Trả đủ lương dù nhân viên chỉ làm việc 4 ngày một tuần, công ty ở Australia vẫn tăng 46% doanh thu và lợi nhuận tăng gấp 3.

Zing.vn trích dịch bài viết trên BBC về việc một số công ty ở Australia, Mỹ, Anh... cho phép nhân viên có thêm ngày nghỉ và giảm bớt giờ làm để tăng hiệu suất làm việc.

Sáng thứ 4, khi những người khác đang làm việc trong văn phòng, trường học, siêu thị, Tiffany Schrauwen (Australia) vui vẻ đến sân tennis. Cô tập luyện đến 9h.

Suốt gần một năm nay, công ty quảng cáo Versa nơi cô làm việc luôn nghỉ vào thứ tư và vẫn trả đủ mức lương dù nhân viên chỉ phải đi làm 4 ngày mỗi tuần.

Lịch trình tất cả các cuộc họp được sắp xếp tránh ngày thứ 4. Chỉ trong trường hợp khẩn cấp, khách hàng gặp vấn đề quá quan trọng, nhân viên mới bị gọi làm thêm.

Sau khoảng một năm áp dụng chính sách thêm ngày nghỉ giữa tuần, doanh thu của công ty Versa đã tăng lên đến 46%, lợi nhuận tăng gấp 3 lần.

Tiffany Schrauwen có thêm ngày nghỉ giữa tuần để thoải mái thư giãn.

Tuần làm 4 ngày, lợi nhuận tăng gấp 3

Lần đầu tiên được nghe về lịch làm việc mới với ngày nghỉ giữa tuần, Schrauwen vô cùng hào hứng. Tuy nhiên cô vẫn khá lo lắng liệu với từng đó ngày làm việc có đủ để giải quyết hết khối lượng công việc của mình hay không.

Là người quản lý dự án, cô phải liên hệ với cả nhân viên và khách hàng, chịu áp lực nhiều mặt từ deadline, các mối quan hệ, kết nối.

Nhưng các nhân viên của công ty cô đã sắp xếp lại tổ chức, cách thức hoạt động để có thể làm việc hiệu quả, trơn tru hơn. Một số nội dung công việc sang ngày cuối tuần, các buổi họp tập trung hơn và ít thời gian bị bỏ phí.

Cứ 2 tuần, công ty sẽ tổng kết lại những điều đã đạt được và các thiếu sót còn gặp phải.

Với kế hoạch làm việc đặc biệt, không chỉ nhân viên có thêm thời gian nghỉ ngơi, tinh thần phấn chấn mà năng suất làm việc và lợi nhuận công ty thu được cũng tăng cao.

"Mọi người đều thích lịch trình linh hoạt này nên làm việc hiệu quả hơn. Nếu muốn tiếp tục nghỉ vào thứ tư, tôi sẽ chuẩn bị chu đáo hơn cho tuần mới", Schrauwen nói.

Tuần làm 4 ngày, nhân viên có thể hẹn hò, đi chơi hay đơn giản là ở nhà ngủ nướng.

Kath Blackham - nhà sáng lập của Versa - là người sáng tạo ra ý tưởng đặc biệt này. "Chúng tôi thành công vì biết cách tạo nên cách làm việc tuyệt vời", bà nói.

Bản thân có hai con nhỏ, Blackham mong muốn tạo ra môi trường làm việc có hiệu suất cao, đồng thời vẫn tôn trọng và đáp ứng nhu cầu tự do, linh hoạt khác nhau của nhân viên.

"Những gì tôi tạo nên chứng tỏ một điều rằng khi làm việc trong ngành đặc biệt như dịch vụ, mọi việc có thể hiệu quả hơn nhiều chỉ cần bạn sáng tạo", Blackham bày tỏ.

Nghỉ giữa tuần giúp nhân viên của bà có thời gian đến phòng tập gym, làm việc nhà, chăm sóc con cái, hẹn hò, thực hiện dự án riêng hoặc chỉ đơn giản là nằm dài xem phim trên Netflix.

Từ khi áp dụng lịch trình làm việc mới, công ty nhận nhiều phản hồi tích cực, số ngày xin nghỉ ốm của nhân viên giảm xuống và sự hài lòng của họ tăng lên.

Thứ 4 là ngày nghỉ được yêu thích nhất

Nói về lý do tại sao lại chọn ngày nghỉ thêm vào thứ 4 mà không phải thứ hai hay thứ sáu, Blackham giải thích vì nhân viên thường có cảm giác nhiều năng lượng vào ngày đầu tuần, bà quyết định chia một tuần làm việc thành "hai-tuần-mini".

Như vậy, các nhân viên sẽ cảm giác như có 2 ngày thứ hai với năng lượng ổn định, không quá mệt mỏi giống như khi phải làm hết 5 ngày dài lê thê.

Còn nếu để nhân viên tự chọn ngày nghỉ tùy ý sẽ không thể thống nhất trong lịch trình, khiến nhịp làm việc của công ty cũng như khách hàng bị rối, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Jarrod Haar, giáo sư chuyên ngành quản lý nhân lực Jarrod Haar ở Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand), không ngạc nhiên khi chính sách này mang lại kết quả cao cho công ty Versa.

Haar từng phỏng vấn nhiều nhân viên trong 4 tuần liên tục và họ đều nói rằng ngày nghỉ thích nhất là thứ tư. Họ sẽ có thêm nhiều năng lượng để trở lại làm việc vào thứ năm.

Vì vậy nghỉ ngày thứ tư là lựa chọn bà cảm thấy hợp lý nhất.

Nhiều quốc gia ủng hộ việc giảm giờ làm để nhân viên có thời gian chăm sóc gia đình, có thời gian cho bản thân.

Andrew Barnes, CEO của Perpetual Guardian, cũng cho nhân viên của mình làm việc 4 ngày một tuần khi biết tới một nghiên cứu chỉ ra một ngày người ta chỉ làm việc tập trung nhất khoảng 2 tiếng rưỡi.

Thực tế, việc một tuần làm việc 5 ngày được nhà sản xuất hãng xe Henry Ford đưa ra năm 1926 vì cho rằng nghỉ cuối tuần sẽ giúp công nhân có thể nghỉ ngơi, lấy lại sức làm việc.

Gần 100 năm qua, các tổ chức lao động trên thế giới liên tục xem xét lại và thời gian làm việc ngày càng được rút ngắn. Anh và Ireland là những nước đồng thuận với chế độ làm việc 4 ngày một tuần.

Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng thành công khi thử nghiệm chính sách giảm thời gian làm việc.

Một viện dưỡng lão ở Gothenburg (Thụy Điển) từng áp dụng chế độ làm việc 6 tiếng mỗi ngày. Họ nhận thấy số ngày xin nghỉ giảm và hiệu suất công việc tăng lên nhưng bù lại họ phải tốn thêm chi phí thuê người làm bù vào thời gian nhân viên nghỉ sớm.

Một số công ty khởi nghiệp ở Mỹ phải quay lại làm việc 5 ngày một tuần bởi khi thử áp dụng làm 4 ngày, công ty giảm sức cạnh tranh còn nhân viên áp lực hơn.

Dù còn nhiều bất cập, nhiều người vẫn ủng hộ chế độ làm 4 ngày một tuần vì nó giúp giảm bớt căng thẳng, mang lại cuộc sống tốt hơn cho nhân viên.

Đinh Phạm (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.