Là một trong những người tiên phong về công nghệ chống virus, nhưng John McAfee ngày càng sa vào những rắc rối pháp lý và những cuộc trốn chạy.

Vài giờ sau khi được chấp thuận dẫn độ sang Mỹ, McAfee được phát hiện chết trong phòng giam ở Tây Ban Nha, có thể do tự tử.

McAfee là ai

Dù không biết John McAfee, nhiều người có thể đã nhìn thấy cái tên McAfee - một trong những nhà cung cấp phần mềm diệt virus phổ biến trên các thiết bị Windows và được ghi nhận là công ty tiên phong về bảo mật không gian mạng. John McAfee đã giúp công ty bắt đầu trở nên nổi tiếng từ năm 1987 khi phát triển mã bảo vệ máy tính khỏi Brain - loại virus máy tính đầu tiên được tạo ra cho IBM PC từ tháng 1/1986.

McAfee chia sẻ trên BBC năm 2013. "Khi lần đầu đọc về Brain từ Pakistan, tôi chưa từng nghe nói về một loại virus nào khác và cũng không quen ai trong lĩnh vực công nghệ. Nó khiến tôi mê mẩn".

John McAfee. Ảnh:Reuters.

Ông thành lập McAfee Associates năm 1987 tại nhà riêng với mong muốn tiến sâu vào lĩnh vực công nghệ diệt virus. Công ty đã làm được điều đó, nhưng John McAfee đã bán hết cổ phần của mình vào năm 1994 với giá được cho là 100 triệu USD. Khối tài sản của ông giảm xuống còn 4 triệu USD sau khủng hoảng tài chính năm 2007.

Năm 2010, Intel mua lại McAfee với giá 7,6 tỷ USD và đổi thương hiệu thành Intel Security. Khi đó, McAfee nói: "Tôi vô cùng biết ơn Intel vì đã giải thoát tôi khỏi mối liên hệ với phần mềm tồi tệ nhất hành tinh".

Tuy nhiên, đến 2016, Intel lại đổi tên Intel Security thành McAfee.

Ông làm gì sau khi rời McAfee

Sau khi rời công ty mang tên mình vào năm 1994, McAfee sống xa hoa, đầu tư vào bất động sản và tham gia một loạt dự án kinh doanh hầu như chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, như ứng dụng nhắn tin tức thời trên Windows mang tên PowWow.

Chán nản, năm 2009, ông chuyển đến sống tại quốc gia Trung Mỹ Belize nhưng không được lòng các nhà chức trách nước này. Ông tuyên bố muốn tạo ra thuốc kháng sinh dựa trên thảo mộc, có thể ngăn chặn cơ chế vi khuẩn giao tiếp với nhau. Nhà máy của ông bị Đơn vị đàn áp băng đảng của Belize đột kích năm 2012 và tố ông sản xuất ma túy đá.

Sau một thời gian ngắn giam giữ, McAfee được trả tự do mà không bị buộc tội. Ông cho rằng cuộc đột kích chỉ là để đáp trả việc ông lên tiếng chống tham nhũng ở nước này: "Tôi sống ở đó một năm và chính trị gia địa phương cử đại diện đến vận động quyên góp 2 triệu USD. Tôi từ chối. Hai tuần sau họ đột kích khu nhà của tôi".

McAfee (giữa) và đoàn tùy tùng của ông tại Belize. Ảnh: Wired.

Tháng 11 năm đó, ông lại trở thành kẻ tình nghi liên quan tới cái chết của người hàng xóm. McAfee quả quyết ông không giết người nhưng phải bỏ trốn, không chịu ra trình diện vì "sợ bị ám hại". Sau đó, ông bị bắt vào tháng 12/2012 tại Guatemala vì nhập cảnh trái phép và trải qua hai cơn đau tim. Sau này, ông thừa nhận cơn đau tim là "một mưu mẹo" nhằm thuyết phục các nhà chức trách đưa ông về Mỹ thay vì Belize. Ông bay về Miami cùng trong tháng đó.

Tranh cử tổng thống

McAfee tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ trong cả hai năm 2016 và 2020. Vào tháng 9/2015, ông cho biết sẽ thành lập một đảng mới là Cyber Party (Đảng Mạng). Vài tháng sau đó, ông thay đổi chủ trương và cố gắng giành đề cử của đảng Tự do, trong đó có việc ủng hộ việc cải tổ hệ thống an ninh mạng của Mỹ. Cuối cùng, ông đứng thứ ba, thua Gary Johnson.

McAfee tiếp tục thử sức năm 2020 với nền tảng phục vụ "cộng đồng tiền điện tử". Ông từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng vào tháng 3/2020.

Lý do bị giam ở Tây Ban Nha

Trong video đăng hồi tháng 1/2019, ông thừa nhận đã không đóng thuế suốt 8 năm. Ông cũng khẳng định CIA "cố gắng thu thập thông tin về chúng tôi" trong thông điệp trên Twitter vào tháng 7/2019 cùng bức ảnh ông cầm súng và đứng trên thuyền - một phần trong chuyến phiêu lưu mà sau đó kết thúc bằng việc ông bị bắt và thả ở Dominica.

Năm 2020, ông bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố về tội gian lận và trốn thuế và đối mặt với mức án lên đến 30 năm tù. Cụ thể, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ SEC cho rằng McAfee đã hưởng tổng cộng 23,1 triệu USD tiền điện tử như BTC và ETH khi quảng bá cho một số đợt mở bán token ICO trong năm 2017 - 2018, nhưng ông không báo cáo việc được trả khoản tiền lớn này mà chỉ công khai mức giá cho mỗi tweet quảng bá là 105.000 USD.

Bên cạnh đó, ông cũng bị cho là cố tình trốn trả thuế thu nhập cho liên bang thông qua nhiều cách khác nhau, như sử dụng tên của người khác để chuyển các khoản thanh toán vào tài khoản ngân hàng, tài khoản tiền điện tử, bất động sản...

Ông bị bắt ở Tây Ban Nha vào tháng 10/2020 và chờ dẫn độ về Mỹ. Cái chết của John McAfee xảy ra cuối ngày 23/6, ít giờ sau khi tòa án Tây Ban Nha chấp thuận yêu cầu dẫn độ ông về Mỹ.

Châu An (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.