thực sự ảnh hưởng tốt đến việc kinh doanh của bạn? Nếu bạn đang dành thời gian suy nghĩ về những điều sai lầm, hoặc nếu bạn đang dành phần lớn thời gian của mình để thay đổi và chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác, thì việc nào và phương thức làm việc nào trong số đó thực sự hiệu quả?

Đồng thời, khi tìm ra tỷ lệ cho bản thân, hãy đặt chúng trong những câu hỏi phản biện chi tiết. Ví dụ: Thực tế bạn có phải là kiểu người 80/20 không? Bạn có dành 20 phần trăm thời gian để suy nghĩ và 80 phần trăm thời gian để xem xét các quyết định của mình không? Hay bạn là kiểu người 90/10 hoặc 85/15, hay một tỷ lệ khác?

Việc áp dụng nguyên lý Pareto phải phụ thuộc vào ưu tiên lớn nhất của bản thân bạn và mức độ hiệu quả của nó khi bạn áp dụng vào thực tế. Suy nghĩ hiệu quả sẽ dẫn tới hành động hiệu quả và ngược lại. Và đó là khi năng suất và kết quả thực sự sẽ đến với bạn.

Lời khuyên cuối cùng cho bạn là: Đừng áp dụng một cách mù quáng bất kỳ nguyên tắc năng suất. Thay vào đó, hãy lùi lại một bước để đánh giá bức tranh toàn cảnh và điều chỉnh các nguyên tắc này theo cách phù hợp với chính bản thân bạn.

Lam Vy (Entrepreneur)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.