Cập nhật 16/04/2014 8:15 AM
Triển lãm du thuyền lớn nhất châu Á, vừa được tổ chức tại Sentosa một lần nữa cho thấy lãnh đạo Singapore đang rất mong muốn biến đảo quốc Sư tử trở thành nơi “phải đến để tiêu tiền” ở Đông Nam Á.

Sự trỗi dậy của kinh tế ASEAN gần 2 thập kỷ qua càng thúc đẩy Singapore chứng tỏ mình là “thủ đô” thương mại - dịch vụ của cả khu. Cùng với những trung tâm thương mại, khách sạn, hệ thống hạ tầng xây mới, nâng cấp mỗi ngày, đảo quốc Sư tử cũng bắt đầu dấn thân vào những cuộc chơi mới – hướng tới lớp người giàu và siêu giàu, đang đổ về Đông Á ngày một nhiều cùng dòng vốn đầu tư.

Chính phủ Singapore mong muốn biến du thuyền thành ngành kinh doanh phát đạt. Ảnh: Nhật Minh

Để thu hút những vị khách giàu có, Chính phủ của ông Lý Hiển Long lập tức nghĩ tới du thuyền. Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore bên cạnh nguồn thu trực tiếp từ những khách hạng sang, họ còn kiếm được tiền từ rất nhiều dịch vụ khác như bến bãi, nhiên liệu, sửa chữa hay bảo trì phương tiện… Nhà chức trách ước tính mỗi du thuyền cập bến tại khu nghỉ dưỡng Sentosa sẽ chi khoảng 250.000 đôla Singapore (SGD - khoảng 200.000 USD). Cứ lưu trú một ngày, họ sẽ chi thêm 15.000-30.000 SGD.

Để nắm bắt cơ hội này, từ 4 năm nay, nước này liên tục tổ chức Singapore Yacht Show và biến đây trở thành sự kiện triển lãm – hội chợ du thuyền lớn nhất châu Á. Từ con số 12 du thuyền tham dự khi tổ chức lần đầu năm 2011, tại sự kiện diễn ra cuối tuần vừa rồi, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Sentosa đã thu hút khoảng 90 chiếc thuyền hạng sang, đến từ khắp nơi trên thế giới. Những phương tiện này được định giá tổng cộng trên dưới 500 triệu USD. Lượng du khách thăm quan cũng nâng từ 5.000 năm 2011 lên gấp 3 trong năm nay.

Phát biểu tại lễ khai mạc Yacht Show giữa tuần trước, Thứ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore – S Iswaran khẳng định Chính phủ nước này đặc biệt quan tâm tới ngành công nghiệp du thuyền, đang phát triển rất nhanh và trở thành cơ hội làm ăn đặc biệt hấp dẫn tại châu Á. Số liệu của cơ quan quản lý cảng và hàng hải Singapore cũng cho thấy nước này đón tổng cộng 1.175 du thuyền các loại cập bến trong năm 2013, tăng 18% so với cùng kỳ. “Tôi tin rằng con số này chưa dừng lại và sẽ tăng mạnh trong những năm tới”, ông Iswaran nhận định.

Mang tới triển lãm chiếc du thuyền thế hệ mới mang tên Monte Carlo Yachts 76, CEO Mike Simpson của hãng buôn thuyền nổi tiếng Simpson Marine cũng đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Singapore: “Một cách tự nhiên, họ đã có lợi thuế cho một trung tâm du thuyền tại Đông Nam Á. Cơ sở hạ tầng cũng được chuẩn bị đầy đủ để tiếp đón mọi con thuyền và văn hóa Singapore cũng phù hợp để trở thành một trung tâm như vậy”, doanh nhân này nhận định với Channel NewsAsia. Tương tự nhiều nhà sản xuất, hãng buôn tàu khác, Mike Simpson cũng đã bỏ không ít chi phí để có mặt tại sự kiện này, nhằm bán, cho thuê du thuyền hay đơn giản là tiếp xúc với những khách hàng giàu có.

Singapore Yacht Show dự kiến thu hút được khoảng 15.000 khách năm nay. Ảnh: Nhật Minh

Từ vài năm trước, số tỷ phú tại châu Á đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua châu Âu. Theo thống kê của các hãng xếp hạng, trong số 10 tỷ phú mới, hiện có khoảng 7 người đến từ châu Á. Riêng tại Singapore, số liệu của cơ quan quản lý nước này cho thấy có khoảng hơn 200.000 người có tài sản trên một triệu USD. Đây rõ ràng là một cơ hội không thể bỏ qua với những doanh nghiệp kinh doanh hàng xa xỉ.

Là đại diện hiếm hoi của Việt Nam có sản phẩm tham gia sự kiện này, ông Lê Anh Đức – chủ thương hiệu cá và trứng cá tầm Caviar de Đức cho rằng đây là cơ hội không thể bỏ qua để tiếp cận với khách hàng tiềm năng, những người luôn có nhu cầu sử dụng các sản phẩm xa xỉ trên du thuyền. “Một số chủ tàu mở tiệc tại Yacht Show và họ muốn dùng trứng cá của chúng tôi. Như vậy, sân chơi lớn của Singapore cũng có thể có phần cho sản phẩm Việt”, ông Đức cho biết.

Tuy vậy, cuộc chơi du thuyền tại đảo quốc Sư tử cũng không chỉ gặp toàn thuận lợi khi nước này đang bị cạnh tranh gay gắt bởi chính những người láng giềng trong khu vực. Trao đổi ngay tại Yacht Show, Peter Poli, CFO của hãng đóng tàu Grand Banks Yachts cho biết vừa khai trương một cơ sở đóng tàu quy mô lớn của hãng tại Malaysia, nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng, trong khi chi phí lại rẻ hơn Singapore.

Xa hơn trong khu vực, Singapore cũng không phải là nước đầu tiên có tham vọng với ngành kinh doanh du thuyền. Riêng tại Hong Kong (Trung Quốc), hiện có khoảng 3.000 chiếc, đủ mọi kích cỡ thuộc sở hữu tư nhân. Trong khi đó, một Yacht Show tương tự đã được tổ chức tại Dubai (UAE) suốt 22 năm qua và thu hút được lượng khách khoảng 20.000–30.000 người mỗi năm.

"Tuy vậy, thị trường vẫn là yếu tố quan trọng. Các đơn đặt hàng từ Mỹ, Nhật Bản phục hồi tốt, cùng với nhu cầu ngay từ chính Singapore. Do đó, tôi tin là mọi chuyện đang rất hứa hẹn với họ, ít nhất là tốt hơn nhiều so với 1-2 năm về trước”, CFO Peter Poli nhận định.

Nhật Minh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….