Cập nhật 19/12/2020 9:30 AM
Warren Buffett biến Berkshire Hathaway từ một nhà máy dệt tí hon trở thành gã khổng lồ kinh doanh và đầu tư tại rất nhiều lĩnh vực, với giá trị thị trường hiện ở mức trên 500 tỷ USD.

Trong vài năm qua, điều khiến giới đầu tư cũng như các thành viên thị trường tài chính quan tâm chính là Warren Buffett, 87 tuổi, sẽ lựa chọn ai là người tiếp tục dẫn dắt Berkshire Hathaway và chuẩn bị cho tương lai của gã khổng lồ này khi không có bàn tay của “Nhà tiên tri xứ Omaha”.

Định hình người kế nhiệm

Đầu năm 2018, 2 gương mặt bí ẩn đã lộ diện, khi Warren Buffett bổ nhiệm Gregory Abel và Ajit Jain nắm giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT. Trả lời phỏng vấn CNBC, Buffett cho biết, “đây là một phần của quá trình lựa chọn người kế nhiệm”.

Quay trở lại với 2 nhân vật được lựa chọn, đâu là yếu tố khiến họ lọt vào mắt xanh của nhà đầu tư huyền thoại này. Câu trả lời phần nào đã xuất hiện từ cách đây 4 năm. Khi đó, Warren Buffett lần đầu tiên có những trao đổi thẳng thắn về vấn đề người kế nhiệm là trong bức thư gửi cổ đông Berkshire Hathaway năm 2014. Đây là bức thư nhân dịp kỷ niệm 50 chèo lái Công ty của Buffett, đồng thời cũng thể hiện tầm nhìn về tương lai 50 năm tới.

Ajit Jain (bên trái) và Greg Abel (bên phải), được cho là những người kế nhiệm ông Warren Buffett tại Berkshire Hathaway

Ajit Jain (bên trái) và Greg Abel (bên phải), được cho là những người kế nhiệm ông Warren Buffett tại Berkshire Hathaway

Theo đó, các thành viên thị trường sớm biết, con trai của Warren Buffett, Howard sẽ nắm giữ vị trí Chủ tịch không điều hành, còn 2 vị trí điều hành các hoạt động chủ chốt sẽ thuộc về người khác. Điều này tạo nên một hệ thống kiểm soát chéo và cân bằng, tháo gỡ những rủi ro thường gặp khi một nhân sự nắm giữ cả vị trí Chủ tịch và CEO.

Cũng trong bức thư này, Warren Buffett cùng đồng sự thân cận Charlie Munger đã đề cập tới những phẩm chất mà họ tìm kiếm ở những CEO kế nhiệm và sẽ gọi tên người xứng đáng khi tới thời điểm thích hợp.

Thực tế, vấn đề này đã được Warren Buffett đề cập nhiều lần, mà gần đây nhất là tại cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2017. “Tôi thực sự hy vọng chúng tôi sẽ tìm được một ai đó đã… giàu sẵn. Điều này đồng nghĩa với việc, họ đã làm việc chăm chỉ trong một thời gian dài và quan trọng nhất là động lực làm việc của họ không phải vì sẽ kiếm thêm được số tiền gấp 10 lần mình đang có”, Buffett phát biểu.

Yêu cầu thứ hai mà Buffett đặt ra đó là CEO kế nhiệm phải là một ứng viên nội bộ, bởi ông muốn người lãnh đạo phải hiểu rõ về Berkshire Hathaway.

Thứ ba, CEO phải là một người “lý trí, bình tĩnh, đưa ra quyết định dứt khoát dựa trên hiểu biết sâu rộng về kinh doanh và có khả năng thấu hiểu hành vi của con người”. Đáng chú ý, bên cạnh những phẩm chất này, CEO phải “hiểu rõ giới hạn của mình”.

Xét theo những tiêu chí lựa chọn CEO kể trên, Ajit Jain là cái tên hoàn toàn xứng đáng. Ajit Jain (66 tuổi) đã làm việc tại Berkshire trong 31 năm, đang nắm giữ vị trí điều hành toàn bộ mảng bảo hiểm, tái bảo hiểm, cũng như một số công ty con khác, trong đó đáng chú ý nhất là vị trí Chủ tịch tại Berkshire Hathaway Reinsurance Group.

Không có gì phải bàn cãi khi nhận định, bảo hiểm là mảng kinh doanh quan trọng bậc nhất của Berkshire Hathaway, khi đóng góp hơn ¼ lợi nhuận, đồng thời cung cấp nguồn tiền mặt lớn hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư tài chính, nâng cao hiệu quả của các đơn vị kinh doanh khác.

Greg Abel, 55 tuổi, đã làm việc tại Berkshire 25 năm và hiện đang là người đứng đầu Berkshire Hathaway Energy. Nếu như Ajit Jain nắm giữ vị trí Phó Chủ tịch điều hành hoạt động bảo hiểm, thì Abel là Phó Chủ tịch phụ trách mọi hoạt động kinh doanh trừ bảo hiểm. Theo đó, Greg Abel đang giữ vị trí Chủ tịch và Tổng giám đốc MidAmerican Energy, nằm trong HĐQT của các công ty từ Kraft Heinz cho tới Kern River Gas Transmissions…

Theo giới quan sát, Buffett từ lâu đã có mong muốn cất nhắc Abel lên vị trí cao hơn nữa tại Berkshire, khi thường nhắc tới Abel là “dealmaker” (người tạo ra các thương vụ) và nhấn mạnh tới kỹ năng quản lý của vị phó chủ tịch này.

Theo Buffett, Abel là một “ngôi sao’, nổi tiếng bởi sự cẩn thận, trầm lặng nhưng đầy tự tin, là vị thuyền trưởng đã đưa MidAmerican Energy trở thành 1 trong 10 nhà cung cấp năng lượng lớn nhất nước Mỹ, đóng góp gần 10% lợi nhuận của Berkshire Hathaway.

Bài học dạy con

Vị tỷ phú này có quan niệm không muốn cho con cái có tư tưởng nhà giàu, "sướng từ trong trứng" rồi sẽ lười biếng, ỷ lại, không cố gắng. Ông không muốn con cái mình có sự khởi đầu vượt quá xa so với các bạn đồng trang lứa, đặc biệt với chuyện tiền bạc, ông rất khắt khe. Người con trai út của Buffett khi còn trẻ đã từng hỏi vay tiền bố để làm dự án âm nhạc của mình nhưng cuối cùng anh chỉ nhận được một câu trả lời dứt khoát và lạnh lùng như mọi khi: "Không". Sau đó, anh vô cùng tức giận và đã không liên lạc với bố mình trong một thời gian.

Nhưng, có lẽ nhờ vậy, Peter sau này đã tự lực cánh sinh, trở thành một nhà soạn nhạc phim nổi tiếng - bản nhạc của ông cho phim "Nhảy múa cùng bầy sói", phim đạt giải Oscar cho đạo diễn và nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Từ đó, anh rất thấm thía câu nói bố đã từng nói với mình: "Cha từng nói với tôi rằng ta tin con vì con là con trai của ta và con sẽ thành công mà không cần đến sự giúp đỡ của bất kỳ ai".

Một lần khác, con gái lớn Susan ngỏ ý vay bố 41.000 USD để cải tạo nhà bếp sau khi sinh con thì cũng nhận được một câu trả lời sắc lẹm: "Đừng vay tiền bố. Hãy đến ngân hàng vay như những người khác".

Cách giáo dục của vị tỷ phú này khá nghiêm khắc với con cái mình nhưng bù lại, ở tuổi 89 hiện nay, ông hoàn toàn có thể mỉm cười vì thành công của các con mình. Họ đều tự mình cố gắng. Susan, con cả của Buffett, hiện là Chủ tịch của Quỹ Sherwood, chuyên về giáo dục và xóa đói giảm nghèo. Howard Buffett là Chủ tịch điều hành của Quỹ Howard G. Buffett, một tổ chức đầu tư vào an ninh lương thực toàn cầu và giảm thiểu xung đột. Còn Peter, một nhạc sĩ chuyên sản xuất phim, và đồng chủ tịch của NoVo Foundation, tổ chức hỗ trợ các cô gái vị thành niên, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và hỗ trợ các cộng đồng bản địa ở Bắc Mỹ.

Tỷ phú Warren Buffett.

Trong cuộc phỏng vấn với Tạp chí Fortune năm 1986, Buffett tiết lộ sẽ để lại phần lớn tài sản của mình cho Quỹ Buffet chứ không phải cho các con của ông. "Mấy đứa nhỏ sẽ phải tự tạo ra chỗ đứng của riêng chúng trên thế giới này, và chúng biết là tôi luôn ủng hộ chúng bất cứ việc gì", ông nói.

Và thay vì cho con cái một khoản tiền lớn, vị tỷ phú giàu thứ 3 thế giới khuyên rằng: “Bạn nên để cho con bạn đủ để chúng có thể làm bất cứ việc gì, nhưng cũng không nên để lại quá nhiều để chúng chẳng thể làm gì”. 90.000 USD là tài sản thừa kế duy nhất mà ba người con của Warren Buffet nhận được từ người cha tỷ phú, nhưng bù lại, họ được ông trao số tiền mặt rất lớn (khoảng một tỷ USD) để làm công việc từ thiện.

Nói về cuộc sống cá nhân, Buffett từng chia sẻ rằng một thứ mà tiền có thể mang lại cho cá nhân ông chính là sự tự do. "Cuộc sống của tôi không thể hạnh phúc hơn nữa. Trên thực tế, mọi thứ sẽ tệ đi nếu tôi có 6 hay 8 căn nhà. Vì vậy, tôi mua mọi thứ mình cần có và không thêm gì nữa bởi vì mọi thứ chẳng hề khác biệt khi vượt qua ngưỡng đó".

Theo Peter Buffett, con trai của Warren, chủ tịch Berkshire Hathaway rất yêu công việc của mình. Dù đã qua tuổi nghỉ hưu truyền thống, “nhà hiền triết xứ Omaha” vẫn dành phần lớn thời gian để làm việc.

Trong cuốn sách “Life Is What You Make It” phát hành năm 2010 của mình, Peter – một nhà soạn nhạc và nhà từ thiện – viết về những điều cha ông đã dạy về đạo đức làm việc (work ethic).

“Đối với cha tôi và bây giờ là tôi, bản chất của đạo đức làm việc bắt đầu bằng thử thách khám phá bản thân, tìm ra điều bạn yêu thích và muốn làm. Khi đó, dù công việc – có khó khăn và gian khổ - bạn vẫn thấy vui vẻ”, ông viết.

Khi Peter còn nhỏ, cha của ông thường làm việc tại nhà. Warren Buffett dành nhiều giờ trong phòng, nghiền ngẫm các bảng cân đối kế toán và phân tích hoạt động của công ty.

Peter tin rằng đam mê với công việc đã mang lại cho Warren Buffett một lượng endorphin tương tự khi các vận động viên tập luyện hết sức. Quan sát ông ấy, “tôi học được rằng công việc nên đòi hỏi nhiều sự cố gắng và sự nhiệt huyết… và điều đó sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc”.

Theo Peter, một số người nghĩ rằng, khi nói về đạo đức làm giàu cũng giống như nói về đạo đức làm việc. Những điều họ thật sự chú ý, không phải là sự khó khăn của công việc, mà là những khoản thu nhập hậu hĩnh mà công việc vất vả đó đem lại.

Vấn đề với việc tôn vinh những phần thưởng của công việc - thay vì bản thân công việc đó – là những phần thưởng luôn có thể biến mất. Những ai sống qua thời kỳ kinh tế khó khăn điều hiểu rõ điều này, Peter nói.

“Một người có thể thành công hôm nay nhưng thất bại ngày mai dù không phải lỗi của họ? Một doanh nhân xuất sắc có thể bất ngờ thành người thua cuộc vì những thay đổi trên thị trường thế giới?", ông đặt câu hỏi. “ Tại sao bạn muốn đề cao những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của mình”.

Peter cho rằng Warren Buffett không bao giờ chỉ làm việc vì tiền. “Nếu cha tôi làm việc chỉ vì tiền, những nỗ lực của ông ấy sẽ nhanh chóng trở thành thói quen – một công việc đơn thuần”.

Đó là lý do tại sao việc việc duy trì đạo đức làm việc rất quan trọng. Nó giúp mọi người không bị phân tâm vì những phần thưởng, thay vào đó là “niềm đam mê, sự tập trung và sự nghiêm túc thực hiện các mục đích” đối với công việc.

“Đó là những thứ không ai có thể lấy đi”, Peter nói.

Xem thêm bài viết về: Warren Buffett
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….