Singapore là một quốc gia có diện tích khá nhỏ, chỉ với 725,7 km2 với 5,7 triệu người, thấp hơn nhiều so với 3.359 km2 và hơn 8 triệu người của thủ đô Hà Nội. Thế nhưng GDP bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương (PPP) của Singapore lại đạt 107.604 USD/người, đứng thứ 3 thế giới. Trong khi đó con số này của Việt Nam lại chỉ vào khoảng 8.066 USD/người, đứng thứ 128.
Vậy tại sao Singapore lại giàu đến vậy?
Con hổ Châu Á
Theo hãng tin CNBC, Singapore là một nước nhỏ đến mức mọi người có thể lái xe xuyên quốc gia này chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Không những thế, Singapore không có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Thậm chí ngay cả tài nguyên con người của Singapore cũng không thực sự nổi trội vào thập niên 1960.
Trên thực tế, ưu thế lớn nhất khiến Singapore vượt trội so với những quốc gia khác thời kỳ này là vị trí địa lý. Quốc gia này nằm trên tuyến đường thương mại quan trọng nối giữa Châu Á và Châu Âu. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng khiến đế quốc Anh quyết định thuộc địa khu vực nhỏ bé này vào năm 1819.
Tất nhiên, Singapore không phải quốc gia duy nhất có vị trí địa lý quan trọng cho tuyến đường hàng hải thương mại nối liền Á-Âu. Gần đó, Malaysia và Thái Lan cũng có vị trí địa lý đẹp nhưng họ lại không tận dụng được lợi thế như Singapore đã làm.
Hãng tin CNBC cho rằng trong khi nhiều nước cố gắng tách biệt khỏi các đế quốc thực dân thì Singapore lại giữ mối quan hệ khá chặt chẽ với Anh, kể cả sau khi quốc gia này đã giành độc lập vào năm 1965. Chính điều này đã khiến Singapore xây dựng nên hình ảnh một nền kinh tế mở với các nhà đầu tư cũng như tiếp cận được với những nguồn lực từ Phương Tây.
Đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng khi xuất khẩu đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dẫu vậy vào thời điểm đó, không nhiều quốc gia nhận thấy được tầm quan trọng của xuất khẩu.
Chính nhờ coi trọng xuất khẩu mà Singapore đã trở thành một trong 4 "con hổ" Châu Á khi thương mại thúc đẩy tăng trưởng mạnh từ thập niên 1960.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định sự tăng trưởng mạnh mẽ của 4 nền kinh tế này chủ yếu là do xuất khẩu, công nghiệp hóa cùng với những chính sách đúng đắn từ các nhà lãnh đạo.
Trong thời kỳ này, Singapore không hề có nguồn lực con người vượt trội so với các nền kinh tế khác. Tỷ lệ thất nghiệp cao đầu thập niên 1960 cùng với trình độ dân trí không hề vượt trội là một thách thức với chính phủ. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nhà ở khi người dân phải chui rúc trong các khu ổ chuột cũng làm các nhà lãnh đạo Singapore đau đầu.
Nhằm giải quyết tình hình, chính phủ Singapore quyết định tập trung xây dựng những khu nhà công giá rẻ, qua đó không chỉ giải phóng những khu ổ chuột, nâng cao tiêu chuẩn sống mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân. Đồng thời, Singapore cũng tạo ra được một tầng lớp lao động kỷ luật khi buộc người dân xây dựng chính những căn hộ cho bản thân họ.
Trong thập niên 1960, chỉ khoảng 9% dân số Singapore sống trong các căn hộ chung cư công giá rẻ thì con số này là hơn 80% hiện nay.
Bên cạnh đó, những quy định khắt khe về quyền lao động khiến tiêu chuẩn làm việc được nâng cao, ý thức nhân viên được cải thiện và tạo nên môi trường làm việc hiệu quả.
Không dừng lại ở đó, chính phủ Singapore còn giảm thuế nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy tăng trưởng cùng hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp. Nhờ những chính sách hiệu quả mà tỷ lệ thất nghiệp tại Singapore đã giảm từ 14% năm 1959 xuống chỉ còn 4,5% trong thập niên 1970.
Cổ phần hóa
Đến thập niên 1980, Singapore đã là một trong những công xưởng sản xuất lớn của khu vực, đồng thời là nhà sản xuất ổ cứng hàng đầu thế giới. Thế nhưng đến ngày nay, sản xuất chỉ đóng góp khoảng 20% GDP.
Nếu nhìn vào biểu đồ tăng trưởng của Singapore, nền kinh tế này có 2 giai đoạn bứt phá là cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 2000.
Nguyên nhân chính là vào cuối thập niên 1980, Singapore đã thực hiện cổ phần hóa các công ty viễn thông quốc doanh nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường. Đến đầu thập niên 2000, chính phủ tiếp tục nới lỏng các ngành tài chính hay bảo hiểm.
Nhờ đó, ngành dịch vụ của Singapore đã gia tăng đóng góp từ 24% GDP năm 1985 lên hơn 70% năm 2017. Hàng loạt các tập đoàn quốc tế bắt đầu đặt trụ sở chi nhánh khu vực tại Singapore nhờ những lợi thế về dịch vụ và thuận tiện trong hệ thống tài chính.
Sức hút của Singapore trở nên ngày một lớn với nhiều tập đoàn quốc tế và nhờ đó đóng góp nhiều hơn cho GDP. Hiện Singapore vẫn nằm trong top những quốc gia dễ làm ăn nhất thế giới.
Người dân có hạnh phúc?
Singapore là một trong những ví dụ điển hình của sự thành công khi chuyển đổi từ nền kinh tế đang phát triển sang quốc gia phát triển. Thế nhưng người dân Singapore có thực sự hạnh phúc? Câu trả lời là không hoàn toàn hạnh phúc. Nguyên nhân chính là do chi phí sinh hoạt quá cao và bất bình đẳng thu nhập lớn.
Trong vài năm trở lại đây, Singapore luôn được xếp hạng là một trong những khu vực đắt đỏ nhất thế giới, vượt qua cả thủ đô London-Anh, thành phố New York-Mỹ. Phần lớn sự đắt đỏ này là do những lệ phí như thuế xe hơi, khiến Singapore trở thành nơi đắt nhất thế giới cho việc mua và sử dụng một chiếc ô tô. Ngoài ra, Singapore cũng là nước đắt thứ 3 thế giới về khoản mua sắm quần áo.
Mặc dù vậy, những mặt hàng dịch vụ như chăm sóc y tế cá nhân, đồ gia dụng hay nhiều dịch vụ khác tại Singapore lại rẻ hơn so với các nước láng giềng nhờ cơ sở hạ tầng tốt.
Theo CNBC, mức thu nhập bình quân hàng tháng của Singapore vào khoảng 3.270 USD/người. Tuy nhiên khoảng 20% thu nhập này được người dân dùng để tiết kiệm trong ngân hàng nhằm đối phó với những tình huống phát sinh ở quốc gia có chi phí sinh hoạt thuộc hàng cao nhất thế giới. Chính điều này đã giới hạn sức tiêu dùng của người dân Singapore.
Tất nhiên, với mức thu nhập cao như trên, Singapore có đến 184.000 triệu phú đang sinh sống. Con số này khá ấn tượng với một quốc gia nhỏ bé nhưng không phản ánh hết được thực tại.
Trên thực tế, Singapore có mức bất bình đẳng thu nhập cao hơn nhiều so với các quốc gia phát triển khác. Xét theo chỉ số Gini Coefficient đo lường bất bình đẳng thu nhập, Singapore đạt 0,356 điểm vào năm 2017, đứng sau cả Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Anh về mức bình đẳng.
Tình hình nghiêm trọng đến mức nhiều cuộc khảo sát và nghiên cứu đã được thực hiện, cho thấy những người sống ở chung cư công tại Singapore khó kết bạn, cưới vợ hay có cơ hội việc làm hơn những người ở khu nhà tư nhân.
Chính phủ Singapore đã coi vấn đề này là ưu tiên cần giải quyết hàng đầu của quốc gia nhưng theo CNBC, hiện nền kinh tế này vẫn chưa có nhiều cải thiện hay những biện pháp hiệu quả nào để giải quyết tình hình.
-
Tỉ phú Malaysia chi thêm 1,7 tỉ USD cải tạo khu nghỉ dưỡng Resorts World Sentosa
16/11/2023 12:19 PMGenting Singapore của tỉ phú Lim Kok Thay đang chi thêm 2,3 tỉ đô la Singapore (1,7 tỉ USD) để cải tạo khu nghỉ dưỡng sòng bạc Resorts World Sentosa (RWS) khi giá phòng khách sạn ở Đảo quốc Sư tử tăng kỷ lục trong năm nay.
-
Thêm một bệnh viện nghìn tỉ tại Việt Nam được tỉ phú Singapore mua lại
03/10/2023 6:42 PMTập đoàn Y tế Raffles của tỉ phú Loo Choon Yong (Singapore) đã đồng ý mua phần lớn cổ phần của Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) tại TP.HCM, khi bệnh viện này đang tìm cách mở rộng hoạt động ra nước ngoài.
-
Các tỉ phú Châu Á tăng cường đầu tư vào khách sạn Singapore
22/09/2023 10:23 AMSự phục hồi du lịch mạnh mẽ của Singapore đã thu hút sự chú ý của nhiều chủ khách sạn giàu nhất khu vực. Ít nhất 10 tỉ phú, bao gồm cả Pansy Ho của Hong Kong và Sukanto Tanoto của Indonesia, hiện đang đầu tư hơn 6 tỉ đô la Singapore (4,4 tỉ USD) để xây dựng các khách sạn mới.
-
Đồng sáng lập Facebook trở thành người giàu nhất Singapore
07/09/2023 6:15 PMForbes vừa công bố danh sách 50 người giàu nhất Singapore năm 2023 và người xếp ở vị trí số 1 là Eduardo Saverin với tổng tài sản 16,8 tỉ USD.
-
Singapore đau đầu vì giá nhà
09/05/2023 8:29 AMGiá thuê nhà ở Singapore đang tăng nhanh nhất thế giới. Không chỉ người nước ngoài, những người trẻ tại đây cũng lao đao vì giá nhà và tiền thuê đắt đỏ.
-
Hành trình ông chủ công ty mẹ của Shopee trở thành người giàu nhất Singapore
06/09/2021 9:35 PMSở hữu khối tài sản trị giá 19,8 tỷ USD, chủ tịch Forrest Li vượt mặt doanh nhân Goh Cheng Liang để trở thành người giàu nhất đảo quốc sư tử.