Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Thị trường bất động sản năm 2014 đang có tín hiệu dần ấm lên, các doanh nghiệp bất động sản đang nỗ lực đưa doanh nghiệp mình thoát khỏi “vòng kim cô” bằng cách hạ giá bán (thậm chí chấp nhận bán hòa vốn, bán lỗ), linh hoạt trong thanh toán (thanh toán theo tiến độ, chia thành nhiều đợt). Kết nối người mua với ngân hàng để vay mua nhà...chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, xây những dòng sản phẩm vừa túi tiền người dân,…
Đồng thời chính phủ đang nỗ lực giải cứu thị trường bất động sản như: giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng, xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) nhằm tạo điều kiện cho thị trường BĐS hồi phục và phát triển theo hướng minh bạch, ổn định và bền vững.
Tuy nhiên, thời gian qua dư luận đang xôn xao thông tin về đề án Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép người nước ngoài mua nhà. Hay Bộ Xây dựng dự kiến cho phép hợp thức hóa nhà siêu mỏng. Những đề xuất này gặp phải rất nhiều ý kiến trái chiều vì nhiều người cho rằng cho phân lô quá nhỏ có thể khiến bộ mặt đô thị bị méo mó, phá vỡ cấu trúc đô thị.
Xung quanh vấn đề này CafeLand đã có cuộc trao đổi ngắn với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.
Vừa qua, Bộ Xây dựng dự kiến cho phép các khu đô thị được xây nhà liền kề trên lô đất tối thiểu 25m2, ý kiến của Tiến sĩ về vần đề này như thế nào?
Tôi nghĩ đó là biện pháp hay, có thể tận dụng được các diện tích nhỏ để khỏi lãng phí. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp rõ ràng để tận dụng miếng đất đó một cách có hiệu quả nhất.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp giảm giá nhà bằng hình thức chẻ nhỏ căn hộ, điều này có thể khiến hạ tầng đô thị bị quá tải và phá vỡ quy hoạch theo ông việc này có nên không?
Theo tôi, việc chẻ nhỏ căn hộ, xây nhà cao tầng chỉ gây quá tải ít, nhưng việc nghiêm trọng hơn là “ăn quỵt” môi trường sống. Tôi thấy có rất nhiều nhà cao tầng xây lên dân cư tăng lên gấp bội mà không có nhà trẻ, trường học, khuôn viên vui chơi, hồ bơi…
Theo ông Liệu bất động sản có thể giảm sâu hơn nữa trong năm 2014?
Thị trường bất động sản giảm giá hay không, theo tôi còn phụ thuộc vào việc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) có bán tài sản được thế chấp hay không. Nếu bán có thể có sự chuyển dịch và có lẽ sự chuyển dịch ở mảng thị trường nhà ở xã hội sẽ thuận lợi hơn các mảng khách.
Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng được nhiều doanh nghiệp tin tưởng sẽ phát huy tác dụng, ông đánh giá về gói hỗ trợ này như thế nào trong năm 2014?
Gói 30 ngàn tỷ nếu muốn phát huy tác dụng thì phải thay đổi tất cả các thủ tục đối với người mua, vì hiện nay tỷ lệ giải ngân quá thấp chỉ mới được gần 9%. Có lẽ Bộ xây dựng và Ngân hàng Nhà Nước nên xem xét để có những quy định thích hợp hơn nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp vay dễ dàng. Theo như tôi biết sắp tới đây gói 30 nghìn tỷ sẽ được mở rộng cho các đối tượng như các doanh nghiệp muốn vay vốn để làm dự án, hoặc hoàn thiện các dự án còn dang dỡ.
Đầu năm 2014, dường như thị trường bất động sản đang ấm dần lên, ông đánh giá về tín hiệu này như thế nào?
Theo tôi thị trường bất động sản đang còn nhiều ẩn số, tôi hoàn toàn không rõ tổng số nợ là bao nhiêu? Bây giờ còn có chính sách cho người nước ngoài mua nhà, nhưng liệu người ta có mua hay không?. Và nếu có mua, chỉ mua được các biệt thự, khu nghỉ dưỡng ở vùng duyên hải miền trung, chứ giá nhà ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh còn cao hơn giá nhà ở Sydney và California. Vì thế, liệu việc này có hấp dẫn người nước ngoài không, khi mà môi trường sống ở Việt Nam còn nhiều vấn đề. Chính phủ có hảo ý mở cửa ra là rất hoan nghênh, nhưng để đạt được kết quả tốt cần nỗ lực chung của các cấp, các ngành rất nhiều.