Nếu chỉ muốn lợi nhuận cũng như bón thúc để cây thật cao, tán thật rộng mà không chú ý phát triển bộ rễ đạo đức thì doanh nghiệp cũng như cái cây sẽ sớm đổ chỉ sau trận bão nhẹ.

Chúng ta biết tới tỷ phú Charles Francis Feeney keo kiệt với bản thân nhất thế giới, không nhà, không xe cho mình nhưng lại dành hết tiền cho công tác thiện nguyện. Mới đây quỹ Atlantic Philantrophi của ông đã đóng cửa sau khi quyên hết số tiền 8 tỉ đô tài sản của ông.

Yêu thương là một bản năng xã hội

Chúng ta cũng biết tới nhiều tỷ phú trên thế giới tuyên bố sẵn sàng cho đi hết tài sản của họ khi còn sống như Bil Gates. Họ là những tấm gương điển hình cho lòng yêu thương và trách nhiệm xã hội, họ đã quyết định hành động vì suy nghĩ đến lợi ích của người khác nhiều hơn bản thân mình.

Trong dịch COVID-19, những cụ già, em nhỏ dành tiền tiết kiệm, đi bộ đường xa tới nơi ủng hộ cuộc chiến. Còn trong đợt lũ vừa qua, những tấm gương chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam quên nguy hiểm, hy sinh bản thân xông pha vào vùng lũ để ứng cứu người dân để lại thật nhiều cảm xúc yêu thương.

Có thể nói, chính giá trị yêu thương đã tạo động lực cho những hành động tự nguyện để giúp một ai đó mà không chờ đợi được ghi nhận, đền đáp hay trả ơn. Lòng yêu thương khiến cho những hành động trách nhiệm xã hội sẽ được thực hiện tự động dù cho người khác có biết hay không. Đó là một bản năng xã hội, là một phẩm chất cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của cá nhân và xã hội trong bối cảnh hiện nay.

Giá trị yêu thương trong các doanh nghiệp thường được thể hiện qua những hành động thể hiện trách nhiệm xã hội, ủng hộ xã hội và ủng hộ cộng đồng. Trên thực tế thì xã hội cũng có những mong muốn chuẩn mực về giá trị yêu thương đối với doanh nghiệp. Ví dụ chúng ta kỳ vọng rằng các doanh nghiệp phải đảm bảo hệ sinh thái kinh doanh sản xuất của họ “không gây hại” cho cộng đồng và khách hàng. Phải giúp đỡ những người yếu thế, tổn thương, bị thiệt thòi trong xã hội khi có điều kiện. Chuẩn mực cũng kỳ vọng doanh nghiệp sẽ chăm sóc những người phụ thuộc vào họ (những nhân viên, công nhân trong dây truyền sản xuất) trong những giai đoạn khó khăn. Từ giá trị yêu thương cũng dẫn đến những chuẩn mực khác về ứng xử công bằng không thiên vị đối với những người trong hệ thống (như nam nữ cần phải được trả lương tương đương nhau).

Warren Buffett đã cam kết cho đi phần lớn tài sản để làm từ thiện và quỹ Bill & Melinda Gates là đối tượng thụ hưởng lớn nhất.

Warren Buffett đã cam kết cho đi phần lớn tài sản để làm từ thiện và quỹ Bill & Melinda Gates là đối tượng thụ hưởng lớn nhất.

Kích hoạt các chất dẫn truyền thần kinh tích cực

Tất nhiên doanh nghiệp hoạt động với mục đích tăng trưởng và lợi nhuận, nhưng doanh nhân cũng cần đặc biệt lưu ý đừng quá trọng đồng tiền, coi tiền là trên hết. Nếu một doanh nghiệp lúc nào cũng chỉ coi lợi nhuận là mục tiêu cao nhất, phát triển thiếu trách nhiệm với cộng đồng, không vì lợi ích tiến bộ xã hội, coi nhẹ chất lượng sản phẩm, lừa dối khách hàng và thiếu công bằng với người lao động thì doanh nghiệp của bạn không thể tiến xa được.

Thực tế chúng ta đã nhìn thấy những bài học mà dư luận đã nhiều lần lên án những hiện tượng kinh doanh vi phạm đạo đức, chạy theo lợi nhuận, bỏ qua lợi ích cộng đồng như vụ các vụ việc nổi cộm của Formusa Hà Tĩnh gây ô nhiễm biển miền Trung; Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba và các công ty có liên quan trong việc quảng cáo phân lô, bán đất nền…

Đó có thể là hậu quả của những người lãnh đạo doanh nghiệp, những mô hình kinh doanh không hướng đến những giá trị phổ quát của nhân loại trong đó có cả yêu thương và trách nhiệm cộng đồng.

Bản thân doanh nhân và doanh nghiệp cũng giống như một cái cây, muốn cái cây lớn mạnh vươn cao thì bộ rễ phải thật chắc, thật sâu.

Nếu phần thân cành lá của cây tượng trưng cho thành công thì bộ rễ lại chính là văn hóa doanh nghiệp với các giá trị phổ quát chung của nhân loại.

Chỉ muốn lợi nhuận cũng như bón thúc để cây thật cao, tán thật rộng mà không chú ý phát triển bộ rễ đạo đức thì doanh nghiệp cũng như cái cây sẽ sớm đổ chỉ sau trận bão nhẹ.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần xây dựng đạo đức kinh doanh cho mình mà có lẽ các giá trị cốt lõi bao gồm “từ tâm và không gây hại” “công bằng”, “chính trực”, “trách nhiệm” và tôn trọng quyền và phẩm giá của mọi người.

Sau giai đoạn giãn cách xã hội vì COVID và bão chồng bão, lũ chồng lũ thời gian qua, doanh nghiệp và doanh nhân phải chấp nhận thế giới và tương lai là bất định. Và một cách hiệu quả để chúng ta ứng phó với nó là đầu tư vào giá trị yêu thương. Yêu thương chính bản thân mình bằng cách làm những việc có ích cho xã hội. Khi làm việc tốt, các chất dẫn truyền thần kinh như endorphin được sản sinh kích hoạt các vùng não liên quan đến niềm vui, sự tin cậy, tốt cho sức khỏe tâm thần, giảm tỉ lệ tử vong do đột quỵ và phát triển.

Sự tử tế hào phóng của doanh nhân và doanh nghiệp trong những khoảnh khắc khó khăn sẽ có tính lan tỏa tạo nên một con sóng năng lượng tích cực ở khắp nơi khiến những cá nhân trong hệ thống sẽ xả thân làm việc tốt và ủng hộ lại doanh nghiệp và doanh nhân.

PGS TS TRẦN THÀNH NAM, CHUYÊN GIA TÂM LÝ, CHỦ NHIỆM KHOA CÁC KHOA HỌC GIÁO DỤC, ĐẠI HỌC GIÁO DỤC (ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI)

Theo Diễn đàn doanh nghiệp
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.