Quyết định kiềm chế tính thống trị của các tập đoàn hàng đầu của Biden gây ra loạt tranh cãi về thiệt - hơn cho kinh tế Mỹ.

Hôm thứ Sáu (9/7), Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký một lệnh hành pháp nhằm tăng cường cạnh tranh trong nền kinh tế quốc gia và hạn chế sự thống trị của các doanh nghiệp hàng đầu. Đây là vấn đề khiến ông cho rằng đã dẫn đến giá cả cao hơn và ít lựa chọn hơn cho người tiêu dùng; còn giới lao động thì bị giảm lương và hạn chế quyền tự do thay đổi công việc.

Nhà Trắng khuyến khích các cơ quan liên bang thực hiện nhiều hành động, chẳng hạn như xem xét chặt hơn ngành công nghệ, giảm mức phí cao của các chủ hàng đường biển và cho phép bán thiết bị trợ thính không cần kê đơn.

"Những gì chúng ta thấy trong vài thập kỷ qua là ít cạnh tranh hơn và sự tập trung nhiều hơn đang kìm hãm nền kinh tế", Biden nói và nhắc đến các ngành như nông nghiệp, công nghệ và dược phẩm. "Thay vì cạnh tranh vì người tiêu dùng, họ đang thâu tóm đối thủ. Thay vì giành công nhân, họ đang tìm cách để chiếm ưu thế về lao động", ông tuyên bố.

Lệnh này sẽ thành lập Hội đồng Cạnh tranh của Nhà Trắng, do Brian Deese, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia đứng đầu. Hội đồng này có nhiệm vụ "điều phối phản ứng của chính phủ liên bang trước sức mạnh ngày càng tăng của các tập đoàn lớn trong nền kinh tế".

Trong một tuyên bố riêng, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland nói rằng sẽ làm việc chặt chẽ về vấn đề cạnh tranh với các cơ quan chức năng khác trong chính phủ. Hoạt động này có thể bao gồm việc xem xét các thương vụ sáp nhập đang được các cơ quan khác phụ trách liệu có nguy cơ làm giảm cạnh tranh không.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ý lệnh hành pháp mới về chống độc quyền hôm 9/7. Ảnh: NYT.

Động thái của Biden cho thấy chính quyền ngày càng quan tâm hơn về cảnh báo của một số nhà kinh tế rằng sự cạnh tranh giảm sút đang cản trở sức sống của nền kinh tế. Vì thế, một số đã ăn mừng, trong khi số khác chỉ trích gay gắt.

Một số nhà lập pháp và học giả bày tỏ sự ủng hộ, cho rằng cần mạnh mẽ thực thi luật chống độc quyền và có thể viết lại nó hoàn toàn. Theo họ, nếu không có hành động quyết liệt, người tiêu dùng sẽ có ít sự lựa chọn hơn, các nhà cung cấp của các công ty lớn hơn sẽ bị chèn ép, và các tập đoàn khổng lồ sẽ chỉ phát triển mạnh hơn.

David Segal, CEO của nhóm Demand Progress, cho biết trong một tuyên bố rằng lệnh này đại diện cho những điều tiến bộ mà những người ủng hộ sự cạnh tranh đã vận động trong nhiều năm, thậm chí là hàng thập kỷ.

Các doanh nghiệp nhỏ, thương nhân và nông dân cũng lên tiếng ủng hộ. Liên đoàn Cục Trang trại Mỹ cho biết kế hoạch của tổng thống tạo ra cơ hội để giải quyết tình trạng mất cân bằng trong ngành. "Nhiều cơ hội hơn cho nông dân và chủ trang trại bán sản phẩm với giá công bằng, cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho các gia đình Mỹ", Zippy Duvall, Chủ tịch Liên đoàn, đánh giá.

Đảng Cộng hòa thì đồng ý với ông Biden và đảng Dân chủ trong một số trường hợp về cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng họ cũng phản bác lập luận Mỹ có nhiều vấn đề về tập trung kinh tế. Đảng này nói chính quyền Biden bắt đầu từ một tiền đề sai lầm và có nguy cơ khiến nền kinh tế kém hiệu quả hơn.

Nhóm vận động hành lang kinh doanh lớn nhất ở Washington, Phòng Thương mại Mỹ, cũng chỉ trích. Neil Bradley, Giám đốc chính sách của nhóm, cho biết lệnh này được xây dựng dựa trên "niềm tin thiếu sót" rằng nền kinh tế Mỹ đang quá tập trung, trì trệ và không tạo ra được đầu tư tư nhân cần thiết để thúc đẩy đổi mới.

"Những tuyên bố như vậy là không phù hợp với thực tế, vì nền kinh tế của chúng ta đã được chứng minh là có khả năng phục hồi và vẫn là niềm ghen tị của thế giới", ông Neil Bradley nói.

Joshua Bolten, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Business Roundtable, một hiệp hội các CEO, cũng bày tỏ lo ngại phạm vi rộng lớn và những tác động tiềm ẩn của lệnh hành pháp chống độc quyền mới "có thể làm suy yếu hơn là việc nâng cao khả năng cạnh tranh của Mỹ".

Việc nhắm mục tiêu vào ngành công nghệ sẽ gây nguy hiểm cho "các dịch vụ miễn phí mà người tiêu dùng sử dụng để nhắn tin và gọi điện cho những người thân yêu, nhận chỉ đường, kết nối với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, tiêu thụ nội dung trực tuyến - bao gồm cả tin tức và nội dung giáo dục - và nhiều hơn nữa", TechNet, một nhóm đại diện cho các nhà điều hành cấp cao công nghệ, tuyên bố.

Ông Biden đã đưa một số nhà phê bình lớn về cạnh tranh vào vị trí lãnh đạo. Tại Nhà Trắng, ông đã bổ nhiệm Tim Wu, giáo sư luật Đại học Columbia và là người thẳng thắn đề xuất việc chia tay các công ty như Facebook, làm cố vấn đặc biệt về cạnh tranh. Để lãnh đạo Ủy ban Thương mại Liên bang, ông bổ nhiệm bà Lina Khan, người đã làm việc trong cuộc điều tra chống độc quyền của Hạ viện đối với Amazon, Apple, Facebook và Google.

Nhưng ông Biden có thể gặp khó khăn trong việc giải quyết sự suy giảm cạnh tranh ở các khu vực đa dạng của nền kinh tế - bao gồm Thung lũng Silicon, Phố Wall, chuỗi nhà hàng và mạng lưới bệnh viện lớn - nếu chỉ thông qua hành động điều hành.

Các chuyên gia cảnh báo rằng trong nhiều lĩnh vực, tổng thống sẽ cần làm việc với Quốc hội để thay đổi luật liên bang nếu ông hy vọng có được thành công hơn so với cựu Tổng thống Donald Trump, người cũng từng ban hành các lệnh hành pháp tập trung vào cạnh tranh và đã nhìn thấy kết quả hạn chế từ chúng.

Bản thân mệnh lệnh của ông Biden không đặt ra các yêu cầu mới đối với cộng đồng doanh nghiệp. Sự thành công trong nỗ lực của Nhà Trắng có thể phụ thuộc vào việc các cơ quan trong chính phủ thúc đẩy thực hiện ra sao, vốn có khả năng phải đối mặt với các thách thức của tòa án.

Các tòa án liên bang cũng đã thực hiện một cách tiếp cận thận trọng đối với luật chống độc quyền trong những thập kỷ gần đây, cho thấy lệnh này có thể khó có hiệu lực lâu dài như thế nào. Tháng trước, một thẩm phán đã bác đơn kiện từ Ủy ban Thương mại Liên bang cho rằng Facebook đã vi phạm luật chống độc quyền khi thâu tóm các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn là Instagram và WhatsApp. Thẩm phán đã cho cơ quan này 30 ngày để làm lại hồ sơ vụ việc.

William J. Baer, người lãnh đạo bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp trong thời chính quyền Obama, nói rằng các tòa án thường "xem xét cẩn thận" các hướng dẫn hành pháp mới về hoạt động sáp nhập từ Nhà Trắng. Ông lưu ý rằng, khi các tòa án trở nên thận trọng hơn đối với các câu hỏi chống độc quyền nói chung, họ có nhiều khả năng từ chối ngăn chặn các thương vụ. "Ở đó, có một thách thức có thể vượt qua hoặc không thể vượt qua", ông nói.

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.