Từ một người thợ làm bún có cuộc sống khó khăn, anh Bùi Thanh Tú (xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) đã trở thành triệu phú nhờ chế tạo thành công các loại máy làm bún, bánh hỏi.

Anh Bùi Thanh Tú bên chiếc máy bánh hỏi - Ảnh: Thanh Dũng

Máy làm bánh hỏi tự động
Học xong cấp 1, anh Tú đã phải bỏ học để phụ giúp gia đình. Sau khi cưới vợ, anh làm nhiều nghề nhưng vẫn không thoát khỏi cái nghèo. Thế rồi, cơ hội đổi đời đến khi anh về gia đình bên vợ ở Long Thuận sống bằng nghề làm bún. Anh Tú nhớ lại: “Lúc đó, hay tin có chỗ bán máy làm bún tôi lấy làm lạ, vì không hiểu máy này sản xuất ra để làm gì. Nhưng khi đi xem máy hoạt động, tôi quá ấn tượng, ham cái máy lắm nhưng đâu có tiền mua”.
Vậy rồi, khi có dư ít tiền, anh Tú liền mua sắt thép, thiết bị về lắp thử. Do chưa từng học qua nghề cơ khí nên lúc đầu, anh gặp không ít khó khăn. Nhưng nhờ kiên trì “ráp tới ráp lui”, cuối cùng anh cũng thành công. Sau đó, anh để vợ tiếp tục làm bún, còn anh mở cơ sở nhỏ sản xuất máy làm bún, làm phở. Cái máy của anh Tú được nhiều người thích, tìm đến đặt hàng vì lúc làm thợ bún, anh đã nắm rõ các cơ sở sản xuất bún cần loại máy như thế nào.
Năm 2006, thấy thị trường máy làm bún đã bão hòa, anh Tú quyết định chuyển hướng chế tạo dây chuyền sản xuất bánh hỏi tự động. Suốt ngày anh lao vào nghiên cứu, hết mua phụ tùng này đến thiết bị khác nên căn nhà như cái kho chứa hàng “lạc xoong”. Anh Tú kể: “Tôi chế máy làm bánh hỏi thành công ai cũng ngạc nhiên. Rất đông người tới xem và đặt hàng dù cái máy trị giá trên 300 triệu đồng. Máy này có ưu điểm là mỗi giờ làm được 200 kg bánh hỏi, trong khi với số lượng tương đương, nếu làm thủ công phải mất 4 - 5 giờ. Ngoài ra, máy chỉ cần một người đứng canh chừng vận hành nên giảm được số nhân công so với làm thủ công”.
Anh Tú kể khi có khách tới đặt mua máy, anh đều hỏi cặn kẽ cơ sở sản xuất bánh hỏi của khách lớn hay nhỏ. Nếu cơ sở làm một ngày chỉ 300 - 400 kg bánh hỏi và khách thiếu vốn, anh tư vấn không nên vay tiền mua máy vì sinh lãi cao, sản xuất nhỏ khó thu hồi vốn đầu tư. Anh Tú nói rằng anh từng trải qua khó khăn nên thấm thía cái nghèo và nợ nần, vì thế nên không chạy theo doanh thu, ai đến mua cũng bán.
Tiếp tục sáng chế
Theo lời anh Tú, từ năm 2006 - 2014, anh đã cung cấp hàng trăm chiếc máy làm bánh hỏi cho các tỉnh thành trong cả nước, thu lợi mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Thậm chí, Việt kiều ở Đài Loan, Campuchia, Mỹ, Úc, Hàn Quốc... nghe bạn bè truyền tai cũng tới tìm hiểu và đặt hàng. Nguyên lý hoạt động của máy làm bánh hỏi cũng khá đơn giản. Bột bánh chạy qua các ổ van nhỏ bị phân chia thành các sợi bánh li ti. Sau đó, các cọng bánh chạy đều lên băng chuyền thành lọn bánh dài và bị trục ép cắt thành từng lọn nhỏ. Các lọn bánh này tiếp tục được băng chuyền vận hành chạy đều về phía trước. Cuối băng chuyền, 2 nữ nhân công nhanh tay bốc bánh cho vào giỏ… Các lọn bánh bóng đẹp, dai, không bị gãy nát.
Anh Tú nói thành công từ máy làm bánh hỏi đã tiếp thêm động lực để anh chế thêm các loại máy khác. Hiện anh đang ráo riết hoàn thành máy làm đậu hũ tự động để tung ra thị trường trong năm nay; đồng thời đang nghiên cứu máy hút mùi cho các cơ sở sản xuất thực phẩm...
Chiếc máy làm bánh hỏi của anh Tú được Sở Công thương Đồng Tháp công nhận là 1 trong 11 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2014. Còn tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu lần thứ 9 năm 2014, chiếc máy làm bánh hỏi của anh Tú được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam.
Thanh Dũng (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.