Phát biểu tại ĐHCĐ thường niên năm 2013, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội cho rằng, vì SHB, ông sẵn sàng họp đến 2-3 giờ chiều, rồi ăn mì tôm và làm việc tiếp.

Ám ảnh mang tên “nợ xấu”

Nói đến SHB sau thời điểm sáp nhập với Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank), điều mà tất cả các cổ đông quan tâm là, giải quyết bài toán nợ xấu tại SHB đến đâu. Một số ý kiến còn muốn Ban lãnh đạo SHB chia sẻ chi tiết về kế hoạch huy động, cho vay, xử lý nợ xấu.

Không trả lời thẳng về cách thu hồi nợ xấu, nhưng ông Hiển nhấn mạnh: “Nếu cổ đông băn khoăn, hãy liên lạc với SHB. Chúng tôi sẽ tập hợp các cổ đông lại, đưa quý vị đến gặp những DN có nợ xấu lớn để quý vị thấy là các DN này bây giờ đang có nợ xấu, nhưng sau này sẽ là khách hàng tốt của SHB”.

“Ngân hàng cần tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên”, cổ đông SHB nói

Ông chia sẻ thêm: “Thu hồi nợ quá hạn đã khó, nợ xấu còn khó hơn. Cá nhân đi thu hồi nợ xấu của cá nhân cũng khó, nhưng ngân hàng đi thu hồi nợ xấu lại khó gấp bội, bởi phải tuân theo nhiều quy trình, thủ tục. Có những trường hợp ngân hàng đưa vụ việc ra Tòa, nhưng xử tới 3 năm vẫn chưa xong. Ngân hàng sử dụng cả trăm phương nghìn kế, có nhân viên bị bục cả dạ dày vì thu hồi nợ…”.

Về phía cơ quan quản lý, bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết, nợ xấu của SHB tính đến thời điểm ĐHCĐ là hơn 7% trên tổng dư nợ tín dụng của SHB, thấp hơn so với mức 8,8% cuối năm 2012. Trong khi đó, nợ xấu của SHB tại thời điểm sáp nhập là gần 13,2%.

3 yếu tố quyết định hiệu quả kinh doanh

Năm 2013, SHB đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng không quá 5%, tỷ lệ an toàn vốn từ 10 - 12%, giữ nguyên vốn điều lệ 8.866 tỷ đồng. SHB đặt kế hoạch 1.146 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (quý I đạt 217,74 tỷ đồng), chia cổ tức tỷ lệ 8% vốn điều lệ.

Sau khi công bố kế hoạch trên, cổ đông đặt câu hỏi, năm 2012, SHB chỉ đạt 26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vậy kế hoạch 2013 liệu có quá cao? Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB trả lời rằng, năm 2012, lợi nhuận riêng của SHB là 1.687 tỷ đồng, tuy nhiên, do phải gánh lỗ 1.660 tỷ đồng từ Habubank nên mới có con số 26 tỷ đồng lợi nhuận. Năm nay, SHB tự tin đặt kế hoạch 1.146 tỷ đồng lợi nhuận là do có các giải pháp đồng bộ, từ việc đẩy mạnh mảng huy động vốn - cho vay, đến việc giải quyết nợ xấu, rà soát - tiết giảm chi phí, tăng trưởng hoạt động dịch vụ.

Riêng về tiết giảm chi phí, SHB đã hoàn thành việc cắt giảm các loại chi phí, trong đó có quỹ tiền lương. Báo cáo của Ngân hàng cho thấy, năm 2012, quỹ lương thực tế của Ngân hàng là 647,57 tỷ đồng, chỉ bằng 70,01% kế hoạch. Năm 2013, dù còn mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch, nhưng quỹ lương dự kiến chỉ là 800 tỷ đồng.

Chủ tịch SHB: "Ở tuổi này, đừng lo tôi làm bậy”

Phát biểu tại ĐHCĐ, một NĐT cho biết, anh là cổ đông đã gắn bó với SHB suốt 3 năm nay. “Bước khó khăn nhất của Ngân hàng đã qua. Tôi mong tất cả các cổ đông sang năm sẽ nhận được kết quả tích cực”, vị cổ đông này nói.

Tuy nhiên, ngoài những ý kiến khen, nhiều cổ đông cho rằng, giá cổ phiếu SHB quá thấp, quyền lợi của cổ đông bị ảnh hưởng, nên Ngân hàng cần có chiến lược truyền thông phù hợp. Các cổ đông cũng gửi gắm nỗ lo của họ về việc làm sao để giám sát, giáo dục và tăng cường đạo đức người hành nghề tín dụng, tránh tình trạng nhân viên tín dụng đẩy giá tài sản lên cao và cho vay gây rủi ro cho Ngân hàng? Làm sao để Ngân hàng đẩy mạnh thu hồi nợ? Làm sao để HĐQT chủ động hơn trong các quyết định về các khoản đầu tư, nhưng không gây rủi ro cho Ngân hàng?... Ngoài trả lời trực diện các câu hỏi trên, ông Hiển chia sẻ: “Ở tuổi này, các vị đừng lo tôi làm bậy. Vì bao nhiêu cổ đông như thế, ai họ để cho tôi yên nếu tôi làm sai?”. Ông hỏi cũng như một lời nhắn: “Tại sao các cổ đông không đóng góp ý kiến hàng ngày cho Ngân hàng nhỉ? Sao phải chờ đến kỳ họp ĐHCĐ chỉ có mấy giờ rồi mới đóng góp ý kiến”.

Chủ tịch SHB và những câu nói ấn tượng tại Đại hội

“Nhân viên nhiều người sợ họp, nhưng tôi sẵn sàng họp đến 2-3 giờ chiều, rồi ăn mì tôm và làm việc tiếp”.

“Đi về nhà máy Bianfisco, chúng tôi làm việc rất vất vả, ăn bánh mì để kịp thời gian làm việc, thậm chí tôi ăn bánh mì có lẫn cái dây chun còn tưởng đấy là thịt”.

“Tôi đen lắm, động vào cổ phiếu đang lên, không phải là mua đâu, mà là xui người quen mua, là giá giảm ngay. Hai năm qua tôi cũng không giao dịch chứng khoán gì, vì ở vị thế mình, sợ bị cho là làm giá”.

Bùi Sưởng (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.