3 nữ đại gia của Việt Nam được có tên trong danh sách “Những nữ doanh nhân quyền lực của khu vực châu Á năm 2014” đều là những nữ tướng đến từ các các công ty lớn, có doanh thu hiếm khi dưới 100 triệu USD, thậm chí thường phải là 1 tỷ USD.

Trong danh sách “Những nữ doanh nhân quyền lực của khu vực châu Á năm 2014”(2014 Forbes Asia Power Businesswomen) được tạp chí Forbes công bố đợt đầu năm, có 3 “nữ tướng” xinh đẹp và của Việt Nam là Chủ tịch ngân hàng SeABank, CEO Vinamilk và CEO REE.

Để có mặt trong danh sách này của Forbes, các nữ doanh nhân phải đáp ứng đủ các tiêu chí như: có doanh thu hiếm khi dưới 100 triệu USD, thậm chí thường phải là 1 tỷ USD, mức độ vai trò quan trọng, tham gia như thế nào vào điều hành công ty, doanh nghiệp...

Bà Nguyễn Thị Nga (59 tuổi) - Chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank).

Trong danh sách “Những nữ doanh nhân quyền lực của khu vực châu Á năm 2014” của Tạp chí Forbes, bà Nga đứng vị trí số 29, và là một trong những nữ doanh nhân giàu nhất Việt Nam với số cổ phần lớn trong ngân hàng – – Khu du lịch nghỉ dưỡng – Bán lẻ.

Được “đồn thổi” là một trong những nữ doanh nhân giàu nhất Việt Nam, hiện bà là Chủ tịch của SeABank, ngân hàng thương mại có tài sản 3,6 tỷ USD, trong đó ngân hàng Pháp Societe Generale có 20% cổ phần.

Bà Nga còn làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH Thung lũng Vua. Đây chính là nền tảng để bà xây dựng Tập đoàn BRG – hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản.

Tập đoàn BRG do bà Nguyễn Thị Nga đứng đầu gồm các thành viên: SeABank, sân Golf quốc tế Đảo Vua – Kings’ Island Golf Resort (Sơn Tây, Hà Nội); khu nghỉ dưỡng ven biển và sân Golf Quốc tế Đồ Sơn Seaside Golf Resort (Hải Phòng); khu vui chơi và sân Golf quốc tê Legend Hill - Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội); khách sạn Hilton Hanoi Opera, khách sạn Hilton Vineyard Inn... Không dừng lại ở đó, người phụ nữ quyền lực này còn là Chủ tịch CTCP Intimex Việt Nam từ năm 2009.

Năm 2013 những doanh nghiệp đó đã mang về cho bà Nga số tài sản khổng lồ lên tới 435 triệu USD.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch kiêm CEO công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE)

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh (sinh ngày 25/12/1952, quê tại Tây Ninh), Chủ tịch kiêm CEO Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), vừa được Tạp chí Forbes vinh danh và đứng thứ 28 trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (ASIA Power Businesswomen) năm 2014.

Tạp chí Forbes khen ngợi: Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí điện tại Đại học Karl-Marx-Stadt (Đức), từ năm 1982, bà gia nhập REE với vị trí là một kỹ sư, sau đó bà đã trở thành lãnh đạo công ty này từ năm 1985. Từ đó, bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã giúp REE thoát khỏi cảnh chật vật nhờ máy điều hòa Reetech. Đây cũng là công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2000.

CTPC Cơ điện lạnh (REE) trước đây là một xí nghiệp cơ điện lạnh thuộc sở hữu Nhà nước, sau CPH đã phát triển mạnh mẽ, nổi lên là một trong những DN tốt nhất trên TTCK với lợi nhuận tăng ấn tượng.

Theo Forbes, bản danh sách đã được thực hiện sau những lựa chọn không hề dễ dàng dựa trên một loạt tiêu chuẩn. Trong đó, nữ doanh nhân được chọn phải đến từ các các công ty lớn, có doanh thu hiếm khi dưới 100 triệu USD, thậm chí thường phải là 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, vai trò của nữ doanh nhân trong công ty cũng giữ vai trò quan trọng, nếu nữ doanh nhân là người lãnh đạo công ty thì đó sẽ là một lợi thế lớn trong quá trình đánh giá.

Và ngoài ra, sự lựa chọn còn dựa trên việc nữ doanh nhân tham gia như thế nào vào điều hành công ty, với ưu thế thuộc về những người tham gia điều hành công ty hàng ngày.

Thành công của CTPC Cơ điện lạnh (REE) gắn liền với vai trò cá nhân bà Nguyễn Thị Mai Thanh, người đã dẫn dắt REE đột phá sang các mảng mới sinh lời lớn như BĐS trong vài năm trước và gần đây là đầu tư tài chính vào lĩnh vực năng lượng.

Hiện bà Thanh là chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ; con trai Nguyễn Ngọc Thái Bình là thành viên HĐQT (trong tổng số 5 người) và là giám đốc tài chính REE. Bà và chồng bà đang là 2 cổ đông cá nhân lớn nhất (với tổng cộng gần 11%); con gái Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh cũng nắm giữ gần 1,3% cổ phiếu.

Sự giàu có cũng như những ảnh hưởng của bà Thanh lên REE rất rõ ràng và có lẽ đó là kết quả của sự gắn bó phần lớn cuộc đời của bà Thanh, suốt từ năm 1982 cho tới nay.

REE hiện đầu tư mạnh vào các công ty sản xuất và kinh doanh điện, than và nước sạch. Phi vụ thành công nhất trong năm vừa qua là chi hơn 700 tỷ mua cổ phần của Nhiệt điện Phả Lại và hiện giá cổ phiếu Phả Lại đã tăng gấp đôi so với giá REE mua vào.

Bà Mai Thanh và gia đình hiện đang nắm giữ lượng cổ phiếu REE trị giá hơn 900 tỷ đồng, trong đó cá nhân bà nắm giữ khoảng 300 tỷ đồng. Năm 2013, bà Mai Thanh được xếp trong top 20 phụ nữ giàu nhất TTCK Việt Nam năm 2013.

Bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vinamilk

Đứng thứ 23/48 trong danh sách, bà Mai Kiều Liên (Chủ tịch Hội đồng quản trị và là CEO của Vinamilk, 60 tuổi) tiếp tục là cái tên được nhắc đến trong bảng xếp hạng của tạp chí danh tiếng này.


Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) trở thành người phụ nữ Việt Nam duy nhất 3 lần được tạp chí Forbes (tạp chí hàng đầu thế giới của Mỹ chuyên bình chọn các nhân vật nổi tiếng và có thế lực trên - PV) vinh danh là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á với lời ca ngợi: “Vị giám đốc điều hành năng động này đã biến Vinamilk trở thành một trong những doanh nghiệp chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. Xây dựng Vinamilk không những trở thành một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận nhất mà còn được kính trọng trên khắp châu Á”.

Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên (sinh năm 1953) sinh ra và lớn lên ở Pháp. Dưới thời Liên Xô cũ, bà sang Moscow học ngành chế biến sữa. Năm 1976, sau khi lấy được tấm bằng kỹ sư, bà trở về Việt Nam với mong muốn được cống hiến tài năng và sức trẻ cho Tổ quốc.

Trở về quê hương, bà làm việc cho Công ty sữa và cà phê miền Nam, tiền thân của Vinamilk, và có nhiều đóng góp trong việc hiện đại hóa doanh nghiệp này của Việt Nam. Từ công việc ban đầu là kỹ sư, bà Mai Kiều Liên lên chức Trưởng ca, rồi Phó Giám đốc Kỹ thuật, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh tế và đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến nay. Năm 2003, khi Vinamilk được cổ phần hóa, bà kiêm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Từng ấy năm công tác và lãnh đạo, nữ doanh nhân Mai Kiều Liên đã có nhiều đóng góp to lớn giúp Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong nước và có vị thế trên quốc tế. Đồng thời, cũng tiên phong trong việc đáp ứng nhu cầu sữa của người Việt và phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành sữa Việt Nam. Chính vì thế mà tạp chí Forbes đã đề cao rằng: “Doanh nhân Mai Kiều Liên không những đã xây dựng Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận nhất mà còn được kính trọng trên khắp châu Á”.

Sau gần 40 năm gắn bó và hơn 20 năm giữ cương vị Tổng giám đốc Vinamilk, điều khiến bà Mai Kiều Liên tâm đắc nhất đó là tập thể lãnh đạo cùng kỹ sư, cán bộ, công nhân của Công ty đã xây dựng được “Văn hóa Vinamilk”. Đó là tất cả từ người kinh nghiệm lâu năm đến người trẻ, ai cũng coi Vinamilk là gia đình thứ hai của mình, cùng nhau chia sẻ mọi thứ trong công việc cũng như trong cuộc sống, giúp nhau vượt qua khó khăn và cùng tự hào với những thành quả đạt được của Vinamilk.

Trở thành một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á, có thể nói bà Mai Kiều Liên đã tự hào sánh vai với các nữ lãnh đạo của những tập đoàn nổi tiếng trên thế giới như HSBC, Singapore Telecom, Temasek, Morgan Stanley, Huyndai, Nomura, JP Morgans, Horizons Ventures; trong đó có người giàu nhất nước Úc là bà Gina Rinehart, trùm khai thác mỏ ở Perth và bà Hyun Jeong-Eun, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc.

Dưới sự chèo lái của bà, thị trường xuất khẩu của Vinamilk đã vươn tới 31 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, kể từ khi niêm yết vào năm 2006, cổ phiếu của Vinamilk luôn được xem là cổ phiếu blue-chip (cổ phiếu của những công ty hàng đầu, luôn nhận được nhiều sự quan tâm nhất của giới đầu tư chứng khoán) trên thị trường chứng khoán, bởi không chỉ vì doanh nghiệp này có quy mô vốn lớn, thương hiệu uy tín mà còn vì kết quả kinh doanh luôn tăng trưởng tốt, hiệu quả hoạt động cao.

Ngoài việc được tạp chí Forbes 3 lần tôn vinh, tháng 7/2012, bà Mai Kiều Liên còn được Tạp chí Quản trị Doanh nghiệp châu Á trao giải thưởng “Asian Excellence recognition Awards 2012” (Những cá nhân/công ty xuất sắc nhất châu Á năm 2012) với danh hiệu “Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc của châu Á trong lĩnh vực Quan hệ với nhà đầu tư”. Đây cũng là lần thứ hai bà được tạp chí này vinh danh; trước đó vào tháng 5/2012, bà đã được bình chọn cho danh hiệu “Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất khu vực châu Á trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp”.

Xem thêm bài viết về: Bà Nguyễn Thị Mai Thanh
Ngọc Anh (Người đưa tin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.