Nhà gia đình Wu, Trùng Khánh, Trung Quốc
Wu là một trong 280 gia đình nằm ở một trung tâm mua sắm 6 tầng đang được xây dựng ở Trùng Khánh. Suốt 2 năm, gia đình gồm 3 thế hệ này từ chối di dời đến chỗ khác vì không bằng lòng với khoản tiền bồi thường trị giá 3,5 triệu NDT (khoảng 453.000 USD).
Mặc dù bị công ty xây dựng cắt điện, nước và đào đất sâu 10m xung quanh, gia chủ vẫn kiến quyết bám trụ tại căn nhà trơ trọi giữa công trường xây dựng. Ông chủ là Yang Wu, một nhà vô địch võ thuật, làm một chiếc thang dây để trèo lên phòng và dọa đánh bất kỳ người nào dám đuổi ông ta đi. Trong khi đó, người vợ là Wu Ping có kế hoạch mở một nhà hàng để kinh doanh ở tầng trệt ngôi nhà. Wu Ping thậm chí quảng cáo với truyền thông về ngôi nhà để gây áp lực với công ty xây dựng. Ngày 4/4/2007, sau quá trình đàm phán kéo dài, gia đình Wu chấp nhận chuyển đi vì được đền bù một căn hộ mới cùng khoản tiền đền bù một triệu NDT.
Nhà giữa đường ở Ôn Lĩnh, Trung Quốc
Ngôi nhà này trở nên nổi tiếng vì nó nằm chình ình giữa một con đường mới mở ở thành phố Ôn Lĩnh, tỉnh Chiết Giang. Sau khi được truyền thông Trung Quốc công bố rộng rãi, những hình ảnh về ngôi nhà gây xôn xao trên mạng. Gia chủ là một cặp vợ chồng già từ chối bán nhà với mức giá do chính quyền đề nghị từ năm 2001. Sau đó, một con đường 2 làn lớn được xây dựng nhưng buộc phải vòng qua nhà. Vài ngày trước, căn nhà bị phá hủy sau khi chủ nhà chấp nhận khoản tiền đền bù 41.000 USD và rời đi.
Nhà ở Côn Minh, Trung Quốc
Nhằm gây áp lực buộc chủ nhà dời đi, ngày 28/10/2010 công ty xây dựng đã đào con rãnh quanh nhà của ông Triệu ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam và đổ nước vào đó tạo thành con hào. Tuy nhiên, việc làm này không khiến Triệu nản lòng và ông này vẫn tiếp tục bám trụ tại căn nhà trơ trọi. Triệu cho hay, gia đình ông không đi là do công ty xây dựng bồi thường tiền quá thấp. Ông sau đó tiếp tục sống trong ngôi nhà cùng vợ và người mẹ già 83 tuổi, mặc dù tất cả nhà hàng xóm chung quanh đã bị phá hủy.
Ngôi nhà ở thành phố Kim Hoa, Trung Quốc
Con đường Yongji nổi tiếng ở thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang vì ở đây có một căn nhà to lớn nằm chình ình giữa đường. Quanh ngôi nhà 3 tầng là một khu vườn rộng trồng hoa màu và được ngăn với con đường bằng một lớp hàng rào. Chủ của nhà là ông Yao Buqing (57 tuổi) và gia đình đã bám trụ ở đây suốt 5 năm qua, vì không hài lòng với khoản tiền bồi thường của chính quyền.
Nhà 108 tuổi ở Seatte, Mỹ
Bà Edith Macefield nổi tiếng khắp thế giới năm 2006, khi kiên quyết từ chối khoản bồi thường trị giá một triệu USD của chính quyền ở khu phố Ballard, Seatle để dỡ nhà và xây một trung tâm thương mại. Nhiều người cho rằng đây là câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Sau khi không thuyết phục được bà Edith, công ty xây dựng phải xây tòa nhà 5 tầng bao quanh căn nhà nhỏ 108 năm tuổi. Khi qua đời ở tuổi 86, bà Edith đã trao quyền thừa kế ngôi nhà cho người giám sát công trình là Barry Martin, vì muốn cảm tạ lòng tốt của Martin trong quá trình xây dựng trung tâm thương mại. Tháng 7/2009, Barry Martin bán ngôi nhà cho một thương nhân với giá 310.000 USD. Người chủ mới đang dự định dùng ngôi nhà làm văn phòng cho công ty bất động sản.
Ngôi nhà Austin Spriggs, Washington DC, Mỹ
Năm 2008, Austin Spriggs kiên trì sống trong ngôi nhà bị xem là cái gai trong mắt của một công ty xây dựng địa phương. Ông Spriggs đã từ chối khoản tiền đền bù hơn 3 triệu USD, mặc dù trị giá trước đây của nó chỉ có khoảng 200.000 USD. Austin sau đó quyết định vay tiền và biến căn nhà thành một cửa hàng pizza. Hiện tại, căn nhà 2 tầng nhỏ vẫn nằm lọt thỏm giữa các tòa nhà cao tầng xung quanh.
Tòa nhà trước ga tàu Thâm Quyến, Trung Quốc
Căn nhà này nằm phía trước ga tàu phía bắc Thâm Quyến. Năm 2011, chủ của tòa nhà 7 tầng từ chối khoản tiền đền bù trị giá 20 triệu NDT (khoảng 3,2 triệu USD) để chuyển đi. Hiện tại, tòa nhà kiên cố vẫn nằm sừng sững phía trước nhà ga như một thách thức lớn với chính quyền địa phương.
Trang trại ở Sân bay Quốc tế Narita, Nhật Bản
Năm 1996, Chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch xây một sân bay mới ở Narita, nhưng công việc gặp không ít trở ngại mà phần lớn là do người dân không chịu di dời nhà. 20 năm sau, các cuộc biểu tình của nông dân sở hữu đất buộc chủ đầu tư phải xây dựng 3 đường băng tránh nhà của họ. Đến ngày nay, nằm giữa đường băng số 2 vẫn là một trang trại lớn và việc thi công đường băng số 3 bị ngăn cản bởi những căn nhà nhỏ. Bất chấp mỗi ngày có khoảng 100 máy bay lượn trên đầu, chủ của các căn nhà này vẫn bám trụ và không có ý định rời đi.
Ngôi mộ kiên cố ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc
Một công ty xây dựng ở thành phố Thái Nguyên đã mua cả một nghĩa trang lớn để xây dựng chung cư. Tuy nhiên, giữa công trường hỗn độn vẫn còn lại duy nhất một ngôi mộ, nằm trên gò đất cao 10 m. Người thân không chịu chuyển ngôi mộ đi, vì họ không bằng lòng với khoản tiền bồi thường 100.000 NDT (khoảng 160.000 USD). Vì vậy, hiện tại ngôi mộ vẫn nằm trơ trọi giữa đống sắt thép, bê tông.
Trang trại Stott Hall, Anh
Trang trại Stott Hall được xây từ thế kỷ 18 ở Windy Hill, Anh. Khu đất hiện nằm giữa 2 làn của một tuyến đường cao tốc nhộn nhịp. Mặc dù chính quyền địa phương cố gắng thuyết phục chủ nhà bán lại trang trại để làm đường, nhưng vợ chồng Ken và Beth Wild nhất quyết không đồng ý và bám trụ lại. Để đảm bảo an toàn cho lái xe và ngăn gia súc ra đường, một hàng rào cao được dựng lên và vây kín khu đất. Do nằm trơ trọi giữa đường, căn nhà còn được mệnh danh là “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”. Hiện trang trại được vợ chồng Wild bán lại cho chủ mới là Paul Thorp.