Cập nhật 17/01/2021 11:40 AM
Gói kích thích mới sẽ tạo nền tảng cho số việc làm tăng vọt và thúc đẩy chi tiêu cần thiết để tránh tổn thương dài hạn do suy thoái.

Cách đây vài giờ, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD, ngoài 900 tỷ USD đã được thông qua tháng trước. Giới phân tích cho rằng gói mới có thể tạo nền tảng cho số việc làm tăng vọt và thúc đẩy chi tiêu cần thiết để tránh tổn thương dài hạn từ đợt suy thoái do đại dịch.

Các nhà phân tích đã nâng dự báo tăng trưởng cho năm nay ngay sau khi kết quả bầu cử tại Georgia cho thấy đảng Dân chủ kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện. Dù vậy, nhiều người chỉ kỳ vọng khoản kích thích bổ sung nhỏ hơn nhiều.

Việc chi lớn cho triển khai vaccine, xét nghiệm và hỗ trợ chính quyền địa phương có thể giúp Mỹ nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế này. Đề xuất của chính quyền mới gồm các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu mà các chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ tạo hiệu quả kích thích kinh tế cao nhất.

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden trong một sự kiện ở Delaware ngày 10/1. Ảnh: Reuters

Theo đó, trợ cấp thấp nghiệp tuần sẽ tăng từ 300 USD lên 400 USD. 170 tỷ USD sẽ dành để mở cửa lại các trường học. Tại rất nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, trường học đóng cửa đã buộc hàng triệu lao động, đặc biệt là phụ nữ, phải nghỉ việc.

Trợ cấp cho mỗi người dân Mỹ cũng tăng thêm 1.400 USD, lên tổng cộng 2.00 USD. Số tiền này có thể được chi cho thuê nhà, mua đồ ăn, hoặc dành dụm để sau này chi tiêu khi vaccine giúp cuộc sống trở lại bình thường.

Gói cứu trợ này xuất hiện trong thời điểm quan trọng với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đợt bùng phát mới vào mùa đông đã khiến thị trường lao động vốn đang hồi phục đột ngột đảo chiều. Mỹ mất 140.000 việc làm tháng trước, đặc biệt là việc làm thu nhập thấp tại các nhà hàng, quán bar và các ngành dịch vụ khác.

Gói kích thích này vẫn cần được Quốc hội Mỹ thông qua. Nếu được phê duyệt, tổng giá trị các gói kích thích tài khóa Mỹ đã tung ra kể từ khi đại dịch bắt đầu là 5.200 tỷ USD, tương đương một phần tư GDP nước này.

Ryan Sweet - nhà kinh tế học tại Moody’s ước tính chừng đó là đủ giúp đến quý III năm nay, nền kinh tế lấy lại toàn bộ mức giảm do suy thoái. Tuy nhiên, "đà hồi phục của thị trường lao động sẽ cần nhiều thời gian hơn".

Kế hoạch của Biden sẽ được chào đón tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Năm ngoái, các lãnh đạo Fed đã phàn nàn phản ứng tài khóa của chính phủ trong đại dịch là không đủ. Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết việc chính phủ chi tiền sớm đã giúp nền kinh tế tránh khỏi tình trạng tệ hơn rất nhiều.

Và rõ ràng là Fed sẽ không phản ứng với việc chính phủ tăng kích thích như khi Trump giảm thuế, tức là sẽ không thắt chặt dần chính sách tiền tệ. "Bây giờ không phải là lúc nói về việc chấm dứt", Powell nói. Cơ quan này đã hạ lãi suất xuống gần 0% từ năm ngoái, đồng thời áp dụng chương trình mua lại trái phiếu chưa từng có tiền lệ.

Hiện tại, 10,7 triệu người Mỹ đang thất nghiệp. Tỷ lệ lên tới 6,7%, gần gấp đôi tiền đại dịch. Fed đã cam kết giữ lãi suất ở mức hiện tại đến khi lạm phát chạm mục tiêu 2% và gần như toàn bộ lao động có việc làm.

Dù vậy, một số người lo ngại các gói kích thích khổng lồ sẽ tạo ra sự bùng nổ kinh tế năm nay và khiến giá tài sản tăng vọt. "Tôi không biết liệu chúng ta đã hiểu hết tất cả tác động của việc bơm nhiều tiền như thế này vào nền kinh tế khi phần lớn các lĩnh vực vẫn đang vật lộn trong đại dịch hay chưa?", Tim Duy - Giáo sư kinh tế tại Đại học Oregon cho biết.

Xem thêm bài viết về: Joseph Robinette Biden
Hà Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….